Thị trường bất động sản năm 2025: thêm cơ hội mới

Hàng loạt dự án luật sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch...), chính thức có hiệu lực, được kỳ vọng sẽ tạo ra 'xung lực' mới cho quá trình phục hồi, tăng trưởng của thị trường BĐS trong năm 2025.

Tiếp đà tăng trưởng kinh tế, đầu tư công và đô thị hóa

Theo Tổng cục Thống kê, đến nay cơ bản kinh tế nước ta đã phục hồi và đạt được mức tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19, nhất là các chỉ số về sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu.

Quy mô nền kinh tế đứng thứ 35 thế giới và thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu, với xuất siêu 9 năm liên tiếp; bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì tín nhiệm quốc gia của Việt Nam với triển vọng “ổn định”.

Ngày 20/12/2024, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 lên 7% GDP từ mức 6,5%, cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).

Năm 2025, HSBC dự báo GDP Việt Nam tăng 6,5% và tiếp tục duy trì mức cao nhất khu vực. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng vào năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ từ 6,5 - 7% và phấn đấu 7 - 7,5%. Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu 8%.

Đà tăng trưởng kinh tế tích cực và mở rộng thu hút FDI đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nhà ở, văn phòng và các dự án BĐS thương mại, giúp giá trị BĐS cũng sẽ gia tăng, tạo ra lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Hơn nữa, Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đặc biệt là ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và các khu vực ven đô. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về nhà ở và các loại hình BĐS khác như nhà phố, BĐS nghỉ dưỡng, khu đô thị thông minh...

Nhà đầu tư tham khảo thông tin dự án bất động sản tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nhà đầu tư tham khảo thông tin dự án bất động sản tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 ước gần 800.000 tỷ đồng, cao hơn so với con số hơn 670.000 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024. Trong đó, vốn ngân sách T.Ư là 315.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 475.727 tỷ đồng.

Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là những chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia; quyết tâm hoàn thành ít nhất 3.000km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025...

Bất động sản công nghiệp tăng trưởng ổn định

BĐS công nghiệp và hậu cần năm 2025 tiếp tục là điểm sáng của thị trường, tâm điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, gắn với nhu cầu thuê cao, nguồn cung tăng trưởng ổn định từ nhiều dự án khu công nghiệp được phê duyệt, triển khai trên cả nước và giá thuê tăng trung bình 2 - 5% mỗi quý năm 2024 tại các thị trường trọng điểm, đi kèm tỷ lệ lấp đầy cao.

Lực đẩy chính của xu hướng này đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành sản xuất, đặc biệt là xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Tính đến hết tháng 11/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 31,38 tỷ USD, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, song cần lưu ý là năm 2023 FDI vào Việt Nam tăng tới trên 36% so với năm 2022.

Niềm tin thị trường của DN được củng cố qua tổng vốn FDI thực hiện 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kỷ lục mới trong giai đoạn 2019 - 2024, là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD.

Việt Nam đang từng bước trở thành một trung tâm sản xuất, nằm trong chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel, Apple, GE, Foxconn…

Theo khảo sát của JETRO (Nhật Bản), trong hai năm 2024 - 2025 hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh, coi đây là điểm hấp dẫn nhất trong ASEAN. Hơn nữa, không chỉ có riêng sản xuất điện tử mà ngay cả lĩnh vực công nghệ cao cũng thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.

Minh chứng là Google dự định mở văn phòng ở Việt Nam vào tháng 4/2025 và Nvidia mở trung tâm R&D để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Vì vậy, BĐS khu công nghiệp sẽ là điểm sáng, mở ra cơ hội đầu tư lớn và tiềm năng sinh lời cao, nhu cầu nhà ở cho công nhân, các khu vực dịch vụ hỗ trợ và thương mại...

Sức bật mới của nhà ở xã hội và đấu thầu đất

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH. Ngày 30/8/2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 927QĐ-TTg Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Ngày 10/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 130/CĐ-TTg đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án NƠXH...

Đến nay, 51 địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn, 12 địa phương khác đang thẩm định để sớm ban hành… Cả nước đã triển khai 644 dự án NƠXH với quy mô 580.109 căn, trong đó 96 dự án đã hoàn thành, cung cấp 57.652 căn; 133 dự án đang được khởi công, quy mô 110.217 căn và 415 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô 412.240 căn.

Bộ Xây dựng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong phát triển NƠXH như: thủ tục đầu tư phức tạp, thiếu quy định về hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và sự chậm trễ trong bố trí đất công phục vụ các dự án an sinh xã hội... nhằm đẩy mạnh các dự án NƠXH trên toàn quốc.

Đối với hoạt động đấu giá đất, UBND TP Hà Nội dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là thu 25.105 tỷ đồng từ đấu giá đất, tức cao gấp đôi các năm trước (trung bình gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm). Những ngày đầu năm 2025, Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá thêm 52 thửa đất đất ở nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài tại huyện Quốc Oai. Nhiều địa phương khác cũng quan tâm triển khai những kế hoạch đấu giá đất trong năm 2025.

Để chấn chỉnh những hạn chế về hoạt động đấu giá đất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tiếp có Công điện số 82/2024/CĐ-TTg và Công điện 134/2024/CĐ-TTg chỉ đạo các địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch, lựa chọn hình thức, phương thức đấu giá phù hợp để hạn chế hành vi thông đồng, dìm giá hoặc thổi giá, thao túng giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường...

Các dự án nhà ở thương mại tiếp tục ra hàng với giá tốt

Thị trường BĐS tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong 3 quý đầu năm 2024 ghi nhận 23.900 căn hộ sơ cấp được giao dịch, tăng 28% so với tổng số giao dịch của cả năm 2023. Những nỗ lực trong việc tháo gỡ vướng mắc cho thị trường trong thời gian vừa qua là không thể phủ nhận, nhiều địa phương đã có những bước tiến đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý.

Đơn cử, TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất gỡ vướng pháp lý cho 8 dự án BĐS như The Metropole Thủ Thiêm, Celadon City, Metro Star, Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm... Đây đều là những dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng với quy mô lớn, nguồn cung đa dạng. Từ đó, tạo niềm tin cho sự phục hồi mạnh mẽ cho nhà đầu tư trong những tháng cuối năm 2024 và lấy đà cho năm 2025.

Tại Hà Nội, dự kiến phân khúc chung cư sẽ được bổ sung 23.000 - 30.000 căn năm 2025 và 24.000 căn năm 2026, gần gấp ba lần so với năm 2023, chủ yếu đến từ hai đại đô thị ở phía Tây và phía Đông. Trước nhu cầu mỗi năm Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người cần nhà ở, phân khúc sản phẩm BĐS chung cư đang tiếp tục là loại hình dẫn dắt thị trường Hà Nội từ đầu năm 2025.

Bước sang năm 2025, giá chung cư sẽ điều chỉnh về mức phù hợp hơn, chắc chắn không còn tăng nhanh như giai đoạn vừa qua. Giá BĐS có thể tăng từ 5 - 10% mỗi năm, tùy thuộc vào từng phân khúc và khu vực. Thị trường sẽ khởi sắc rõ rệt từ quý II/2025 và đầu năm 2026 là khởi đầu mới giai đoạn ổn định của ngành BĐS và ghi nhận sự trở lại, hoặc xuất hiện của nhiều loại hình đa dạng.

Năm 2025, nhà đầu tư thông minh sẽ tìm kiếm cơ hội ở các dự án BĐS áp dụng công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và gia tăng giá trị, với hệ thống quản lý thông minh sẽ thu hút sự quan tâm của người mua nhà, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, nhiều DN BĐS trong năm 2025 vẫn chịu nhiều sức ép từ tình trạng sử dụng đòn bẩy tài chính cao và khả năng trả nợ hạn chế, khi mà 60% DN khó đạt được mục tiêu tài chính năm 2024.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-truong-bat-dong-san-nam-2025-them-co-hoi-moi.html