Thị trường chao đảo, riêng nhóm cổ phiếu dược vẫn lội ngược dòng

Bất chấp cả thị trường chao đảo, nhóm cổ phiếu ngành dược vẫn lội ngược dòng tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán trong năm 2022 và đầu năm 2023 đã chứng kiến nhiều biến động tiêu cực, kết thúc năm 2022, VN-Index giảm xuống chỉ còn hơn 1.000 điểm, trái ngược hoàn toàn với đà tăng trưởng ghi nhận 1 năm trước đó.

Những tác động tiêu cực từ thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã khiến cho các mã cổ phiếu bất động sản, xây dựng liên tục mất giá, kéo xu hướng chung của thị trường đi xuống theo. Tuy nhiên, vẫn có một nhóm cổ phiếu giữ vững được phong độ và được giới đầu tư coi như một nơi trú ẩn an toàn trong điều kiện thị trường rung lắc mạnh, đó là nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm.

 Thị trường chứng khoán rung lắc, nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm vẫn lội ngược dòng. (Ảnh TL)

Thị trường chứng khoán rung lắc, nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm vẫn lội ngược dòng. (Ảnh TL)

Tính đến giữa tháng 2, nhóm cổ phiếu của ngành dược vẫn có những tăng trưởng tích cực, đơn cử như mã DMC của Domesco, tăng trưởng 9% chỉ trong 2 tháng đầu năm. Hay như DBD của Dược Bình Định tăng 6% so với thời điểm đầu năm 2023. Dược Hậu Giang (DHG) cũng tăng 14% so với thời điểm đầu năm, giao dịch quanh ngưỡng 96.500 đồng/cổ phiếu.

Việc nhóm cổ phiếu ngành dược có thể duy trì được đà tăng trưởng bất chấp thị trường rung lắc phải kể đến sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại. Thậm chí tại một số doanh nghiệp dược, nhà đầu tư nước ngoài còn đang nắm lượng cổ phần chi phối rất lớn, điển hình như Dược Hậu Giang, Traphaco, Domesco, Imexpharm... Nhóm nhà đầu tư nước ngoài thường ít chịu sự ảnh hưởng bởi tâm lý như các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này cũng khiến cho nhóm cổ phiếu này cũng ít bị chi phối bởi tâm lý chung của thị trường.

Một yếu tố nữa khiến cho nhóm cổ phiếu ngành dược có thể lội ngược dòng đó là kết quả kinh doanh trong năm 2022 của ngành này ít bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là trong năm 2022, nhu cầu về các sản phẩm kháng sinh, phòng bệnh phục vụ cho thị trường sau dịch Covid-19 vẫn tiềm năng đã giúp kết quả kinh doanh của các đơn vị này có nhiều con số tăng trưởng tích cực.

Đơn cử như Dược Hậu Giang (DHG) ghi nhận doanh thu quý 4 đạt 1.330 tỷ đồng, tăng tới 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 236 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế doanh thu năm 2022 của Dược Hậu Giang đạt 4.674 tỷ đồng, tăng trưởng 17%. Lợi nhuận sau thuế đạt 988 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021.

Một doanh nghiệp dược phẩm khác có thể kể đến như Dược phẩm Trung ương 1 (PBC), doanh thu quý 4 ghi nhận ở mức 306,9 tỷ đồng, tăng 11,8%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 22,3 tỷ đồng, tăng hơn so với khoản lỗ 4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế doanh thu năm 2022 đạt 1.057,1 tỷ đồng, tăng 12,4%, lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt 62,2 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với thực hiện năm 2021.

Tuy rằng có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực cùng kết quả kinh doanh năm 2022 tươi sáng nhưng triển vọng năm 2023 đối với các doanh nghiệp trong ngành dược phẩm vẫn còn một số rủi ro.

Theo SSI Research thì trong nửa đầu năm 2023, nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược sẽ là một vấn đề cần quan tâm khi mà 65% hoạt chất được sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại và gỡ bỏ chính sách Zero-Covid nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn có thể xảy ra. Thêm vào đó, căng thẳng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng khiến các hoạt chất nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Âu bị thiếu hụt, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các ngành này.

Do đó, SSI dự báo rằng ngành dược phẩm trong năm 2023 sẽ có tăng trưởng hạn chế, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp nhưng sẽ khá dần lên trong các quý sau. Doanh thu của ngành được kỳ vọng tăng trưởng 8% lên mức 169.000 tỷ đồng trong năm 2023.

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-truong-chao-dao-rieng-nhom-co-phieu-duoc-van-loi-nguoc-dong-post236830.html