Thị trường chứng khoán năm 2025: Tiền hung hậu cát?

Thị trường chứng khoán năm 2025 được dự báo sẽ phân hóa rõ rệt giữa hai nửa của năm. Càng gần cuối năm, các yếu tố hỗ trợ sẽ càng rõ rệt tạo động lực giúp thị trường tăng trưởng tích cực.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đó là nhận định của Chứng khoán BIDV (BSC) trong báo có vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2025 phát hành mới đây.

Về vĩ mô, báo cáo nêu, với quốc tế, lạm phát và lãi suất giảm, thị trường lao động vững vàng đã giúp các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tránh được kịch bản “hạ cánh cứng” trong năm 2024. Với việc ông Donald Trump quay lại nhà Trắng nhiệm kỳ thứ 2, chính sách Trump 2.0 sẽ định hình lại bức tranh kinh tế thế giới trong 5 năm tới.

Các trọng tâm chính sách mới về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đơn giản hóa quy trình pháp lý, áp đặt thuế nhập khẩu cao, cải cách nhập cư và năng lượng đều hướng tới mục tiêu tăng trưởng, nhưng đi cùng đó là hệ quả Dollar Index gia tăng và nguy cơ lạm phát trở lại. USD tăng giá đi cùng sự giảm giá của đồng nội tệ và dòng vốn rút ra tại các nước đang phát triển. Diễn biến này được BSC dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng vào đầu năm 2025, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực cũng như điều hành chính sách các nước khu vực, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, Việt Nam đang theo đuổi cuộc cách mạng sâu rộng trên 3 phương diện thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng cho mục tiêu tăng trưởng GDP 2 con số trong nhiệm kỳ mới, báo cáo nêu.

Về cải cách thể chế, công tác lập pháp được đẩy mạnh, chỉ trong năm 2024 đã có 31 luật và 42 nghị quyết ban hành, chiếm 50% số lượng từ đầu nhiệm kỳ, trong đó có luật sửa nhiều luật và một số luật quan trọng có hiệu lực sớm như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Về nhân lực, công tác tinh gọn bộ máy và tăng hiệu quả hoạt động đang trở thành tâm điểm và là cuộc cách mạng có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế xã hội của Việt Nam trong nhiều năm tới.

Về hạ tầng, Việt Nam đã đầu tư nâng cấp đường cao tốc lên 2.021 km và hướng tới 3.000 km trong năm 2025, triển khai vành đai 4 vùng Thủ đô, vành đai 3 TP HCM, đường sắt đô thị. Các dự quy mô lớn và có tầm nhìn dài hạn như đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam có giá trị đầu tư 67 tỷ USD dự kiến làm tăng 0,97% cho GDP từ nay đến 2035; dự án điện hạt nhân cũng đã được Quốc hội thông qua.

“Với các định hướng rõ ràng, cải cách sâu rộng và sự quyết liệt trong thực thi, Việt Nam kỳ vọng sẽ vượt quá thách thức trước mắt để biến giai đoạn 2025 – 2030 thành bước ngoặt và nền tảng cho chu kỳ phát triển cao trong trung và dài hạn,” BSC nêu quan điểm.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Cho rằng các chính sách lớn, đặc biệt là công tác nhân sự, cần có thời gian đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đơn vị phân tích kỳ vọng bộ máy mới sẽ đi vào vận thông suốt kể từ quý 3/2025, mở ra những chuyển rõ rệt về kinh tế vĩ mô và hiệu ứng tích cực đến thị trường chứng khoán.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố quốc tế và trong nước, BSC dự báo áp lực tỷ giá sẽ giảm dần sau quý 1/2025, tạo điều kiện cho các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Tăng trưởng GDP theo hai kịch bản: 6,5% và 7,4%; CPI cũng theo hai kịch bản: 4,4% và 3,2%; lãi suất điều hành ở quanh ngưỡng 4,5%.

Với thị trường chứng khoán năm 2025, đơn vị phân tích cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy đi ngang trong nửa đầu năm; vượt cản 1.300 điểm và duy trì đà tăng trong nửa cuối năm. Các yếu tố hỗ trợ là kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ở chu kỳ tăng trưởng tích cực; môi trường lãi suất thấp duy trì, tăng trưởng tín dụng cao; nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động chính và dòng vốn ngoại cải thiện nhờ khả năng nâng hạng. Kịch bản cơ sở, BSC dự báo VN-Index lên mức 1.436 điểm, với lợi nhuận thị trường (EPS) tăng 18% và P/E ở mức 14,2 lần.

P/E của một số thị trường chứng khoán cho thấy Việt Nam đang có lợi thế về định giá hấp dẫn.

P/E của một số thị trường chứng khoán cho thấy Việt Nam đang có lợi thế về định giá hấp dẫn.

Về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán, BSC cho biết, trong chỉ số thị trường cận biên (Frontier) do MSCI, FTSE phân loại, Việt Nam đứng Top 1 về tỷ trọng, tuy nhiên giá trị vốn hóa, thanh khoản, số lượng cổ phiếu từ lâu đã đáp ứng các tiêu chí của một thị trường mới nổi (Emerging), thậm chí còn xếp trên nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới.

“Việc ở lại quá lâu trong ‘chiếc áo’ Frontier sẽ thu hẹp cơ hội của doanh nghiệp trong nước tiếp cận với nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài, cũng như hạn chế khả năng phát triển của thị trường để hội nhập với các tiêu chuẩn thế giới. Mặt khác, việc nâng hạng thành công sẽ cải thiện niềm tin nhà đầu tư, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế, tăng cường uy tín quốc gia,” BSC nêu quan điểm.

Nếu được FTSE Russell nâng hạng, BSC dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón nhận tối thiểu 700 triệu – 1,5 tỷ USD từ các quỹ ETF/chủ động. Nhà đầu tư nước ngoài thông thường sẽ mua ròng từ 3-4 tháng trước khi FTSE ra thông báo, và từ 4-5 tháng đối với MSCI. Theo đơn vị phân tích, trong kịch bản cơ sở, FTSE sẽ ra thông báo chính thức nâng hạng với thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 9/2025.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thi-truong-chung-khoan-nam-2025-tien-hung-hau-cat-37644.html