Thị trường ảm đạm, cổ phiếu dệt may nổi sóng phiên cuối tuần

Trong bối cảnh thị trường giao dịch ảm đạm bởi dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát và chỉ số chung tiếp tục điều chỉnh giảm, các cổ phiếu dệt may đã đua nhau tăng tốc và nổi sóng.

Sau 2 phiên giảm liên tiếp, thị trường đã có những nhịp bật hồi trong phiên sáng cuối tuần ngày 31/5. Tuy nhiên, trong bối cảnh lực cầu suy yếu, thị trường thiếu các nhóm cổ phiếu cũng như các mã trụ cột dẫn dắt, trong khi áp lực bán luôn thường trực, đã khiến VN-Index chỉ hồi nhẹ rồi nhanh chóng “quay xe”.

Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm tín hiệu cải thiện. Giao dịch toàn thị trường có phần ảm đạm hơn khi tâm lý nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài quan sát. Trạng thái giao dịch lình xình trong biên độ hẹp xuyên suốt cả phiên giao dịch và VN-Index đã khép lại phiên cuối tuần với mức giảm nhẹ, tiếp tục bảo toàn vùng giá 1.260 điểm với thanh khoản sụt giảm khá mạnh.

Một trong những điểm sáng nhỏ chính là việc dòng tiền vẫn luân chuyển khá nhịp nhàng và tạo những con sóng cho thị trường. Nếu trong phiên trước là sóng cổ phiếu điện, rồi đến sóng thoái vốn…, thì trong phiên hôm nay, các cổ phiếu dệt may đã ngược dòng thị trường chung, đồng loạt đua nhau tăng mạnh.

Cụ thể, sau phiên sáng lình xình, lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp ADS kéo trần thành công lên mức giá cao nhất kể từ đầu năm, tại 14.600 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ, đạt hơn 4,42 triệu đơn vị, gấp hơn 4 lần mức thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch vừa qua.

Các cổ phiếu khác trong ngành như GIL có thời điểm lên sát trần và đóng cửa tăng 5,8% với thanh khoản đạt gần 2,5 triệu đơn vị, TCM tăng 5,4% và khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị, một mã nhỏ là SVD có thời điểm khoe sắc tím và đóng cửa tăng 5,3%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bán lẻ vẫn duy trì mức tăng tích cực dù MWG hạ nhiệt khi đóng cửa chỉ còn tăng 1,3%, với sự đóng góp của PNJ tăng hơn 1%, FRT tăng 3,33%...

Ngược lại, nhóm sản phẩm cao su giảm mạnh nhất thị trường, bởi SRC giảm 6,47%, CSM giảm 5,75%, DRC và BRC cùng giảm trên dưới 1%.

Bộ 3 nhóm cổ phiếu trụ cột bank chứng thép đồng loạt điều chỉnh giảm nhẹ. Trong nhóm ngân hàng, cặp đôi lớn là VCB và BID là gánh nặng chính khi lấy đi gần 3 điểm của chỉ số chung, kết phiên lần lượt giảm 1,58% và 1,26%; còn EIB vẫn là mã tăng tốt nhất dù biên độ thu hẹp đáng kể khi kết phiên chỉ tăng 1,27% lên mức 19.950 đồng/CP và thanh khoản sôi động nhất thị trường với hơn 20 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu nhỏ VIX vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với gần 17 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa cũng hạ độ cao khi chỉ tăng 0,6%.

Xét về vốn hóa thị trường, nhóm VN30 ghi nhận 18 mã giảm và chỉ 9 mã tăng, nhưng mức biến động của các cổ phiếu đều khá hẹp, nên kết phiên chỉ số nhóm này chỉ giảm hơn 3 điểm.

Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu VOS bị bán tháo và là mã duy nhất trên sàn HOSE nằm sàn, đóng cửa tại mức giá 15.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 5,2 triệu đơn vị và dư bán sàn 93.500 đơn vị. Trong khi đó, một mã khác cùng ngành vận tải biển là VSC lại thay thế tỏa sáng khi kết phiên tăng gần 4% lên mức 22.050 đồng/CP với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 6 toàn thị trường, đạt gần 14,6 triệu đơn vị.

Đóng cửa, sàn HOSE có 198 mã tăng và 222 mã giảm, VN-Index giảm 4,6 điểm (-0,36%), xuống 1.261,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 771 triệu đơn vị, giá trị hơn 18.740 tỷ đồng, giảm 26.57% về khối lượng và 27,51% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 153,4 triệu đơn vị, giá trị 3.283,56 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục phân hóa và duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX có 93 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,38%), xuống 243,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.354 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 93,33 tỷ đồng.

Tâm điểm của thị trường chính là cổ phiếu thuộc nhóm dệt may – TNG. Dù không giữ được mức giá cao nhất trong ngày nhưng TNG kết phiên vẫn tăng 3,5% lên mức 26.600 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong hơn 2 năm qua của cổ phiếu này. Đồng thời, giao dịch cổ phiếu TNG bùng nổ khi vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với hơn 7,2 triệu đơn vị khớp lệnh, gần gấp đôi mức trung bình của 10 phiên gần đây.

Các cổ phiếu có giao dịch sôi động tiếp theo đều diễn biến không mấy khả quan, với SHS giảm 0,5% và khớp 6,66 triệu đơn vị, AAV giảm kịch sàn với khối lượng khớp 5,12 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 1,5 triệu đơn vị, PVS giảm 1,1% và khớp hơn 4 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu APEC, cổ phiếu IDJ vẫn giữ mức tăng 2,5%, APS đứng giá tham chiếu, trong khi API đảo chiều giảm mạnh 6,4%.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch giằng co và liên tục đổi sắc.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,09%) lên 95,88 điểm với 220 mã tăng và 135 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 96 triệu đơn vị, giá trị 971,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 35,96 tỷ đồng.

Cổ phiếu dệt may - VGT là điểm sáng khi đóng cửa tăng 6% lên mức giá 16.000 đồng/CP với giao dịch sôi động nhất khi chuyển nhượng thành công hơn 6,65 triệu đơn vị.

Trong khi đó, KSH có thanh khoản xấp xỉ 6,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm sàn về mức giá 400 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều lình xình quanh mốc tham chiếu. Trong đó, VN30F2406 đứng giá tham chiếu 1.270 điểm, khớp hơn 202.770 đơn vị, khối lượng mở hơn 53.490 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CACB2305 có thanh khoản lớn nhất với gần 5,13 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 2,7% xuống 1.090 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2337 khớp 3,76 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,3% lên 720 đồng/cq.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-am-dam-co-phieu-det-may-noi-song-phien-cuoi-tuan-post346344.html