Thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa phát triển
Năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được dự báo có khả năng đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, tăng giảm mạnh đan xen, xuất phát từ nhiều yếu tố, cả từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), trong bối cảnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn dư địa để phát triển…
Nhiều biến số khó lường
Năm 2021, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng tích cực khi VN-Index tăng 26,41% và lọt Top 5 các chỉ số tăng mạnh nhất thế giới. Đi cùng với đó, thanh khoản TTCK cũng tăng tốt với nhiều phiên giao dịch lên đến hàng tỷ USD.
Trước thời điểm bất ngờ xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhiều dự báo lạc quan về mốc 1.800 điểm của VN- Index trong năm 2022. Tuy nhiên, đây là điều khó khăn khi hệ lụy của cuộc chiến tranh này đang tác động sâu rộng đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, TTCK diễn biến trồi sụt. Chỉ số chính VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm, chưa tìm kiếm được động lực bứt phá trong bối cảnh có nhiều biến số khó lường cả trong và ngoài nước.
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN) tình hình dịch COVID-19 vẫn là yếu tố bất định, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Cùng với đó, quá trình hồi phục của nền kinh tế và tâm lý của nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường. Việc tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới bị tắc nghẽn chuỗi cung ứng, sản lượng sản xuất không đáp ứng kịp nhu cầu khi các nền kinh tế hồi phục cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của các DN.
“Mức dư nợ giao dịch ký quỹ toàn thị trường tăng nhanh trong thời gian qua, cùng với việc NĐT cá nhân tăng tỷ trọng trên TTCK Việt Nam cũng tiềm ẩn rủi ro cho thị trường khi tính ổn định của dòng vốn chưa cao. Việc phụ thuộc nhiều vào NĐT cá nhân, dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông khiến thị trường dễ có những biến động mạnh khi xuất hiện những thông tin bất lợi. Bên cạnh đó, các hiện tượng dùng mạng xã hội để làm giá cổ phiếu, kích động, xuyên tạc thông tin trên thị trường cũng tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động giao dịch trên TTCK, đòi hỏi phải tăng cường công tác giám sát đối với các hoạt động trên TTCK”- đại diện UBCKNN phân tích
Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế bắt đầu phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển nhiều hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dòng tiền vào TTCK do vậy có thể bị ảnh hưởng. “TTCK khi đó khó có thể đạt mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2021 nhưng sẽ bước vào giai đoạn ổn định và bền vững hơn” - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Tạ Thanh Bình nhận định.
Đâu là dư địa?
Theo nhận định của UBCKNN, mặc dù có khó khăn song TTCK Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn dư địa cho tăng trưởng do nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Mặt bằng lãi suất có khả năng tiếp tục được giữ ổn định ở mức thấp và do vậy, dòng tiền nhiều khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK. Dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi tích cực của DN và nền kinh tế. Cùng với đó, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua và hiện mới chiếm khoảng 4,7% dân số cho thấy, TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các NĐT trong nước.
Đồng tình với nhận định này, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, chiến lược đầu tư năm 2022 sẽ cần thận trọng hơn bởi mặt bằng giá cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong năm 2021.
Theo đó, NĐT có thể đầu tư ở một số nhóm ngành như: Nhóm hưởng lợi từ gói phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng; Các nhóm hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, quy mô 40.000 tỷ đồng (các DN có đầu ra ổn định, đặc biệt DN sản xuất, xuất khẩu, như ngành dệt may, thủy sản, có thể tận dụng gói hỗ trợ lãi suất); Một số nhóm khác có thể kể đến là logistics, cảng biển, bất động sản khu công nghiệp, hưởng lợi sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam; Nhóm ngành đi cùng sự phục hồi hậu COVID-19 như bán lẻ và nhóm hưởng lợi mang tính chất gián tiếp là bất động sản du lịch, bất động sản nhà ở, sau đó là ngân hàng.
Lạc quan với sự phát triển của TTCK Việt Nam, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital cho rằng trong gần 3 năm qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường vẫn liên tục tăng trưởng. “Với việc Chính phủ hiện vẫn đang ưu tiên phục hồi kinh tế với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay với quy mô gần 350.000 tỷ đồng thì đây là cơ hội cho TTCK tiếp tục phát triển trong năm 2022” - ông Tuấn nhận định.
DN này cũng cho rằng, năm 2022 là cơ hội tốt để các DN với nền tảng tài chính tốt có thể phát hành cổ phiếu, huy động vốn trên TTCK, thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn vay. Mặt khác, đối với các NĐT, đây cũng là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu triển vọng, tiềm năng trong tương lai dài hạn với mức giá phát hành thấp hơn so với giá giao dịch trên sàn chứng khoán.