Thị trường chứng khoán thế giới có xu hướng tăng điểm

Khép lại phiên giao dịch cuối tuần qua, các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đều tăng điểm trong bối cảnh nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch kích thích kinh tế của Liên minh châu Âu (EU).

Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 19/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 19/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Khép lại phiên giao dịch cuối tuần 10/7, các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đều tăng điểm trong bối cảnh nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch kích thích kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) cũng như triển vọng của vắc-xin ngừa COVID-19.
Cụ thể, tại thị trường New York, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi nhận mức cao kỷ lục mới, và đóng cửa phiên ở mức 10.617,44 điểm. Các chỉ số chủ chốt khác cũng đi lên, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,4% lên 26.075,30 điểm và chỉ số S&P 500 tăng 1,1% lên 3.185,04 điểm.
Thị trường chứng khoán London (Anh) cũng tiến thêm 0,8% vào cuối phiên, trong khi thị trường Frankfurt (Đức) và chứng khoán Paris (Pháp) tăng lần lượt 1,2% và 1%.
Tuần qua, các nhà đầu tư cổ phiếu đã chứng kiến xu hướng tăng giảm không đồng đều với yếu tố lớn nhất chi phối các thị trường chứng khoán thế giới vẫn là diễn biến của đại dịch COVID-19 và biện pháp ứng phó mà các quốc gia đang thực hiện.
Một số phiên trong tuần thị trường giảm điểm do mối quan ngại về diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến các biện pháp phong tỏa mới, đi kèm với những thông tin kinh tế kém lạc quan đã thúc đẩy hoạt động bán ra chốt lời.
Tuy nhiên, đáng chú ý, trong phiên giao dịch 6/7 và 8/7, chỉ số công nghệ Nasdaq liên tiếp xác lập mức cao kỷ lục mới cho dù số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng mạnh tại Mỹ.
Giới quan sát đánh giá diễn biến tích cực này là do các nhà đầu tư ở Phố Wall nhận thấy Chính phủ Mỹ có rất ít cuộc thảo luận về việc phong tỏa toàn diện nền kinh tế như hồi giữa tháng 3/2020 bất chấp thực tế nhiều thành phố lớn đã thừa nhận việc mở cửa quá sớm có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải với số bệnh nhân COVID-19 tăng mạnh.
Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng việc Mỹ triển khai các biện pháp phong tỏa trên quy mô lớn hơn có thể là không cần thiết khi ngày càng nhiều người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang cũng như một số bang thành công trong việc khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, rõ ràng rủi ro lớn vẫn tồn tại và chưa thể dừng việc triển khai thêm các biện pháp phong tỏa.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục phát tín hiệu về việc hỗ trợ tối đa cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đến phiên cuối tuần 10/7, sắc xanh bao phủ các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ sau khi Wall Street Journal dẫn lời người đứng đầu công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức cho biết, một loại vắc-xin phòng ngừa COVID-19 sẽ sẵn sàng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét vào cuối năm nay.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng trở nên “phấn chấn” nhờ thông báo tích cực từ công ty dược phẩm Gilead Science về các thử nghiệm lâm sàng của remdesivir, loại thuốc đầu tiên được chứng minh là tương đối hiệu quả trong điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Các thị trường cổ phiếu nói chung đã thể hiện khả năng phục hồi khỏe mạnh dựa vào những kỳ vọng vào sự phục hồi các hoạt động kinh tế, tình trạng phong tỏa được nói lỏng và việc chính phủ cung cấp những hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế.
Tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel ngày 10/7 đã đề xuất thành lập quỹ dự trữ 5 tỷ euro (5,7 tỷ USD) để ứng phó với những hậu quả không lường trước được của Brexit, chỉ việc Anh rời EU, đối với các quốc gia thành viên khối./.

Mai Ly (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-chung-khoan-the-gioi-co-xu-huong-tang-diem/162412.html