Thị trường 60 tỷ USD, điểm bùng nổ sau thời khủng hoảng

Việt Nam đang tập trung kích cầu nội địa giữa lúc đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế đối ngoại. Việc làm và thu nhập là hai vấn đề quan trọng và dư địa tín dụng tiêu dùng hàng chục tỷ USD là một động lực lớn.

Một biện pháp tiềm năng, dư địa lớn

Tại cuộc Tọa đàm "Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng" ngày 21/5 tại Hà Nội, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết dư địa tăng trưởng tín dụng tiêu dùng chính thống còn rất lớn, có thể lên tới cả triệu tỷ đồng, tương đương 50-70 tỷ USD.

Theo ông Hòe, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỷ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ.

Trên thế giới, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức ở vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5-2 triệu tỷ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính, dư nợ tín dụng tiêu dùng tới cuối 2019 khoảng 1,68 triệu tỷ đồng (khoảng 7,2 tỷ USD), gấp 7 lần so với năm 2012.

Tín dụng tiêu dùng đang phát triển mạnh tại Việt Nam.

Tín dụng tiêu dùng đang phát triển mạnh tại Việt Nam.

Theo ông Lực, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 20,5%. Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng phục vụ mua nhà, sửa nhà,... (khoảng 40% tổng tín dụng tiêu dùng) thì dư nợ tín dụng tiêu dùng thực chất tính tới cuối 2019 cũng khoảng trên 1 triệu tỷ đồng, tương đương 12,3% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Đây là một tỷ lệ còn khá thấp so với mức trên 17% của Trung Quốc hay khoảng 20% ở các nước Đông Nam Á. Điều đó cho thấy rằng, dư địa phát triển tín dụng tiêu dùng còn rất lớn và đây là một động lực để tăng sức cầu nội địa, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Cũng đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng việc đánh đồng tiêu dùng cá nhân và cho vay cá nhân là không phù hợp, bởi rủi ro sẽ khác nhau. Tiêu dùng cá nhân một nửa là bất động sản, trong đó đầu tư và đầu cơ không nhỏ.

Còn theo đánh giá của PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, nguyên Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm “dưới chuẩn" chưa được đáp ứng trên thực tế là rất lớn, rất đa dạng và cũng rất cấp thiết. Hiện nhu cầu vay tiêu dùng còn rất lớn và tiềm năng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt, tỷ lệ khách hàng có thu nhập thấp và có nhu cầu vay tiêu dùng được thống kê là khá lớn nhưng chưa được tiếp cận NHTM và CTTC.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, thực tế nhu cầu cho vay bên ngoài quá lớn khi nhìn vào tín dụng đen vẫn đang phát triển.

Tăng sức cầu nội địa

Theo các chuyên gia, việc phát triển tín dụng tiêu dùng gần đây rất được chú trọng và là động lực cho nền kinh tế. Theo ông Võ Trí Thành, giờ không phải là sản xuất và phân phối quyết định nữa, mà là tiêu dùng. Có tiêu dùng thì sẽ có sản xuất.

Nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua chứng kiến thu nhập của người Việt tăng rất nhanh. Theo báo cáo “The Wealth Report” 2020 của Công ty tư vấn Knight Frank, Việt Nam có 458 người siêu giàu (tài sản 30 triệu USD trở lên - khoảng 700 tỷ đồng), trong đó có 5 tỷ phú USD. Còn theo Wealth-X, tốc độ tăng trưởng người siêu giàu Việt trong 10 năm qua nhanh thứ 2 thế giới. Dự báo, số người siêu giàu ở Việt Nam sẽ tăng 64% trong 5 năm tới.

Kích cầu nội địa, dư địa 60 tỷ USD phát triển kinh tế

Kích cầu nội địa, dư địa 60 tỷ USD phát triển kinh tế

Tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng tăng mạnh. Thu nhập của người Việt được cải thiện là lý do khiến tiêu dùng tăng mạnh và tín dụng tiêu dùng có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm, thu nhập và có thể là cả thói quen của người tiêu dùng.

Việt Nam đang tập trung vào kích cầu nội địa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế đối ngoại. Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động là 2 vấn đề quan trọng và là cơ sở để phát triển tiêu dùng nội địa.

Để giải quyết vấn đề hai vấn đề trên, qua đó thúc đẩy tiêu dùng tăng trở lại, theo ông Phạm Xuân Hòe, Việt Nam cần khẩn trương chi hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng cứu trợ người mất việc, nghèo khó duy trì cuộc sống. Và thúc đẩy giải ngân gói 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% đối với doanh nghiệp để trả lương cho người lao động.

Nhà nước cần đẩy gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng để kích cầu tạo việc làm.

Bên cạnh đó là cho vay tiêu dùng với món nhỏ, lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ cần kéo dài hơn so trước kia; giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động...

Còn theo chuyên gia Cấn Văn Lực, để phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam một cách lành mạnh, bền vững, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính, nhất là các quy định về chuẩn an toàn cũng như sản phẩm mới.

Hơn thế, cũng cần tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô nhỏ và vừa phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh, hạn chế rủi ro tập trung vào các công ty lớn... Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, từ đó giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn; tăng cường nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động.

M. Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/thi-truong-60-ty-usd-diem-bung-no-sau-thoi-khung-hoang-642991.html