Thị trường bánh Trung thu Hà Nội: Nơi tấp nập, chỗ đìu hiu

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ tới Tết Trung thu. Trong khi nhiều cửa hàng bán bánh Trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội ế ẩm, vắng khách, thì tại 2 cửa hàng Bảo Phương (phố Thụy Khuê, quận Ba Đình) lại luôn tấp nập.

Nhiều cửa hàng bánh Trung thu vắng khách ghé mua. Ảnh: Thanh Hiền

Nhiều cửa hàng bánh Trung thu vắng khách ghé mua. Ảnh: Thanh Hiền

Nơi ế ẩm, nơi xếp hàng cả tiếng để mua

Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất bánh Trung Thu đã đưa ra thị trường sản phẩm đa dạng về mẫu mã, đặc sắc về hương vị.

So với năm trước, các doanh nghiệp đều tăng giá từ 2.000 - 20.000 đồng/chiếc (tăng từ 5 - 10%). Đơn cử, bánh nướng, bánh dẻo truyền thống của Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội có mức giá thấp nhất từ 48.000 - 53.000 đồng/chiếc 150 gram; 59.000 - 65.000 đồng/chiếc 180 gram.

Bánh Trung thu Hữu Nghị có giá từ 57.000 - 68.000 đồng/chiếc, trọng lượng 150 gram và 180 gram. Bánh nướng, bánh dẻo vị đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen của Kinh Đô có giá khoảng 55.000 - 80.000 đồng/chiếc, trọng lượng là 150 gram và 180 gram.

Với dòng sản phẩm dành cho người ăn chay, nhân làm từ tảo spirulina, sâm linh chi, đường isomalt, táo đỏ, trà san tuyết... có giá từ 450.000 đồng đến 5 triệu đồng/hộp.

Tuy nhiên, các gian hàng bánh vẫn vắng khách, dù hôm nay (14-9) là ngày nghỉ cuối tuần.

Chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên một cửa hàng bánh trên phố Liễu Giai (quận Ba Đình) chia sẻ, doanh thu bán hàng giảm 15-20% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu khách mua online và vận chuyển bánh về tận nhà.

Khách xếp hàng dài chờ mua bánh Trung thu truyền thống trên phố Thụy Khuê. Ảnh: Thanh Hiền

Khách xếp hàng dài chờ mua bánh Trung thu truyền thống trên phố Thụy Khuê. Ảnh: Thanh Hiền

Trái lại, khách vẫn xếp hàng dài chờ mua bánh Trung thu truyền thống trên phố Thụy Khuê. Ghi nhận đầu giờ chiều ngày 14-9, dọc một đoạn phố này, nhiều người xếp hàng dài trước hai cửa hàng bánh Trung thu Bảo Phương. Có người tới mua cả chục hộp để mang đi làm quà tặng.

Cửa hàng này hiện chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt, nên nhiều khách hàng không mang theo nhiều tiền đã phải đi rút tiền.

Một khách hàng, chị Lê Mai Lan chia sẻ: “Mình đứng đợi mua hàng khoảng 30 phút rồi mà vẫn chưa đến lượt. Bố mẹ mình thích bánh Bảo Phương nên năm nào mình cũng tới đây mua 3 - 4 hộp”.

Một nhân viên tại cửa hàng bánh Trung thu Bảo Phương cơ sở 1 (183 Thụy Khuê), cho hay: “Sát Rằm tháng 8, trung bình cửa hàng bán khoảng 2.500 chiếc bánh/ngày, còn ngày thường ít nhất 500 - 600 chiếc. Loại bánh bán chạy nhất là bánh nướng và bánh dẻo nhân thập cẩm, với các nguyên liệu đặc trưng cổ truyền của người Hà Nội”.

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã liên tục kiểm tra, kiểm soát mặt hàng bánh Trung thu, nguyên liệu sản xuất cũng như bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.

Muôn sắc màu đồ chơi Trung thu

Trung thu năm nay, phố Hàng Mã tiếp tục trở thành tâm điểm thu hút người dân và du khách, với không gian rực rỡ sắc màu của đồ chơi truyền thống.

Đồ chơi Trung thu truyền thống được ưa chuộng. Ảnh: Thanh Hiền

Đồ chơi Trung thu truyền thống được ưa chuộng. Ảnh: Thanh Hiền

Ghi nhận của phóng viên, các loại đồ chơi Trung thu truyền thống, đồ chơi làm thủ công trong nước, như mặt nạ, đèn kéo quân, đèn ông sao… được bày bán nhiều hơn hẳn so với các loại đồ chơi hiện đại, chiếm tới 60-70% số gian hàng.

Theo chị Thanh Thư, đại diện một cửa hàng kinh doanh đồ trang trí trên phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), từ năm ngoái, đồ chơi truyền thống được ưa chuộng hơn cả. “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã trở thành nhận thức, hành vi của người tiêu dùng.

Phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu. Ảnh: Thanh Hiền

Phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu. Ảnh: Thanh Hiền

Còn theo anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ một gian hàng tại phố Hàng Mã, những món đồ chơi như: Trống bỏi, đèn ông sao, lồng đèn giấy thủ công... là các mặt hàng được bán nhiều nhất. Năm nay các món đồ chơi truyền thống cũng có nhiều nét đổi mới trong cách trang trí, nhiều loại có gắn thêm đèn và nhạc bên trong.

Về giá thành, anh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, không tăng so với năm ngoái. Cụ thể, trống bỏi có giá dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/cái, lồng đèn giấy và trống lắc tay giá 15.000 - 40.000 đồng/cái, đèn ông sao từ 20.000 - 50.000 đồng/cái, mặt nạ giấy bồi 30.000 - 80.000 đồng/cái, đèn kéo quân 100.000 - 300.000 đồng/cái, đầu lân giá 150.000 - 600.000 đồng/cái… Các sản phẩm này thu hút sự quan tâm lớn từ các cơ quan, trường học, được đặt mua số lượng lớn để trang trí dịp Trung Thu.

Một số sản phẩm từ Trung Quốc đang bày bán như mặt nạ nhân vật hoạt hình có giá từ 10.000-30.000 đồng/cái, bờm phát sáng từ 25.000-30.000 đồng/chiếc, lồng đèn phát nhạc chạy bằng pin giá từ 70.000-100.000 đồng/cái.

Các đồ chơi hiện đại cũng được nhiều “thượng đế nhí” ưa chuộng như xe địa hình mini gắn điều khiển từ xa có giá từ 80.000-200.000 đồng/chiếc; đồ chơi dụng cụ nấu ăn có giá từ 85.000-160.000 đồng/bộ, lego giá 120.000-300.000 đồng/bộ…

Đưa các con đi chơi ngày cuối tuần, chị Minh Anh (quận Long Biên) chia sẻ, không nghĩ phố Hàng Mã lại đông vui đến vậy. Dù thời tiết khá oi bức nhưng không khí trên phố Hàng Mã náo nhiệt, hàng hóa, đồ chơi đa dạng, phong phú.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thi-truong-banh-trung-thu-ha-noi-noi-tap-nap-cho-diu-hiu-678187.html