Thị trường chứng khoán: Vẫn hấp dẫn với nhiều kỳ vọng

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua giai đoạn biến động mạnh với thanh khoản có xu hướng giảm. Theo một số chuyên gia, từ nay đến cuối năm, VN-Index có thể biến động trong khoảng 1.000-1.200 điểm. Thanh khoản thị trường giảm do tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau chu kỳ thị trường tăng dài, cũng như các yếu tố không tích cực từ thị trường thế giới.

Nhà đầu tư tìm hiểu thông tin tại Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt. Ảnh: Trọng Hiếu

Nhà đầu tư tìm hiểu thông tin tại Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt. Ảnh: Trọng Hiếu

VN-Index và thanh khoản cùng giảm

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9-2023, chỉ số VN-Index đạt 1.154,15 điểm, giảm 5,71% so với tháng 8-2023 và tăng 14,60% so với cuối năm 2022. Như vậy, khép lại quý III-2023, VN-Index tăng khoảng 3%, đánh dấu quý tăng thứ 3 liên tiếp.

Dễ nhận thấy, thị trường chứng khoán trong 8 tháng năm 2023 trải qua 2 giai đoạn đáng chú ý, đó là sau thời gian lình xình, đi ngang từ tháng 2 đến tháng 4, thị trường tăng mạnh kể từ tháng 5 đến tháng 8 nhờ lực đẩy được hỗ trợ từ chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế và Chính phủ quyết liệt triển khai các giải pháp tài khóa, bao gồm thúc đẩy đầu tư công, miễn, giảm thuế, phí để hỗ trợ phục hồi kinh tế… Đặc biệt, sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn dòng vốn cá nhân trong nước.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 9, thị trường điều chỉnh và trong tháng 10, thị trường tiếp tục đi xuống với mức mạnh hơn, đặc biệt là 2 tuần cuối tháng 10. Chỉ tính từ ngày 23 đến 27-10, chỉ số VN-Index giảm mạnh 47,41 điểm (-4,3%) so với tuần liền trước; trong đó ngày 26-10, chỉ số VN-Index giảm tới 46,21 điểm, xuống mức 1.055,45 điểm.

Trong phiên ngày 30-10, VN-Index giảm hơn 18 điểm, xuống mức 1.042,4 điểm. Đến phiên cuối cùng của tháng 10 (ngày 31-10), VN-Index giảm tiếp 14,21 điểm, còn 1.028,19 điểm. Như vậy, so với cuối tháng 9, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 10%, so với cuối năm 2022 chỉ số VN-Index chỉ còn tăng trên 2%.

Về thanh khoản, sau quý đầu năm khá bình lặng, thanh khoản thị trường quý II và quý III-2023 đã có sự khởi sắc khi giá trị bình quân tháng 7 đạt 21.166 tỷ đồng/phiên; 25.667 tỷ đồng/phiên trong tháng 8; 25.264 tỷ đồng/phiên trong tháng 9-2023. Song, sang tháng 10, thanh khoản thị trường giảm mạnh, có tuần bình quân giá trị giao dịch chỉ đạt 14.081 tỷ đồng/phiên.

Khách hàng giao dịch chứng khoán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Việt Anh

Khách hàng giao dịch chứng khoán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Việt Anh

Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, căng thẳng tại Trung Đông và giá USD tăng mạnh là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 10. Còn đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhìn nhận, thanh khoản thị trường giảm do tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau chu kỳ tăng dài, cũng như các yếu tố không tích cực từ thị trường thế giới. Diễn biến của thị trường chịu tác động bởi nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và trên thế giới, như lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, áp lực điều hành tỷ giá… Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam vẫn tăng trưởng chậm, khiến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Có thể tăng trong tháng 11

Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán, khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI Nguyễn Anh Đức cho rằng, những yếu tố hỗ trợ thị trường khác từ tháng 4 đến tháng 8 có thể đã qua và hiện tại đang tích lũy để chờ đợi xu hướng tiếp theo. Tuy nhiên, có thể những nhà đầu tư ngắn hạn rất sốt ruột bởi thị trường lình xình, diễn ra bao lâu không thể biết. Đặc biệt, trong bối cảnh những nhà đầu tư ngắn hạn chịu lỗ nhiều, bị áp lực bán, giải chấp… làm giảm cổ phiếu nhanh hơn. Dự đoán đến cuối năm 2023, chỉ số VN-Index sẽ trong khoảng 1.200 điểm.

Còn chuyên gia độc lập Phan Dũng Khánh kỳ vọng từ nay đến cuối năm thị trường giữ mốc trên 1.100 điểm, nếu tốt hơn có thể về quanh mốc 1.200 điểm.

Trong khi đó, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh nêu quan điểm, vào những ngày đầu tháng 11, thị trường có thể vẫn còn dư âm tháng 10. Tuy nhiên, sau đó áp lực giảm chững lại vì kỳ vọng lợi suất trái phiếu Mỹ không còn tăng mạnh và nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không có đợt tăng lãi suất vào tháng 11.

Bên cạnh đó, trên thị trường có 2 nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa lớn, tác động mạnh nhất đến VN-Index là bất động sản và ngân hàng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua không giảm mạnh nhưng nhóm bất động sản khiến thị trường giảm mạnh. Chỉ số nhóm bất động sản đã quay về mức đáy của năm 2020 và năm 2022. Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực. Nhóm cổ phiếu bất động sản không còn rủi ro như năm 2022, vì vậy, có thể kỳ vọng sự hồi phục của nhóm này giúp thị trường hồi phục trở lại.

VN-Index từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến trong khoảng 1.000-1.200 điểm. Trước mắt, trong tháng 11 thị trường có thể có đợt tăng trong ngắn hạn, song áp lực thị trường giảm có thể diễn ra trong tháng 12 bởi trong tháng này nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn còn ở mức cao.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thị trường chứng khoán trong nước, vì thế, vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì thanh khoản tích cực, là kênh hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thi-truong-chung-khoan-van-hap-dan-voi-nhieu-ky-vong-646617.html