Thị trường chuyển động tích cực, nhưng tính chọn lọc sẽ cao hơn
Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục duy trì diễn biến tích cực trong tháng 6 cả về điểm số và thanh khoản. Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều cơ hội, nhưng sẽ gia tăng biến động và có tính chọn lọc cao do mùa báo cáo bán niên sẽ là giai đoạn nhà đầu tư đối chiếu được giữa kỳ vọng và thực tế.
VN-Index tiếp tục phục hồi từ đáy
Hàng loạt chính sách hỗ trợ đã được ban hành kể từ tháng 3 nhằm tháo gỡ những khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải... tạo bước đệm giúp thị trường chứng khoán (TTCK) vận động khởi sắc hơn trong quý II/2023. Trong tháng 6, TTCK Việt Nam giữ vững đà tăng khi tiếp tục nhận được động lực từ quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chỉ số VN-Index kết phiên ngày 30/6 ở ngưỡng 1.120,2 điểm, tăng +4,2% so với tháng 5.
Theo thống kê từ SSI Research, trong 6 tháng năm 2023, chỉ số VN-Index đã tăng +11,2%, vượt trội so với một số chỉ số chính trong khu vực Đông Nam Á và ngang bằng với chỉ số chung của các thị trường mới nổi (MSCI EM Index tăng +11,65%).
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, TTCK Việt Nam đã đi qua nửa đầu của năm và VN-Index vẫn tiếp tục hồi phục từ đáy. Tính tới cuối tháng 6, VN-Index đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp và chạm ngưỡng 1.130 điểm. "Đa số các TTCK khác trên thế giới trong tháng 6 cũng ghi nhận diễn biến tích cực. Trong khu vực Đông Nam Á, VN-Index cũng là một trong những chỉ số hồi phục ấn tượng” - bà Linh cho hay.
Đi cùng với các chính sách hỗ trợ hồi phục kinh tế là kỳ vọng bức tranh vĩ mô sẽ xuất hiện nhiều gam màu sáng hơn trước. Đặc biệt khi xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn chậm lại và mặt bằng lãi suất tiền gửi trong nước bắt đầu giảm, hoạt động của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng trở nên sôi động hơn. Điều này có thể nhìn thấy một phần qua số lượng tài khoản tăng thêm trong tháng 5 là 105 nghìn tài khoản, gấp 4,6 lần so với tháng trước. Kết quả là, nhóm này liên tục mua ròng từ giữa tháng 3 và trở thành lực đỡ chính của thị trường với tổng giá trị mua ròng 9,5 nghìn tỷ đồng khớp lệnh trong quý II/2023.
Theo số liệu từ ABS, thanh khoản của TTCK hồi phục ấn tượng trong tháng 6 với giá trị giao dịch trung bình phiên trên HOSE đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng +38% so với tháng 5 và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.
“Thị trường đi lên và gặp rung lắc ở cuối tháng 6. Tuy nhiên, VN-Index duy trì được đà tăng tương đối bền bỉ và gặp rung lắc nhẹ ở cuối tháng với thanh khoản giảm nhẹ. Về mặt tin tức, tháng 6 không có nhiều tin chính sách tài chính - tiền tệ như tháng 4 và tháng 5, nhưng những câu chuyện về đầu tư công, sân bay Long Thành và Việt Nam tiếp đón chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc trong tháng 6 đã thu hút được sự quan tâm của số đông nhà đầu tư” - bà Linh nói.
Dòng tiền sẽ chuyển kênh đầu tư khi lãi suất hạ đủ mạnh
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6 - 6,5%, áp lực tăng trưởng 2 quý cuối năm là rất lớn. Đề hỗ trợ tăng trưởng, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, chuyên gia của ABS cho rằng, đây sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam cũng như của TTCK trong giai đoạn tới.
“Chúng tôi nhận định khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 0,25% trong kỳ họp cuối tháng 7 và thêm một lần nữa trong quý IV/2023. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trong nước dự kiến tiếp tục giảm. Điều này dẫn đến việc chênh lệch lãi suất USD và VND sẽ ngày càng nới rộng, dẫn đến nhu cầu USD gia tăng. Do đó, khả năng tỷ giá USD/VND sẽ tăng trong tháng 7 cùng với việc nhà đầu tư ngoại có thể tăng bán ròng. Trong khi đó, lượng tiền gửi ngân hàng khá lớn, dự kiến đáo hạn cuối tháng 6 của nhà đầu tư nội sẽ có xu hướng được chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có cổ phiếu, để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn lãi suất tiền gửi” - Giám đốc Trung tâm Phân tích của ABS phân tích.
Còn theo các chuyên gia của SSI Research, TTCK Việt Nam đang bước vào chu kỳ chuyển động tích cực hơn chủ yếu do động lực phục hồi từ vùng đáy, được dẫn dắt bởi một loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ.
Với xu hướng tăng trưởng lợi nhuận theo quý của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, các chuyên gia của SSI Research nhận thấy, quý IV/2022 và quý I/2023 tăng trưởng âm liên tiếp, tuy nhiên tốc độ giảm đã chậm lại. Kỳ vọng tốc độ giảm của lợi nhuận sẽ tiếp tục thu hẹp khi nhiều doanh nghiệp lớn đầu ngành bắt đầu có sự cải thiện lợi nhuận ngay trong quý II và thị trường cũng không chịu áp lực nền so sánh cao ở quý cùng kỳ năm 2022. “Chúng tôi cho rằng đây là yếu tố đáng kể nâng đỡ thị trường tiếp tục xu hướng tích cực hiện tại” - chuyên gia của SSI Research nhấn mạnh.
Sau khi xem xét các yếu tố kỹ thuật về xu hướng cũng như các kỳ vọng cho giai đoạn tới, chuyên gia của SSI Research cho rằng, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội nhưng sẽ gia tăng biến động và có tính chọn lọc cao do mùa báo cáo bán niên sẽ là giai đoạn nhà đầu tư đối chiếu được giữa kỳ vọng và thực tế. “Cân bằng giữa cơ hội và rủi ro cùng đa dạng hóa danh mục là chiến lược chúng tôi đề xuất cho nhà đầu tư trong danh mục tháng 7, cùng với nhóm cổ phiếu khuyến nghị cụ thể hầu hết là các doanh nghiệp đầu ngành nhận được yếu tố tác động tích cực ngay trong mùa báo cáo quý II” - chuyên gia của SSI Research khuyến nghị.
Đầu tư là động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ chuyển động tích cực hơn chủ yếu do động lực phục hồi từ vùng đáy, được dẫn dắt bởi một loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong khi đó, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức do tác động từ sự suy yếu của các nền kinh tế lớn, tiêu dùng trong nước chậm và đầu tư được chọn làm động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.