Thị trường chứng khoán sẽ tăng tốc trong năm mới?
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua năm 2024 với diễn biến tích cực trong giai đoạn đầu và sau đó đi ngang, tính chung VN-Index tăng 12,1%.
Một số chuyên gia dự báo, năm 2025 sẽ là năm tăng tốc của thị trường và chỉ số VN-Index có thể đạt, thậm chí vượt mốc 1.500 điểm.
VN-Index tăng hơn 12%
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 có khởi đầu thuận lợi khi quý I VN-Index tăng 13,6% so với cuối năm 2023. Sau đó, những lo ngại về tỷ giá và hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã kéo chỉ số chững lại, VN-Index không vượt qua được vùng kháng cự 1.300 điểm. Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.266,78 điểm, tăng 12,1% so với cuối năm 2023.
Thị trường tăng nhờ sự hỗ trợ của nền tảng cơ bản vững chắc, nhất là đà hồi phục kinh tế, cùng các giải pháp tháo gỡ nút thắt về nâng hạng thị trường. Trong đó có việc ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán...
Đóng góp tích cực vào sự đi lên của thị trường là các nhóm vận tải, công nghệ, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng tốt nhờ nền tảng tăng trưởng tín dụng. Trong 2 quý đầu, tín dụng tăng trưởng khó song cải thiện vào quý III và quý IV. Bên cạnh đó, những khoản nợ xấu cũ gần như được giải quyết. Phần lớn các ngân hàng đã ứng dụng công nghệ nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, từ đó cải thiện tình hình kinh doanh.
Thanh khoản thị trường tăng tốc trong nửa đầu năm 2024, nhưng sau đó giảm xuống còn khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch trong giai đoạn tháng 10 đến tháng 12. T
ính cả năm, giá trị giao dịch bình quân trên sàn thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 21.100 tỷ đồng, tăng gần 20% so với bình quân năm trước. Điểm trừ là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lớn với khoảng 90.000 tỷ đồng bởi áp lực về tỷ giá, tạo làn sóng rút vốn từ thị trường mới nổi và thị trường cận biên để dịch chuyển sang thị trường Mỹ và châu Âu. Điều này diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà cả thị trường nước khác. Song dòng tiền nội khá mạnh là bệ đỡ cho áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, tránh cho thị trường giảm sâu.
Năm tăng tốc của thị trường?
Dự báo về thị trường trong năm 2025, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, 2025 sẽ là năm tăng tốc của thị trường bởi có nhiều yếu tố hỗ trợ. Về yếu tố bên ngoài, thống kê cho thấy, trong năm đầu tiên nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ, kinh tế thường tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán cũng tăng tốt, đặc biệt là thị trường mới nổi và thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam. Về nội tại, năm 2025, Việt Nam phấn đấu kinh tế tăng trưởng 8%. Năm 2024, dù không có sự hỗ trợ của nhóm bất động sản, nền kinh tế đã tăng trưởng hơn 7%. Năm 2025, với sự đóng góp của ngành bất động sản thì kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn và mức 8% có thể đạt được.
Bên cạnh đó, thị trường còn có chất xúc tác khác là nâng hạng thị trường. Dự kiến tổ chức FTSE sẽ có quyết định nâng hạng thị trường chính thức có hiệu lực vào tháng 9-2025. Ngoài ra, năm 2025, hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh ký kết với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc) được vận hành. Sự kiện này kỳ vọng sẽ tạo làn sóng chuyển sàn từ Upcom lên Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh của một loạt cổ phiếu. Cùng với đó là việc niêm yết cổ phiếu mới và thời gian tới bài toán cổ phần hóa, niêm yết doanh nghiệp sẽ được giải.
Cùng quan điểm, chuyên gia của Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo, với kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index có thể đạt 1.555 điểm. Ở kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm. Xu hướng nới lỏng tiền tệ thế giới và dư địa nới lỏng tài khóa trong nước cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng.
Trong khi đó, chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận, thời gian tới, nền tảng vĩ mô vững chắc, thể chế cải cách và chính sách tiền tệ thuận lợi sẽ lan tỏa đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Lợi nhuận thị trường năm 2025 và 2026 dự báo tăng trưởng lần lượt 18% và 19%, nhờ đóng góp nhiều từ các ngành Ngân hàng, vật liệu xây dựng, bất động sản nhà ở, bán lẻ, bất động sản công nghiệp.
Trong bối cảnh lãi suất giảm, chi phí đầu vào thấp và mức tăng lương vừa phải, biên lợi nhuận gộp của nhiều ngành sẽ có sự cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi.
Tuy nhiên, chuyên gia MBS cũng lưu ý, yếu tố rủi ro tác động đến thị trường như áp lực tỷ giá trong bối cảnh đồng VND yếu; thị trường bất động sản nhà ở có thể phục hồi chậm hơn dự kiến, tạo gánh nặng lên tài sản bảo đảm của hệ thống ngân hàng. Với các cơ hội và thách thức như trên, chuyên gia MBS kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.400-1.420 trong năm 2025.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thi-truong-chung-khoan-se-tang-toc-trong-nam-moi-689445.html