Thị trường bán lẻ - Xu hướng nào dẫn dắt trong năm nay?
Trong năm nay, ngoài xu hướng tập trung vào các nhóm ngành F&B và giải trí, các nhà bán lẻ cần tập trung vào xu hướng phát triển không gian bán lẻ xanh, áp dụng công nghệ và dữ liệu lớn, mô hình bán lẻ hợp kênh (omni channel) để nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Những gam màu sáng - tối
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường JLL, tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư cũng như bán lẻ trong khu vực. Cụ thể từ năm 2014, thị trường đã chứng kiến hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập. Có thể kể đến như việc Berli Jucker mua lại Metro Cash & Carry Vietnam - là hợp đồng mua bán - sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Sau đó không lâu, Central Group - một tập đoàn khổng lồ khác của Thái Lan, đã mua lại Nguyễn Kim Trading - nhà bán lẻ điện tử hàng đầu Việt Nam - và Big C Vietnam - chuỗi siêu thị lớn thứ hai về số lượng cửa hàng tại Việt Nam.
Emart - nhà bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc - cũng chính thức gia nhập sân chơi vào năm 2015 với một trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD ở phía bắc TP. Hồ Chí Minh. Cũng từ Hàn Quốc, Lotte Mart đã khá thành công với hàng loạt các siêu thị và trung tâm thương mại khắp cả nước...
Dù có sự bùng nổ song bà Lê Thị Huyền Trang - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Việt Nam của JLL - nhận xét: Thị trường bán lẻ vẫn có những gam màu tối với sự cạnh tranh và đào thải khá khắc nghiệt. Việc rút khỏi thị trường của các thương hiệu lớn như Auchan, hay việc thu hẹp mạng lưới hoạt động của Parkson, cùng việc hàng loạt các thương hiệu cửa hàng tiện lợi nước ngoài chật vật dành miếng bánh thị phần cho thấy đây không phải là một sân chơi dễ dàng.
Thành công đến từ mô hình phù hợp
Để cạnh tranh trên thị trường, từ thực tế vào Việt Nam mấy năm nay, đại diện của Emart Việt Nam cho biết, ngoài yếu tố tiên quyết là lựa chọn được vị trí có mật độ dân số và sức mua tốt thì nhà bán lẻ cũng cần phát triển được một mô hình phù hợp.
Chẳng hạn Emart vẫn đang đeo đuổi mô hình bán lẻ đa kênh. Nghĩa là vừa tích hợp offline (bán tại chỗ) và online (bán hàng qua điện thoại, qua ứng dụng trên điện thoại, và qua website). Ở trung tâm bán lẻ này, các loại hình từ siêu thị đến giải trí, ẩm thực tập trung tại một điểm nên sẽ thuận tiện hơn và đón được nhiều khách hàng hơn. Chính vì thế, dù chỉ mới có 1 siêu thị tại quận Gò Vấp nhưng mức tăng trưởng trung bình của Emart mỗi năm đạt 20%. Trước cuộc cạnh tranh bán lẻ ngày càng gay gắt, đơn vị này cũng đã vạch ra lộ trình để mở rộng thị phần ngay trong năm nay.
Còn theo đại diện của GS25 Việt Nam, hầu hết các sự thành công của các thương hiệu bán lẻ là đến từ vị trí mặt bằng. Vì vậy GS 25 hợp tác với Son Kim - đơn vị đa ngành nghề bất động sản, media.... và họ sẽ giúp GS 25 có những vị trí mặt bằng tốt để có thể thâm nhập vào thị trường bán lẻ.
Tương tự là Aeon. Có văn phòng đại diện tại Việt Nam từ 2008, phải đến năm 2014 Aeon mới chính thức đưa vào hoạt động trung tâm đầu tiên là Aeon Mall Celadon Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh). Việc chọn đúng mô hình với mục tiêu hướng đến dịch vụ dành cho các gia đình mua sắm, vui chơi, phù hợp với xu hướng của thị trường đã đem đến cho thương hiệu này những thành công nhất định sau 5 năm hoạt động.
Xu hướng nào sẽ dẫn dắt trong năm nay
Theo các chuyên gia, trong năm nay, để nắm bắt được cơ hội thành công, các đơn vị điều hành bán lẻ cần nghiên cứu kỹ để nhận biết rõ hơn xu hướng phát triển của thị trường. Cụ thể, ngoài xu hướng tập trung vào các nhóm ngành F&B và giải trí nhằm tăng lưu lượng khách đến các trung tâm bán lẻ thì xu hướng phát triển không gian bán lẻ xanh hay việc áp dung công nghệ và dữ liệu lớn cũng rất quan trọng. Ngoài ra, mô hình bán lẻ hợp kênh (omni channel) cũng như các nỗ lực sáng tạo khác nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng cũng sẽ là một hướng đi mới để nhà bán lẻ thu hút khách.