Thị trường chứng khoán: Kênh huy động vốn dài hạn cho các doanh nghiệp
Trước khi có thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp chỉ có một cửa duy nhất là huy động vốn qua ngân hàng. Từ khi thị trường chứng khoán mở ra, rất nhiều doanh nghiệp khác đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư đại chúng, từ đó, mở rộng đầu tư, mở rộng cổ đông, đối tác, mở rộng quy mô thị trường.
Từ Công ty Giấy Hải Phòng (Hapaco) nhỏ bé năm nào, khi cổ phần hóa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu vỏn vẹn chỉ có 1,08 tỷ đồng, đến nay Hapaco đã có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, tăng gần 100 lần so với khi chưa cổ phần hóa. Hapaco cũng như các doanh nghiệp, doanh nhân khác, đều mang trong tâm khát vọng phát triển, tạo ra việc làm cho người lao động, phát triển địa phương và đóng góp vào phát triển kinh tế chung.
Tham luận tại Tọa đàm “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới, tiến sĩ Vũ Dương Hiền - Chủ tịch Tập đoàn Hapaco, cho biết, Hapaco là doanh nghiệp đầu tiên tại khu vực phía Bắc đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết Việt Nam. Hapaco cũng là doanh nghiệp đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn từ công chúng cho đầu tư phát triển. Tính từ ngày giao dịch cổ phiếu đầu tiên là 4/8/2000, tức là lên sàn ngay trong tuần đầu tiên khi thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa hoạt động, Hapaco đã có hơn 20 hoạt động cùng thị trường chứng khoán, thị trường vốn Việt Nam.
Trong bức tranh tổng quan nền kinh tế Việt Nam, nếu như ngành ngân hàng đã ra đời 70 năm thì ngành chứng khoán mới có lịch sử hơn 20 năm hoạt động. Trước khi có thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp chỉ có một cửa duy nhất là huy động vốn qua ngân hàng.
Từ khi thị trường chứng khoán mở ra, Hapaco và rất nhiều doanh nghiệp khác đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư đại chúng, từ đó, mở rộng đầu tư, mở rộng cổ đông, đối tác, mở rộng quy mô thị trường. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận, sau 20 năm đầu tiên, thị trường vốn Việt Nam phát triển một thị trường hoàn toàn mới, đó là thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư hiện nay, nhu cầu tăng vốn, mở rộng thị trường, thay đổi công nghệ, xây dựng mô hình doanh nghiệp thông minh, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp điện tử, doanh nghiệp số… là một trong những nhu cầu cấp thiết ưu tiên hàng đầu, để tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập của doanh nghiệp.
Tùy theo loại hình doanh nghiệp, mô hình quản trị và các đặc điểm cụ thể, mỗi doanh nghiệp có thể có các phương thức huy động vốn khác nhau. Và hiện nay phần lớn các doanh nghiệp huy động vốn qua hai kênh chủ đạo, huy động vốn qua thị trường chứng khoán và vốn vay ngân hàng, mỗi kênh đều có sự khác biệt và những lợi thế nhất định.
Huy động vốn qua thị trường chứng khoán dưới hình thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi… trực tiếp, gián tiếp, có tính chất bền vững hơn, phạm vi rộng hơn, hợp tác được với đông đảo công chúng đầu tư trong nước và nước ngoài, tìm kiếm được đối tác trực tiếp phù hợp với kế hoạch phát triển doanh nghiệp, phù hợp với từng dự án đầu tư.
Doanh nghiệp huy động được nguồn vốn lớn, nâng tầm quy mô vốn hóa, không phải trả lãi suất, triển khai được các dự án và các kế hoạch có nhu cầu sử dụng vốn lớn, công chúng đầu tư có nhiều thuận lợi và dễ dàng trong việc thoái vốn; kênh huy động này có những hạn chế nhất định do các rào cản về thủ tục hành chính còn phức tạp, thời gian hoàn thiện các quy trình về hồ sơ thủ tục xin cấp phép phát hành… mất rất nhiều thời gian (chốt danh sách cổ đông, tổ chức đại hội, phát hành, niêm yết, lưu ký…) chi phí, tác động không nhỏ đến cơ hội kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.
Huy động vốn qua kênh vay ngân hàng, thủ tục đơn giản hơn, tiết kiệm được thời gian; kênh huy động này cũng có những hạn chế nhất định, nguồn vốn vay bị hạn chế do hạn mức, lãi suất cao, biến động… (đặc biệt là lãi suất thả nổi, trong trường hợp kinh tế vĩ mô không ổn định, thị trường biến động phức tạp, tác động lạm phát, tỷ giá và thị trường ngoại hối…) làm tăng chi phí, tác động làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giảm hiệu quả dự án đầu tư (doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư kém hơn (thấp) so với doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán).
Để doanh nghiệp đại chúng hoạt động ổn định, phát triển bền vững, trong bối cảnh hiện nay đại đa số các doanh nghiệp lựa chọn song hành cả 2 kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán và qua kênh vay các ngân hàng để bảo đảm sự chủ động, bổ trợ tác động qua lại để tăng năng lực tài chính, bảo đảm cho các kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng và đầu tư phát triển trong ngắn hạn và dài hạn.
“Chắc chắn bất kỳ doanh nghiệp, doanh nhân nào cũng đều mang trong tâm khát vọng phát triển, tạo ra việc làm cho người lao động, phát triển địa phương nơi mình làm việc và góp sức phát triển đất nước. Chúng tôi cũng vậy”, ông Vũ Dương Hiền khẳng định.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực (Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia) đánh giá, cơ hội phát triển cân bằng thị trường vốn Việt Nam là rất lớn. Tính đến hết tháng 2/2021, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.600 nghìn tỷ đồng (tương đương 89% GDP năm 2020) với 880 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với 909 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên Upcom. Thị trường có khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, nền tảng kinh tế vĩ mô tốt, quy mô thị trường, lượng giao dịch ngày càng lớn... Tuy nhiên, để phát triển bền vững, đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý.