Thị trường bảo hiểm cần giảm lượng, tăng chất

Hơn một năm sau khủng hoảng truyền thông, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của khối bảo hiểm nhân thọ vẫn tiếp tục giảm sút và các doanh nghiệp trong ngành buộc phải chấp nhận rằng, đã đến lúc phải tăng chất, giảm lượng.

Để thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, ngoài các giải pháp về sản phẩm, khâu tuyển dụng đại lý mới cần được chọn lọc hơn.

Để thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, ngoài các giải pháp về sản phẩm, khâu tuyển dụng đại lý mới cần được chọn lọc hơn.

Thanh lọc đội ngũ môi giới

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, tổng doanh thu phí thị trường bảo hiểm nhân thọ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 70.246 tỷ đồng, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Chia sẻ tại một cuộc họp báo mới đây, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV nói rằng, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của thị trường trong ngắn hạn vẫn giảm sút nhưng về dài hạn sẽ ổn định.

Cùng với việc doanh thu phí toàn thị trường tiếp tục giảm sút, đội ngũ bán bảo hiểm sẽ tiếp tục được thanh lọc. So với con số khoảng 700.000 đại lý bảo hiểm trước đây, theo ông Dũng, số này sẽ giảm còn khoảng một nửa.

“Hàng trăm nghìn tư vấn viên sẽ tiếp tục bị đào thải trong thời gian tới. Những người muốn trụ lại với nghề phải được đào tạo, nâng cao trình độ và đạo đức nghề nghiệp để phát triển về dài hạn”, Phó tổng thư ký IAV nói.

Cùng với việc kiếm sống bằng nghề bảo hiểm ngày càng khó khăn thì quy định chặt chẽ trong thi cấp chứng chỉ đại lý, đặc biệt là các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đậu xuống rất thấp… cũng khiến việc tuyển dụng mới tư vấn viên của các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trưởng âm.

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, có những đợt thi cấp chứng chỉ số lượng đại lý không đậu lên tới 60 - 70%.

Nếu như trước đây, các doanh nghiệp có thể tự đào tạo và cấp chứng chỉ cho đại lý bảo hiểm của mình thì theo quy định mới, đại lý bảo hiểm cá nhân (bao gồm cả các nhân viên ngân hàng tham gia bán bảo hiểm) phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp, bao gồm chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ cơ bản và chứng chỉ đại lý bảo hiểm liên kết đơn vị.

Đại lý bảo hiểm cá nhân được cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ cơ bản sẽ được sử dụng để thực hiện hoạt động đại lý đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm sức khỏe.

Như vậy, về thực tế, Bộ Tài chính đã có cân nhắc về điều kiện của đại lý được thực hiện các hoạt động đại lý đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung không khác với các sản phẩm bảo hiểm khác.

Tuy nhiên, đại lý bảo hiểm cá nhân muốn được bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị phải tham dự kỳ thi và được Bộ Tài chính cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm liên kết đơn vị (Điều 19, Thông tư 69/2022/TT-BTC).

“Siết chặt đầu vào là việc cần phải làm. Chất lượng đào tạo đại lý bảo hiểm cần phải thay đổi mạnh mẽ thực chất theo hướng chuyên nghiệp chất lượng hơn”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Cần thanh lọc để đi đúng hướng

Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã phát triển nhanh và cần thanh lọc để đi đúng hướng. Dù doanh số của các công ty bảo hiểm trong ngắn hạn bị ảnh hưởng nhưng về dài hạn, niềm tin của người dân sẽ quay trở lại.

Ngành bảo hiểm 18 tháng qua đối diện với nhiều thay đổi, nhưng theo nhận định của CEO Manulife Việt Nam, những thách thức này là không tránh khỏi. Bởi tất cả các thị trường bảo hiểm non trẻ, không chỉ riêng Việt Nam, cũng đều phải đi qua giai đoạn khó khăn để thay đổi hướng đi một cách đúng đắn và mạnh mẽ hơn.

“Đội ngũ đại lý bảo hiểm, tư vấn viên cũng phải giỏi, chỉn chu, chuyên nghiệp mới trụ được với nghề”, bà Tina Nguyễn cho biết.

Tại Manulife, một năm qua, Công ty đã có nhiều hình thức đào tạo, chấn chỉnh cách tuyển dụng đại lý để tăng chất lượng. Doanh nghiệp đã áp dụng các quy trình mới để đảm bảo 100% khách hàng được tư vấn đầy đủ, chính xác trước khi tham gia.

Hàng trăm nghìn tư vấn viên sẽ tiếp tục bị đào thải trong thời gian tới. Những người muốn trụ lại với nghề phải được đào tạo, nâng cao trình độ và đạo đức nghề nghiệp.

Ông Ngô Trung Dũng Phó tổng thư ký IAV

Để thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững, ngoài các giải pháp về sản phẩm, dịch vụ…, nhiều ý kiến cho rằng, khâu tuyển dụng đại lý mới cần được chọn lọc hơn, tập trung đầu tư cho đội ngũ làm việc toàn thời gian hơn là duy trì đội ngũ đông về số lượng như hiện nay, bởi thị trường đang bước sang một chu kỳ phát triển mới nên cần phải hướng đến yếu tố chất lượng.

Theo các chuyên gia trong ngành, số lượng đại lý bảo hiểm ở Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số đại lý thuộc ngành này ở châu Á cũng như trên toàn thế giới, do đó, đã đến lúc cần thu hẹp khoảng cách dần.

Trước đó, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Global - Vietnam cũng cho rằng, cùng với sự phát triển của nhu cầu hoạch định tài chính cá nhân và thị trường tài chính cá nhân ở Việt Nam hiện nay, rất cần xây dựng bộ tiêu chuẩn tư vấn bảo hiểm và tư vấn tài chính chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện đội ngũ tư vấn nhằm mang đến sự đảm bảo an toàn tài chính phù hợp nhất cho khách hàng.

Tại các nước phát triển, chuyên gia tư vấn tài chính (Financial Advisor) là một nghề nghiệp chuyên môn cao, tương tự như các nghề nghiệp luật sư, bác sỹ, cố vấn đầu tư, chuyên gia thuế... Ngành dịch vụ tài chính luôn được quản lý nghiêm ngặt tại các nước.

Thông thường, ai cũng có quyền chia sẻ ý kiến của mình về các chủ đề liên quan đến đầu tư, nhưng không phải ai cũng được phép cho lời khuyên về tài chính, nếu không có đủ năng lực chuyên môn theo quy định pháp luật.

Thông tin từ IAV cho thấy, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 10% người dân có hợp đồng bảo hiểm. So với Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore thì tỷ lệ này rất nhỏ bé, bởi ở các thị trường này hơn 70% người dân có hợp đồng bảo hiểm. Trong đó, số lượng hợp đồng bảo hiểm trên đầu người có thể tới 100 - 150%, vì một người dân có thể có 2-3 hợp đồng bảo hiểm.

Tại Việt Nam, theo Phó tổng thư ký IAV, dân số được bảo hiểm còn ít, trong khi sự gia tăng rất nhanh của tầng lớp trung lưu những người có thu nhập cao là những yếu tố cho thấy thị trường bảo hiểm còn phát triển.

Cuộc khủng hoảng truyền thông trong ngành bảo hiểm xảy ra, nhìn ở khía cạnh tích cực, là người dân đã chủ động tìm hiểu bảo hiểm nhân thọ nhiều hơn và những người đã thực sự hiểu bảo hiểm họ không rời bỏ hợp đồng mà có kế hoạch tài chính dài hạn.

“Ngoài ra, thị trường cũng có nhiều sự thay đổi, trong đó thay đổi quan trọng nhất là doanh nghiệp bảo hiểm đã thực sự thay đổi các quy trình dịch vụ còn chưa chuẩn. Sau giai đoạn thách thức, tôi kỳ vọng người dân nhìn thấy được những điểm tích cực khi doanh nghiệp bảo hiểm”, ông Dũng nói.

Gia Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-bao-hiem-can-giam-luong-tang-chat-post349824.html