Thị trường chứng khoán sẽ thế nào trong 'tháng Ngâu'?

Tháng 7 âm lịch còn gọi là 'tháng Ngâu', thường sẽ là giai đoạn trầm lắng hơn của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên năm 2024 với bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực, cơ quan quản lý cũng đang nỗ lực nâng hạng cho thị trường chứng khoán, cùng với đó kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được dự báo sẽ ở mức cao thì thị trường 'tháng Ngâu' có điều gì khác?

Tháng Ngâu thị trường vẫn tăng điểm

Tháng Ngâu thị trường vẫn tăng điểm

Nhận định thị trường, sau khi tích lũy ở ngưỡng 1.300 điểm, đến nay lại bắt đầu “tháng Ngâu” và xuất hiện những phiên điều chỉnh, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC), rất nhiều nhà đầu tư, không chỉ là nhà đầu tư chứng khoán khi xem xét những quyết định đầu tư lớn thường cho rằng tháng Ngâu là thời gian không tốt. Tuy nhiên, một thống kê kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay cho thấy trong hơn 23 lần tháng Ngâu, chúng ta có khoảng 14 lần thị trường chứng khoán tăng điểm trong giai đoạn này. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, tháng 7 âm lịch vẫn là tháng thị trường chứng khoán tăng điểm.

Còn khi theo dõi diễn biến thị trường thời gian gần đây thì sau một giai đoạn gần như đi ngang ở sát mức 1.300 điểm thì thị trường đã có sự điều chỉnh tương đối. Điều này cũng hợp lý nhất định, bởi vì thứ nhất, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 58.000 tỷ đồng, là mức tương đối lớn trong một khoảng thời gian ngắn. Thứ hai, số dư margin trong thị trường cũng đã tăng ở mức khá cao. Theo thống kê và ước tính mới nhất, tổng số dư margin trên báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán hiện ở khoảng 218.000 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm, mức tăng khá mạnh so với năm 2023.

“Tại BSC, số dư margin cũng đang cao nhất trong lịch sử mà chúng tôi từng trải qua. Điều này cho thấy dòng tiền trên thị trường phần nào đó khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng thì cũng được mua lại bởi các nhà đầu tư trong nước và được hỗ trợ một phần bởi số dư margin đang tăng lên. Do vậy, sự điều chỉnh của thị trường là một điều cần thiết trong một chu kỳ để hạ nhiệt sức ép về margin cũng như để hạ nhiệt sức ép khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trong thời gian vừa qua”, ông Long phân tích.

Về bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II, ông Trần Thăng Long, cho biết, BSC đã làm một thống kê, hiện tại đang có khoảng 370 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính trên cả ba sàn. Kết quả kinh doanh đang có sự phân hóa nhất định, theo đó, khối tài chính chủ yếu bao gồm ngân hàng và các công ty chứng khoán đang có mức độ gia tăng lợi nhuận tốt so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là khối ngân hàng. Còn khối chứng khoán vẫn có tốc độ tăng trưởng dương, khoảng 17,7% là mức khá cao.

Tổng hợp lại thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang phản ánh đúng chiều hướng phục hồi chung của kinh tế vĩ mô Việt Nam. Đặc biệt những ngành ngân hàng, chứng khoán, ngành công nghệ thông tin hay viễn thông, bán lẻ… đều đang có sự tăng trưởng khá tốt. Khối ngành liên quan đến xây dựng và hóa chất cũng tăng mạnh so với năm 2023.

Về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Long cho rằng, GDP của quý I và đặc biệt là quý II/2024 vừa qua đã tăng mạnh hơn so với dự kiến, dẫn đến chỉ số GDP trong trung bình của 6 tháng đầu năm tăng khoảng 6,4 % so với cùng kỳ. Nếu như vậy, khả năng cao là Việt Nam sẽ đạt chỉ tiêu GDP tăng trưởng vào năm 2024.

Nhìn thêm những yếu tố đang hỗ trợ cho sự phục hồi của doanh nghiệp, đầu tiên là sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chúng ta đã duy trì một mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, đặc biệt trong vòng một năm rưỡi trở lại đây. Thứ hai là tỷ giá, sau giai đoạn tăng nóng đợt tháng 3, tháng 4, tháng 5 thì hiện tại đang có nhiều dấu hiệu cho thấy đồng USD cũng đang duy trì ở mức giá ổn định và không gây quá nhiều sức ép đến các đồng tiền khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Thứ ba, sự quay trở lại của nhóm FDI, trong giai đoạn sau Covid, tốc độ giải ngân FDI tăng trưởng khá chậm, nhưng hiện tại nhiều dự án đã khởi động trở lại. Kèm theo đó xuất nhập khẩu phục hồi rất nhanh, nhập khẩu tăng hơn 17% và xuất khẩu khoảng 14,5%.

Tuy nhiên, có hai điểm đang là rủi ro cho thị trường. Thứ nhất, Việt Nam cũng như rất nhiều những quốc gia thiên về xuất khẩu khác phụ thuộc nhiều vào sức khỏe kinh tế của các khách hàng lớn, nhiều nhất là xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản. Trong đó, đối tác lớn nhất là Hoa Kỳ cũng đang trong trạng thái chuyển đổi nền kinh tế, chúng ta cần quan sát kỹ, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của người đặt hàng, đặc biệt là cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Một yếu tố khác liên quan đến diễn biến của chính sách tiền tệ. Các ngân hàng trung ương trên thế giới phần lớn vẫn đang duy trì một chính sách chặt chẽ, trong khi Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng, thiên theo hướng chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế. Do vậy, có sự lệch pha nhất định giữa chính sách tiền tệ của Việt Nam và chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia lớn, trong đó đặc biệt là Hoa Kỳ và Châu Âu. Những điều chỉnh về lãi suất của FED thường sẽ có tác động tương đối nhiều đến các thị trường và nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng việc FED sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một đến hai lần trong năm 2024 nên nếu việc đó không xảy ra cũng sẽ gây sức ép lên thị trường chứng khoán Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam.

Về triển vọng thị trường chứng khoán, ông Trần Thăng Long cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường luôn dao động và đặc biệt khi có những thông tin bất ngờ liên quan đến quốc tế hay những thông tin trong nước thường sẽ tác động đến thị trường. Nhưng trong trung hạn và dài hạn, thị trường luôn được chuyển biến dựa trên cơ sở của việc dòng tiền nhà đầu tư tham gia vào thị trường như thế nào, cũng như diễn biến cơ bản của doanh nghiệp.

“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để gặp gỡ các doanh nghiệp trên sàn cũng như thu thập số liệu của khoảng 80 doanh nghiệp và chiếm phần lớn khoảng hơn 70% vốn hóa của thị trường chứng khoán năm 2024 thì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp khoảng 16,5% cho đến 17%, kỳ vọng năm 2025 sẽ còn lớn hơn so với số đó. Thế nên, đây là một yếu tố rất quan trọng và nó đảm bảo cho việc nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tiếp tục quan tâm đến thị trường, đặc biệt khi Việt Nam có những bước tiến gần hơn đến thị trường mới nổi”, ông Long chia sẻ.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thi-truong-chung-khoan-se-the-nao-trong-thang-ngau-154078.html