Thị trường chứng khoán 2019: Sẽ tăng trưởng 'chậm mà chắc'
TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019 sẽ tăng trưởng chậm mà chắc.
Phóng viên: Mặc dù VN-Index giảm điểm so với thời điểm đầu năm bởi các ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường tài chính toàn cầu, nhưng có thể thấy mức giảm điểm không quá tiêu cực, giới đầu tư cũng đánh giá cao về xung lực kìm hãm đà giảm khá tốt của thị trường, ông có thể cho biết điều này đến từ các động lực nào?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Lý do thứ nhất đến từ kinh tế vĩ mô của chúng ta ổn định khi tốc độ tăng
TS. Lê Xuân Nghĩa
trưởng GDP năm 2018 đạt cao nhất 10 năm (ước tăng 6,9 – 7%), cán cân thương mại (hết ngày 15/12) thặng dư 6,89 tỷ USD, hệ thống ngân hàng trong các năm gần đây đã được tái cấu trúc và trở nên ổn định hơn qua đó thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Có thể thấy, Việt Nam khá ổn định so với các nước trong khu vực.
Lý do thứ hai đến từ lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, sự lựa chọn này dựa trên xu thế mới như sự phát triển ổn định của du lịch, dịch vụ bán lẻ, bất động sản nghỉ dưỡng và các ngành giàu triển vọng của Việt Nam so với các nước khác. 2-3 năm trở lại đây, Việt Nam không có hiện tượng bị rút vốn, tất nhiên cũng có giai đoạn nhà đầu tư bán ròng nhưng tài sản của họ vẫn được giữ lại ở Việt Nam để sẵn sàng gia nhập trở lại thị trường.
Lý do thứ ba đến từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trong giai đoạn này có thể thấy nhóm cổ phiếu công nghệ của Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, do đó dẫn đến sự suy sụp của TTCK Hoa Kỳ Dow-Jones, tuy vậy TTCK Việt Nam lại vắng bóng các cổ phiếu công nghệ hoặc liên quan đến công nghệ thông tin, số hóa, do đó sự sụt giảm của TTCK nước ta không quá sâu.
Theo ông, các sự kiện kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước nào sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung trong năm 2019?
Các công bố về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương cho thấy động thái thực hiện chính sách ổn định thị trường tiền tệ dài hạn, có thể thấy điển hình như kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng giảm tăng trưởng tín dụng tối đa xuống 17% từ mức 18,2% (năm 2017), tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm về mức 40% kể từ ngày 1/1/2019, thay vì mức 45% như hiện nay…
Những điều này có thể gây khó khăn cho thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn lại là điều tốt. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở cho thấy TTCK trong năm tới sẽ tương đối ổn định, mức tăng trưởng có thể chậm nhưng chắc chắn.
Ở ngoài nước, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tìm điểm cân bằng lợi ích trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, qua đó đảm bảo lợi ích hai bên. Do vậy, tôi đánh giá khó có khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại sâu rộng và khốc liệt.
Khi Donald Trump làm Tổng thống, thị trường chứng khoán có giảm trong ngắn hạn, nhưng với việc kinh tế Hoa Kỳ phục hồi nên TTCK nước này đã tăng mạnh, đặc biệt là nhóm công nghệ. Ngoài ra, chính sách bảo hộ thương mại của Trump sẽ không thể là tất cả và nó buộc phải tìm điểm cân bằng với chính sách bảo hộ, như vậy thị trường toàn cầu có thể được hưởng lợi tốt hơn.
Cũng phải kể đến việc FED ổn định lãi suất và dự kiến 2019 sẽ chỉ tăng hai lần (thay vì 3 lần trong năm 2018). Do đó, đồng USD có thể tăng giá, nhưng ở mức độ ổn định và không tăng mạnh, nhờ đó giúp thị trường tài chính toàn cầu ổn định hơn.
Tuy vậy, trong những triển vọng bao giờ cũng có rủi ro. Trước hết, đó là xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ khi các ưu thế giảm thuế, tăng việc làm của Trump dần đã phát huy hết tiềm năng. Do vậy, điều này có thể khiến thị trường toàn cầu nói chung khó sôi động như các năm trước.