Thị trường chứng khoán 2021: Kỳ vọng từ ba sắc luật lớn
Với việc Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi đồng thời có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương kỳ vọng, sẽ tạo dựng nền tảng pháp lý hoàn thiện, đồng bộ để doanh nghiệp hoạt động, giúp thị trường vốn phát triển.
Ông đánh giá thế nào về những tác động tới nền kinh tế khi ba sắc luật sửa đổi quan trọng đi vào thực thi trong năm 2021?
Với những sửa đổi mang tính tổng thể nhưng cũng rất cụ thể trên nhiều góc cạnh của ba luật chuyên ngành được đánh giá là có ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh doanh, đầu tư và sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng như hoạt động của các khu vực doanh nghiệp khi có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ góp phần hoàn thiện nền tảng pháp lý cho môi trường kinh doanh, đầu tư và thị trường chứng khoán phát triển mạnh.
Đặc biệt, với thông điệp xuyên suốt trong quá trình sửa đổi là hướng tới mục tiêu thúc đẩy nâng cao chất lượng quản trị của các doanh nghiệp, nhất là khối công ty đại chúng theo hướng chuyên nghiệp hơn, tiệm cận với thông lệ tốt và chuẩn mực quốc tế, kỳ vọng ba sắc luật sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư, từ đó thu hút mạnh hơn các dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Những tác động giúp thúc đẩy cải thiện quản trị doanh nghiệp dự kiến sẽ thể hiện như thế nào khi các luật chính thức có hiệu lực?
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương.
Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán hầu như đều đi theo nguyên tắc tốt nhất về quản trị công ty trên cơ sở nâng cấp khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp theo bộ nguyên tắc tốt về quản trị doanh nghiệp đã được OECD ban hành từ năm 2015.
Đây là bộ nguyên tắc đã được hàng chục quốc gia coi là chuẩn mực để tiến hành sửa đổi Luật Công ty và Luật Chứng khoán.
Vì vậy, với việc hai luật này đi vào thực thi từ đầu năm 2021, chắc chắn sẽ tạo nền tảng pháp lý hoàn thiện để thúc đẩy các doanh nghiệp có mục tiêu và định hướng để thực sự cải thiện chất lượng quản trị trong chính công ty của mình.
Nhiều người kỳ vọng Luật Doanh nghiệp sửa đổi khi đi vào thực thi sẽ khắc phục được những khiếm khuyết pháp lý trước đây, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường cũng như để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư. Ông nhìn nhận ra sao về tác động này?
Luật Doanh nghiệp luôn có thông điệp của nó. Thông điệp của luật sửa đổi lần này là “an toàn” rồi tới “rẻ hơn”. Luật Doanh nghiệp 2014 ngược lại đặt tiêu chí “rẻ” lên đầu rồi mới đến “an toàn”.
Vì thời đó, chi phí gia nhập thị trường quá tốn kém và khó khăn, nên trước hết phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, chi phí phải rẻ đi. Đến nay, dù thủ tục gia nhập thị trường vẫn cần cải cách, nhưng tiêu chí rẻ sẽ không còn mấy ý nghĩa, vì thủ tục từ 5 ngày rút xuống 3 ngày thì giá trị không nhiều.
Giai đoạn này, quan trọng nhất là làm sao để người dân tin tưởng bỏ tiền ra đầu tư. Muốn vậy, đầu tư phải an toàn, nhà đầu tư phải được bảo vệ. Quyền tự do kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp phải thực sự an toàn, để doanh nghiệp bớt đi những rủi ro về pháp lý. Chỉ khi nhà đầu tư được bảo vệ tốt thì họ mới bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp.
Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn, tốt hơn mục tiêu của Luật Doanh nghiệp 2014 là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn. Các doanh nghiệp cần phải thực hiện những tiêu chuẩn quản trị theo đúng thông lệ quốc tế, qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.
Các tác động của Luật vào thực tiễn sẽ là lớn hơn rất nhiều, nếu doanh nghiệp tích cực, chủ động thực hiện Luật tốt hơn, vượt trên sự tuân thủ. Luật Doanh nghiệp chỉ tạo nền móng tối thiểu về những điều doanh nghiệp nên làm, phải làm, không được làm. Nói cách khác, Luật sẽ tạo nhận thức mới cho chính nhà quản trị doanh nghiệp, để họ ý thức được lợi ích khi trao thêm quyền cho cổ đông.
Với Luật Đầu tư, ông đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh nói chung, việc thu hút các dòng vốn đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng ra sao?
Những tác động tổng thể kỳ vọng có được từ Luật Đầu tư sửa đổi là giúp cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hỗ trợ phát triển và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh, đồng thời bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một điểm là Luật Đầu tư sửa đổi mang lại thông điệp thúc đẩy nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước cùng thu hút đầu tư.
Điều này thể hiện ở gói ưu đãi đầu tư, thông qua việc Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định tăng thêm mức ưu đãi trong trường hợp một số nhà đầu tư đặc biệt mà ta thực sự cần.
Theo gói ưu đãi này, so với mặt bằng chung thì Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định tăng thêm 50% mức ưu đãi, về thời gian thì được kéo dài thêm song không quá 1,5 lần, thể hiện rõ nhất chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Yếu tố này có lợi không chỉ riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Thông điệp ở đây là trong trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam cùng thu hút được nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, liên kết, mua cổ phần, góp vốn thì doanh nghiệp trong nước cũng có cơ hội được hưởng ưu đãi ngang bằng trong dự án.
Đây là câu chuyện win - win, là quyền lợi rất công bằng dành cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm.
Để 3 sắc luật quan trọng này đi vào thực tiễn và đạt được những tác động như kỳ vọng, cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp đang chờ đón các nghị định hướng dẫn. Theo ông, tinh thần các nghị định này cần như thế nào để đáp ứng nguyện vọng cũng như gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư?
Về cơ bản, tinh thần các nghị định nỗ lực cụ thể hóa các điểm mới của các luật sao cho luật có thể đi vào cuộc sống và phát huy tối đa các điểm sửa đổi mang tính ưu việt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn.
Các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành hữu quan khẩn trương soạn thảo, hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành kịp thời điểm luật có hiệu lực từ đầu năm 2021.
Với Luật Chứng khoán, nghị định quy định về quản trị công ty áp dụng đối với các công ty đại chúng để hướng dẫn thực hiện Điều 41, Luật Chứng khoán sửa đổi cũng đang được gấp rút hoàn thiện.
Một điểm đáng chú ý là hiện nay, Việt Nam đang tích cực thực hiện các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả hơn.
Do đó, việc tạo ra hệ thống quản trị minh bạch tại các doanh nghiệp là điều cần được thúc đẩy. Việc ban hành quy định về quản trị công ty cấp nghị định sẽ giúp hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty đối với công ty đại chúng, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và tăng tính minh bạch đối với các doanh nghiệp này, qua đó, góp phần nâng mức độ tín nhiệm của thị trường chứng khoán quốc gia trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.