Thị trường chứng khoán chưa gãy trend tăng trong dài hạn?

VN-Index xuyên thủng hàng loạt ngưỡng hỗ trợ trong bối cảnh vĩ mô chưa thực sự khởi sắc cho thấy diễn biến tiếp theo của thị trường chứng khoán vẫn là một ẩn số. Nhiều ý kiến nhận định, áp lực trên thị trường trong ngắn hạn là lớn, song xu hướng trung và dài hạn vẫn là tích cực.

Dù đã ghi nhận sự hồi phục trong phiên 4/10, nhưng sau những nhịp điều chỉnh mạnh trước đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm khi để mất xấp xỉ 10% so với đỉnh ngắn hạn. Hiện, chỉ số VN-Index đang giao dịch quanh vùng đáy 3 tháng.

Áp lực lớn trong ngắn hạn

Có thể thấy, VN-Index đã giảm tương đối mạnh kể từ đỉnh, trong đó nhiều cổ phiếu beta cao đã ghi nhận mức giảm từ 30-40%. Giới phân tích chỉ ra nguyên nhân khiến thị trường trồi sụt đến từ bối cảnh ngoại lai khi các điều kiện kinh tế toàn cầu ủng hộ sự mạnh lên của chỉ số đô la Mỹ (DXY) và xu hướng thắt chặt tiền tệ mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong giai đoạn sắp tới. Hiện tại, các chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đều tiệm cận vùng đỉnh ở các cuộc khủng hoảng tài chính nên các biến động được đẩy lên cao.

Diễn biến tiếp theo của VN-Index vẫn là một ẩn số. (Hình minh họa)

Diễn biến tiếp theo của VN-Index vẫn là một ẩn số. (Hình minh họa)

Điều này hình thành nên 2 yếu tố mà nhà đầu tư quan ngại nhất là giảm lượng cung tiền và động thái hút vốn của khối ngoại. Về cung tiền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục hút tiền về để tránh đầu cơ tỷ giá. NHNN dự kiến sẽ phải tiếp tục phòng ngừa áp lực tăng từ tỷ giá trong ngắn hạn, cho đến khi có diễn biến khiến xu hướng “đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ” hạ nhiệt. Đồng thời, việc khối ngoại cũng liên tục rút ròng mạnh tay trong thời gian gần đây cũng tác động đến tâm lý thị trường.

“Thông điệp chính sách tiền tệ của một số quan chức Fed vẫn khá "diều hâu" khiến chỉ số DXY tiếp tục chuỗi tăng giá mạnh 11 tuần liên tiếp và đã chạm mức cao nhất 10 tháng. Điều này gây áp lực lên tỷ giá VND/USD và tác động tiêu cực lên TTCK Việt Nam”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank nhận xét.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo ngại về hiện tượng giá cả hàng hóa leo thang, trong đó có giá xăng dầu, từ đó có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Mặt khác, số liệu kinh tế Việt Nam trong quý III thấp hơn kỳ vọng, với GDP chỉ tăng 5.33% so với cùng kỳ và từ đó có thể thấy tăng trưởng GDP cả năm sẽ khó đạt các mức dự phóng trước đây.

Trong khi đó, VN-Index đã đi lên ròng rã 6 tháng nhờ kỳ vọng. Vì thế, khi có những thông tin kém tích cực cùng điểm xoay chiều, đà bán sẽ bị kích hoạt trên diện rộng, khiến thị trường bị điều chỉnh bởi áp lực chốt lời lớn. Bên cạnh đó, hệ quả từ việc "call margin" tại một số nhóm cổ phiếu nóng cũng là nguyên nhân dẫn đến “hiệu ứng domino” giảm liên tiếp của TTCK.

“Áp lực trên TTCK trong ngắn hạn là lớn. Đây cũng là thời điểm thiếu vắng thông tin hỗ trợ, trong khi thế giới còn nhiều thông tin bất lợi”, Chứng khoán KBSV nhận định.

Nhiều yếu tố củng cố xu hướng trung và dài hạn

Tuy nhiên, dưới góc nhìn tích cực, nhiều ý kiến cho rằng xu hướng trung và dài hạn của thị trường vẫn là tích cực.

Về dài hạn, các chuyên gia của VinaCapital đánh giá thị trường vẫn trong chu kỳ đi lên. Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital phân tích, chu kỳ kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển tốt, dòng vốn ngoại liên tục đổ vào Việt Nam. Đơn cử, Hội nghị nhà đầu tư năm 2023 của VinaCapital chứng kiến sự tham dự của hơn 150 nhà đầu tư quốc tế - đông nhất từ trước tới nay.

Tương tự, theo quan điểm của ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT, thị trường chưa gãy trend tăng trung và dài hạn. Bởi đà tăng của chỉ số được hình thành trên nền lãi suất rẻ và cung tiền nhiều.

“Đà giảm của thị trường trong ngắn hạn có phần phản ứng thái quá về mặt tâm lý, song điều này không quá đáng ngại. Thị trường vẫn còn yếu tố tích cực dẫn dắt đà tăng trong thời gian tới”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhà sáng lập FIDT chỉ rõ, đầu tiên là chính sách đẩy mạnh đầu tư công trong những tháng cuối năm. Với mục tiêu hỗ trợ kinh tế tối đa được cam kết xuyên suốt trong chỉ đạo của Chính phủ, có thể thấy dư địa tài khóa là rất lớn với ý chí quyết tâm cao của thượng tầng. Trọng điểm về giải ngân đầu tư công sẽ được tập trung trong các tháng cuối năm.

Bên cạnh đó là kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng - lãi suất rẻ thẩm thấu tối đa. “Trong quý IV, kỳ vọng một lượng lớn tiền gửi với mức lãi suất cao (từ giai đoạn căng thẳng thanh khoản trong năm 2022) từ cả 2 khu vực tiền gửi ngân hàng – trái phiếu doanh nghiệp sẽ được hoàn trả về hệ thống thanh khoản với mức lãi suất thấp hơn, góp phần thúc đẩy xu hướng lãi suất tiền gửi - cho vay giảm bền vững trong ngắn hạn - trung hạn”, ông Tuấn nói.

Cuối cùng, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy một vài chỉ số vĩ mô đang có manh nha dấu hiệu phục hồi, sang đến quý IV/2023 sẽ có sự hồi phục rõ ràng hơn.

Chưa kể định giá thị trường cũng hạ nhiệt đáng kể khi cả P/E và P/B đều thấp hơn mức trung bình nhiều năm.

“Đây sẽ là những yếu tố giữ dòng tiền của nhà đầu tư ở lại thị trường. Thêm vào đó, trong thời điểm hiện tại, dòng tiền rút ra khỏi chứng khoán cũng không biết để vào đâu khi kênh bất động sản, tiền gửi vẫn ảm đạm”, chuyên gia FIDT nhận định.

Do đó, thời điểm này, nhà đầu tư có thể chọn lọc cơ hội, bởi thị trường đã xuất hiện những cổ phiếu có định giá hợp lý, P/B nhiều mã cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đã về 1 lần, thậm chí dưới 1 lần.

Dù vậy, cần lưu ý thời "nhắm mắt mua hàng cũng lãi" đã qua đi, nhà đầu tư cần chắt lọc đầu tư hơn vì thị trường thời gian tới sẽ vận động theo xu hướng phân hóa thay vì tăng mạnh mẽ như những tháng đầu năm.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/thi-truong-chung-khoan-chua-gay-trend-tang-trong-dai-han-1095773.html