Thị trường 13/9: VN-Index vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,64 điểm, về mức 1.251,71 điểm; HNX-Index tăng 0,52 điểm, lên mức 232,42 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 341 mã tăng và 325 mã giảm. Sắc đỏ có phần lấn lướt trong rổ VN30-Index với 18 mã giảm, 10 mã tăng và 2 mã tham chiếu.

Sắc đỏ nhẹ xuất hiện ngay đầu phiên giao dịch, các chỉ số chính tăng giảm trái chiều và dao động quanh mức tham chiếu.

Sắc đỏ nhẹ xuất hiện ngay đầu phiên giao dịch, các chỉ số chính tăng giảm trái chiều và dao động quanh mức tham chiếu.

So với phiên giao dịch trước đó, thanh khoản thị trường tăng với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 383 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 9,1 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 43,4 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 649 tỷ đồng.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, VN-Index ở thế giằng co. Sắc đỏ xuất hiện ngay đầu phiên giao dịch cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư vẫn đang hiện diện trên thị trường. Các chỉ số chính đều tăng giảm trái chiều và dao động quanh mức tham chiếu.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tiếp tục cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong ngày 12/09, đánh dấu lần cắt giảm thứ hai trong năm nay. Theo đó, lãi suất cơ bản của ECB đã giảm từ mức 3,75% trước đó xuống còn 3,5%.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn ở mức thấp, trong khi lạm phát đang trên đà giảm xuống gần mục tiêu 2% của ECB.

Tính tới 9h30, dẫn đầu là nhóm nguyên vật liệu khi tích cực ngay từ đầu phiên. Sắc xanh lan tỏa đến mã cổ phiếu như HPG tăng 0,6%, POM tăng 7,69%, HSG tăng 0,25%, VLB tăng 1,81%, DCM tăng 0,4%, KQS tăng 6,67%,...

Tiếp đến là nhóm năng lượng khi cũng ghi nhận sự tích cực không kém trong phiên giao dịch sáng nay. Điển hình là các mã cổ phiếu như BSR tăng 0,43%, PVD tăng 0,38%, PVB tăng 0,71%,…

Tâm lý giao dịch không mấy tích cực của nhà đầu tư tiếp tục hiện hữu và “dìm” các chỉ số chính dưới mốc tham chiếu. Tính đến 10h30, VN-Index giảm 6,6 điểm, giao dịch quanh mức 1.249 điểm. HNX-Index giảm 0,57 điểm, giao dịch quanh mức 231 điểm.

Độ rộng các mã cổ phiếu trong rổ VN30 vẫn đang nghiêng về bên bán với phần lớn các mã giảm như VNM, ACB, MWG và VPB đang tác động tiêu cực đến VN30-Index khi lần lượt lấy đi 0,66 điểm, 0,6 điểm, 0,58 điểm và 0,47 điểm từ chỉ số chung. Trái lại, SSB, HPG, FPT và VRE vẫn giữ được sắc xanh giúp chỉ số chung níu giữ đà giảm.

Nhìn chung các ngành đa phần diễn biến phân hóa mạnh. Trong đó, nhóm tiện ích đang chịu áp lực bán mạnh nhất thị trường với mức giảm 0,67%. Lực bán tập trung chủ yếu ở các mã vốn hóa lớn như GAS chìm trong sắc đỏ ngay từ khi mở cửa giảm 1,58%, POW giảm 0,39%, NT2 giảm 0,75%, QTP giảm 0,71%...

Kế đến là nhóm công nghiệp cũng đang có diễn biến kém sắc với mức giảm 0,31%. Trong đó, VJC giảm 0,38%, HUT giảm 0,61%, GMD giảm 0,52%... chỉ có một số ít các mã giữ được sắc xanh lạc quan như VCG tăng 0,56%, HAH tăng 0,77%, SAC tăng 3,57%...

Ở một diễn biến tích cực hơn thì ngành nguyên vật liệu dẫn đầu nhóm “cầm chân” đà giảm với mức phục hồi khá khiêm tốn 0,13%. Cụ thể, HPG tăng 0,2%, HSG tăng 0,5%, CSV tăng 0,25%, DPM tăng 0,14%... Ngoài ra, thì sắc đỏ vẫn đang hiện diện ở các mã như GKM giảm 3,46%, DGC giảm 0,62%, NKG giảm 0,24%, GVR giảm 0,14%...

So với đầu phiên, số lượng các mã tham chiếu vẫn duy trì tỷ trọng cao hơn 1,000 mã và bên bán vẫn chiếm ưu thế hơn. Số mã giảm là 301 mã và số mã tăng là 208 mã.

Thị trường giao dịch ảm đạm trong bối cảnh thanh khoản tiếp tục giảm mạnh so với mức thấp của phiên trước. Nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi dậy “khởi nghĩa” nhưng vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng từ thị trường chung. Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index giảm 0,34%, dừng ở mức 1.252,04 điểm; HNX-Index giảm nhẹ 0,01%, đạt 231,88 điểm. Thị trường phân hóa với độ rộng đang nghiêng nhiều hơn về phe bán, ghi nhận 312 mã giảm và 254 mã tăng.

Thanh khoản mất hút, khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index chỉ đạt gần 153 triệu đơn vị trong phiên sáng, tương đương giá trị gần 3,9 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 33% dù chỉ so với mức thấp của phiên trước. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 25 triệu đơn vị với giá trị hơn 351 tỷ đồng.

Về mức độ ảnh hưởng, GAS, VNM và CTG đang tạo nhiều áp lực tiêu cực nhất, lấy đi hơn 1.6 điểm của VN-Index. Ở phía ngược lại, VCB, FPT và SSB nỗ lực giúp VN-Index giữ trên mốc 1,250 điểm với đóng góp hơn 1 điểm tăng.

Các nhóm ngành đang ghi nhận diễn biến phân hóa. Ở phía tăng điểm, điểm nhấn nổi bật nhất thị trường hiện tại là nhóm chứng khoán với mức tăng hơn 1%, tuy nhiên tỷ trọng vốn hóa của nhóm này không cao nên chưa thể khiến lực cầu lan tỏa nhiều. Các cổ phiếu tăng trên 2% bao gồm FTS (+2,91%), BVS (+2,3%), HCM (+2,25%) và MBS (+2,24%). Trong khi đó, các nhóm công nghệ thông tin, nguyên vật liệu và tiêu dùng thiết yếu tuy giữ được sắc xanh nhưng mức tăng khá khiêm tốn dưới 1%.

Ngược lại, nhóm tiện ích đang tạm thời xếp cuối bảng với mức giảm 0,73%, chịu áp lực chủ yếu từ cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành là GAS giảm gần 2%. Phần lớn các cổ phiếu còn lại chỉ biến động nhẹ quanh mức tham chiếu. Theo sau là các nhóm năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và chăm sóc sức khỏe đều đang giảm khoảng 0,5%.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong sáng hôm nay với giá trị hơn 70 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, 2 mã bị bán ròng đáng kể là MWG (75,7 tỷ) và VCI (63,8 tỷ). Trái lại, FPT được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất với giá trị hơn 91 tỷ đồng. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 7 tỷ đồng, tập trung bán nhiều nhất ở cổ phiếu SHS (10,5 tỷ).

Tâm lý bi quan tiếp tục gia tăng vào đầu phiên chiều đối VN-Index mặc dù lực mua có xuất hiện trở lại để nâng đỡ chỉ số nhưng kết quả về cuối phiên vẫn không có sự thay đổi và bên bán tiếp tục chiếm ưu thế. Về mức độ ảnh hưởng, GAS, VNM, MSN và BID là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 2.3 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, VCB, FPT, SAB và VRE là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất với mức đóng góp 1,1 điểm vào chỉ số.

Tuy nhiên, HNX-Index lại có diễn biến không quá bi quan, trong đó chỉ số được tác động tích cực từ các mã KSV (+4,91%), MBS (+1,87%), PVI (+1,57%), CEO (+1,32%)…

Ngành tiện ích có mức giảm mạnh nhất thị trường với -0,9% chủ yếu đến từ mã GAS (-2,37%), POW (-0,78%), NT2 (-1,01%) và BWE (-0,11%). Theo sau là ngành năng lượng và ngành chăm sóc sức khỏe với mức giảm lần lượt là 0,61% và 0,45%. Ở chiều ngược lại, ngành công nghệ thông tin có mức phục hồi mạnh nhất thị trường với 0,52% chủ yếu đến từ mã FPT (+0,53%), CMG (+0,59%), ITD (+0,86%) và VBH (+8%).

Nhóm chứng khoán diễn biến tích cực trong phiên hôm nay. Ngày 12/9/2024, tại Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước đã diễn ra cuộc họp khẩn về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường.

Đây là diễn biến nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn tất các vướng mắc, tiến tới nâng hạng thị trường được Chính phủ và Bộ Tài chính sát sao chỉ đạo.

Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng hơn 115 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã VHM (188,95 tỷ), MWG (124,19 tỷ), VCI (85,47 tỷ) và HPG (73,47 tỷ). Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 5 tỷ đồng, tập trung vào mã IDC (7,9 tỷ), BVS (5,08 tỷ), VC3 (2,45 tỷ) và NTP (1,73 tỷ).

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,64 điểm, về mức 1.251,71 điểm; VN30 giảm 3,31 điểm, tương ứng mức 1.294,3 điểm. HNX-Index tăng 0,52 điểm (+0,22%), lên mức 232,42 điểm. UpCom tăng 0,22 điểm, ở mức 92,95 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 341 mã tăng và 325 mã giảm. Sắc đỏ có phần lấn lướt trong rổ VN30-Index với 18 mã giảm, 10 mã tăng và 2 mã tham chiếu.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thi-truong-139-vn-index-van-chua-thoat-khoi-sac-do-394736.html