Thị trường chứng khoán đón nhận thông tin tích cực, tiêu cực đan xen

Thị trường chứng khoán trong giai đoạn này được cho là đang chịu ảnh hưởng của cả thông tin tích cực lẫn tiêu cực đan xen.

Theo đó, tin tích cực là mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động duy trì xu thế giảm. Đồng thời,thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có những cải thiện bước đầu khi giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng trở lại.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết dự báo không thực sự khả quan trong quý I năm nay. Cùng đó, trên thế giới, mặt bằng lãi suất vẫn “neo” ở mức cao thêm một thời gian nữa để kiềm chế lạm phát, do đó, vẫn còn đó rủi ro tác động tiêu cực tới hệ thống tài chính và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

*Cổ phiếu bất động sản bứt phá

Chỉ số VN-Index khởi đầu tuần qua (từ 20 – 24/3) với một phiên giảm mạnh 2,1% lùi về mức 1.023,1 điểm do khủng hoảng ngân hàng lan rộng sang châu Âu mà đại diện là ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ).

Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp của giới chức Thụy Sỹ, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã mua lại thành công Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD, tạm thời ngăn chặn đà khủng hoảng lan rộng và trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Đồng thời, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản và đưa ra thông điệp có phần “ôn hòa” hơn về chính sách tiền tệ cũng giúp thị trường tài chính giải tỏa bớt áp lực.

Chỉ số VN-Index phục hồi trong 4 phiên cuối tuần và kết tuần tăng nhẹ lên mức 1.046,8 điểm tăng 0,2% sv cuối tuần trước. Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,6% lên mức 205,7 điểm, còn UPCOM-Index giảm nhẹ 0,4% xuống 76,2 điểm.

Thanh khoản thị trường tuần qua giảm với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm 15,3% về mức 9.919 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tuần này giảm mua ròng trên sàn HOSE với giá trị đạt 386 tỷ đồng.

Tương tự, giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn HNX cũng giảm 75,6% về mức 41 tỷ đồng, trong khi khối ngoại bán ròng 27 tỷ đồng trên sàn UPCOM tăng 66,8% so với tuần trước.

Trên bối cảnh ngành ngân hàng đang bị ảnh hưởng trên toàn thế giới, tại Việt Nam, tâm lý trái ngược đã giúp VPB tăng 7,4% và MBB tăng 1,7%, trong khi cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác lại giảm. Theo đó, BID và CTG đều giảm 1,7%, HDB giảm 2,4%, TPB giảm 3,5%.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận phân tích và Chính sách vĩ mô Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), ngành bất động sản chứng kiến một tuần giao dịch tích cực nhờ thông tin CapitaLand Group (CapitaLand) - một trong những tập đoàn bất động sản đa dạng lớn nhất châu Á với trụ sở chính tại Singapore đàm phán mua lại dự án của Vinhomes, hay một số thông tin khả quan trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp liên quan tới nhóm bất động sản.

Đà tăng cổ phiếu bất động sản được dẫn dắt bởi VHM tăng 13%, theo sau là NVL tăng 3,5%, NLG tăng 4,4% và DXG tăng 1,3%.

Chứng khoán Việt Nam đang đón nhận cả thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Ảnh minh họa: TTXVN

Chứng khoán Việt Nam đang đón nhận cả thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuần qua, thị trường chứng khoán đón nhận nhiều thông tin quan trọng. Đầu tiên là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức nâng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản. Thông tin này đã được thị trường dự báo từ trước, do đó không gây quá nhiều biến động. Fed cũng để ngỏ khả năng sẽ có thêm 1 lần tăng lãi suất nữa trước khi ngừng lại. Có thể thấy rằng, đà tăng lãi suất của Fed có thể sắp dừng lại.

Tuy vậy, mặt bằng lãi suất vẫn “neo” ở mức cao thêm một thời gian nữa để kiềm chế lạm phát, do đó vẫn còn đó rủi ro tác động tiêu cực tới hệ thống tài chính và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ông Hinh nhận định.

Trong nước, thị trường tiếp tục đón nhận một số thông tin hỗ trợ. Cụ thể, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động duy trì xu thế giảm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có những cải thiện bước đầu như giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng trở lại sau 2 tuần Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08), hay một số doanh nghiệp thỏa thuận thành công việc gia hạn trái phiếu.

Những thông tin này có thể hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư trong thời gian tới và khơi thông dòng vốn của nhà đầu tư trong nước quay trở lại thị trường chứng khoán.

Trong tuần giao dịch tới, thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng, như tăng trưởng GDP quý I, chỉ số CPI quý I… Đồng thời, một số doanh nghiệp có thể công bố số ước tính kết quả kinh doanh quý I.

Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ không thực sự khả quan trong quý I năm nay. Trong bối cảnh những thông tin tốt - xấu đan xen, VNDIRECT cho rằng, thị trường có thể duy trì xu hướng tích lũy trong ngắn hạn.

Chỉ số VN-Index tiếp tục dao động trong biên độ hẹp từ mức 1.030 - 1.070 điểm trong tuần tới. Trong bối cảnh thị trường chưa hình thành xu hướng tăng rõ nét, việc mua vào và nắm giữ cổ phiếu chỉ nên thực hiện với tầm nhìn dài hạn (6 tháng - 1 năm).

Trong khi đó, việc giao dịch ngắn hạn tiềm ẩn rủi ro cao và chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đồng thời, việc quản trị danh mục đầu tư vẫn nên được ưu tiên hàng đầu, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) ở giai đoạn hiện nay để kiểm soát rủi ro, chuyên gia từ VNDIRECT khuyến nghị.

Theo chuyên gia từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), ngày 23/3 sau cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3 của Fed đã quyết định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,75%-5%. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 4,25%, bất chấp những bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, tương đồng với kỳ vọng thị trường.

Một điểm đáng chú ý giai đoạn này là việc kỳ vọng của các thành viên thị trường đối với các chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương có sự khác biệt lớn, do đó hiệu quả của biện pháp định hướng chính sách suy giảm đáng kể.

Theo đó, mức độ biến động thị trường tài chính (vốn ưa thích sự chắc chắn và có thể dự báo) ở mức cao và tiếp tục nhạy cảm với các thông tin kinh tế vĩ mô.

Trong dài hạn, có thể thấy mặc dù Fed đã tiến gần tới mức lãi suất mục tiêu cuối cùng nhưng lãi suất vẫn đang trong xu hướng tăng. Điểm sáng giai đoạn này là cam kết của hàng loạt ngân hàng trung ương lớn lớn như Fed, ECB, BoE… trong việc đảm bảo thanh khoản thị trường, VCBS nhận định.

*Chứng khoán thế giới với nhiều nỗi lo

Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn khép lại tuần qua với mức tăng, sau khi trải qua các phiên giao dịch đầy biến động. Nỗi lo sợ rằng khủng hoảng ngành ngân hàng có thể lây lan sang Deutsche Bank - ngân hàng Đức niêm yết cổ phiếu ở Mỹ - không ngăn cản đà phục hồi của Phố Wall, vốn đã được khởi động từ đầu tuần.

Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,41%, chỉ số S&P 500 tăng 0,56%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,3%. Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận đà tăng điểm trong tuần qua, với Dow Jones tăng 0,4%, trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 1,4% và 1,6%.

Một nhân tố khác thúc đẩy thị trường chính là sự hồi sinh của nhóm cổ phiếu ngân hàng khu vực. Lĩnh vực này đã phục hồi trong ngày 24/3 với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF tăng mạnh 3,01%.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng Đức niêm yết tại Mỹ, Deutsche Bank, vào sáng ngày thứ Sáu đã đè nặng lên tâm lý thị trường và các chỉ số chính trước khi ngân hàng này phục hồi phần nào những gì đã mất trước đó.

Khép phiên, Deutsche Bank giảm 3,11% sau khi lao dốc tới 7% vào đầu phiên và sự đảo chiều này cũng giúp các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ xóa sạch đà tăng đầu phiên.

Nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank sau khi hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của nhà cho vay này tăng vọt mà không có bất kỳ lý do rõ ràng nào. Động thái này đã làm gia tăng mối lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng châu Âu.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư khi cho biết các ngân hàng Eurozone vẫn vững chắc vì sở hữu vốn và thanh khoản mạnh. Bà cũng cho biết ECB có thể cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính nếu cần thiết.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán phần lớn giảm trong chiều 24/3, do những lo ngại kéo dài về lĩnh vực ngân hàng đi ngược lại hy vọng các ngân hàng trung ương có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Phiên này, chứng khoán Nhật Bản kết thúc ở mức thấp hơn với chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,13% xuống 27.385,25 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng kết thúc chuỗi ba ngày tăng điểm vào thứ Sáu, khi nỗi lo về lãi suất và tình hình ngành ngân hàng vẫn chưa dứt. Chỉ số Kospi tại Seoul phiên này mất 0,39% xuống mức 2.414,96 điểm.

Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trong sắc đỏ do những lo ngại kéo dài về lĩnh vực ngân hàng. Chỉ số Hang Seng giảm 0,67% xuống 19.915,68 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,64% xuống 3.265,65 điểm./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-chung-khoan-don-nhan-thong-tin-tich-cuc-tieu-cuc-dan-xen/285439.html