Thị trường đang rơi vào 'thế khó'

Kỳ vọng về tiền rẻ được cho là sẽ giúp kênh đầu tư chứng khoán trở lại thời hoàng kim cách đây không lâu. Cùng với đó, hiện tượng Fomo (sợ bỏ lỡ cơ hội) đang có dấu hiệu lớn dần, nếu Fomo ở một thị trường tăng giá được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản, vĩ mô thì đây không phải vấn đề quá lớn, nhưng nếu ngược lại, thị trường có thể sẽ đứng trước rủi ro lớn.

Thị trường chứng khoán (TTCK) lên hay xuống là câu chuyện của dòng tiền và niềm tin. Và cũng chính nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng, sự kỳ vọng đã được hình thành.

Có hiện tượng Fomo

Điều này được thể hiện ở việc tâm lý hưng phấn đã kích hoạt dòng tiền tích cực đổ vào thị trường, đưa VN-Index chinh phục mốc cao mới.

Tâm lý hưng phấn đã kích hoạt dòng tiền tích cực đổ vào thị trường.

Tâm lý hưng phấn đã kích hoạt dòng tiền tích cực đổ vào thị trường.

Nhìn lại tuần qua, VN-Index đã có một tuần giao dịch bùng nổ khi chỉ số chính vượt ngưỡng cản tâm lý 1.200 với sự ủng hộ của thanh khoản. Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của “tam sàn” đạt 23.508 tỷ đồng (tăng 15,5% so với tuần trước đó). Sự vận động tích cực của dòng tiền đã giúp VN-Index tăng điểm 4 tuần liên tiếp.

“Tính riêng trong nửa tháng gần đây, điểm số VN-Index luôn nằm trên ngưỡng MA5. Thị trường vẫn đang trong xu hướng uptrend”, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS đưa ra bình luận.

Dù vậy, theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh Tp.HCM, Chứng khoán DSC, thị trường đang có hiện tượng Fomo, thể hiện qua việc rơi vào trạng thái quá mua nhưng nhà đầu tư vẫn hưng phấn trong khoảng thời gian dài. Bên cạnh đó, lượng margin tại thời điểm cuối quý II tăng mạnh và khả năng tiếp tục tăng cao.

Thực tế, tâm lý hưng phấn khiến dòng tiền không còn quá quan tâm đến mùa báo cáo quý II, nhiều cổ phiếu vẫn tăng bất chấp kết quả kinh doanh ảm đạm. Đơn cử như nhóm bất động sản, dù kết quả kinh doanh phân hóa nhưng cả nhóm đều đồng loạt đi lên.

Mặt khác, ông Phạm Việt Duy, Trưởng nhóm thị trường, khối phân tích của Chứng khoán VNDirect cho hay, thị trường đã có một nhịp tăng điểm khá dài và đang trong trạng thái quá mua.

Về góc nhìn kỹ thuật, chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá hầu hết các chỉ báo đều đang ở mức cao.

Nhìn chung, Fomo luôn tồn tại trên TTCK. Đây là điều hết sức bình thường khi tham gia đầu tư, đặc biệt là trong một xu hướng tăng. Nhưng vấn đề ở đây là bản chất của xu hướng tăng này có bền vững hay không. Nếu Fomo ở một thị trường tăng giá được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản, vĩ mô thì đây không phải vấn đề quá lớn. Nếu Fomo trong một thị trường tăng với các cổ phiếu đều vượt trên giá trị nội tại thì trước sau gì cũng phải “trả giá”.

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, xu hướng tăng hiện tại đang được hỗ trợ tốt từ sự cải thiện trong các yếu tố vĩ mô, chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, vì thế Fomo ở thời điểm này sẽ không tạo ra rủi ro lớn.

Chưa thực sự yên tâm

Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại rằng, bức tranh kết quả kinh doanh quý II/2023 vẫn nghiêng về những gam màu xám. Theo thống kê trên hơn 500 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính, số lượng doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm áp đảo so với những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng.

Trong khi bức tranh lợi nhuận chưa thực sự khả quan, giá nhiều cổ phiếu đã "chạy" trước cả đoạn dài cùng chiều với nhịp tăng của thị trường.

“Dù bức tranh kinh doanh quý II/2022 chưa hoàn thiện nhưng đa phần các doanh nghiệp có kết quả suy giảm so với cùng kỳ và so với quý I/2023. Theo ước tính, mức suy giảm so với cùng kỳ chiếm xấp xỉ 60%, trong khi suy giảm quý I khoảng 10-15%”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết đánh giá.

Vị chuyên gia này cho rằng, thị trường đang trong xu hướng tăng tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn một rủi ro. Đó là rủi ro đến từ những cổ phiếu tăng rất mạnh, song kết quả kinh doanh chưa có tín hiệu cải thiện, thậm chí thua lỗ. Những cổ phiếu này chủ yếu lên theo dòng tiền và xu hướng chung của thị trường, khi kết quả kinh doanh không đạt như kỳ vọng khiến dòng tiền đầu cơ rút ra, những mã này có thể sẽ sớm gặp áp lực điều chỉnh lớn.

Mặt khác, thanh khoản thị trường ngày càng cải thiện song lượng thanh khoản thực chất vẫn chỉ xoay quanh 20.000 tỷ/phiên trên HoSE và không dễ quay trở lại tình trạng sôi động như trước. Với thanh khoản này, sẽ khó cân đối được những ngưỡng quá cao khi nguồn cung còn kẹp phía trên là rất nhiều trong giai đoạn thanh khoản cao trước đó. Chưa kể, lượng cổ phiếu niêm yết trên HoSE đã tăng 18% so với cuối năm 2021.

Không chỉ vậy, thị trường đã ở một mức định giá cao hơn, trong khi triển vọng kinh tế chưa chắc chắn, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh. Bởi thực tế để có thể lên các mốc cao hơn nữa như 1.400 -1.500 điểm, ước tính cần thêm 30% lượng tiền “bơm” vào thị trường, tương đương xấp xỉ 42.000 tỷ/phiên

“Khi nền tảng cơ bản chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện, kỳ vọng vẫn là yếu tố kéo thị trường đi lên trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng không "đuổi kịp" nền tảng cơ bản, VN-Index khó có thể tăng nhanh và mạnh hơn. Hơn nữa, thời điểm thị trường trading dễ nhất vẫn là giai đoạn đầu, bởi khi thị trường đã có nhịp tăng nhất định, kỳ vọng phản ánh vào giá dòng tiền sẽ chờ đợi yếu tố cơ bản và chọn lọc kỹ lưỡng hơn”, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường Chứng khoán BIDV (BSC) nhấn mạnh.

Chuyên gia BSC đưa ra hai kịch bản: Nếu kết quả kinh doanh cải thiện tốt trong những quý tới, VN-Index có thể tiếp tục đà tăng lên 1.300 điểm. Ngược lại, nếu kỳ vọng về kết quả kinh doanh không đạt được khiến dòng tiền mất đà, thị trường có thể vượt 1.200 điểm, song sẽ điều chỉnh và tích lũy trong thời gian dài. Dù vậy, xu hướng này phải đến cuối quý III, đầu quý IV mới rõ ràng hơn.

Theo đó, ông Phạm Việt Duy đưa ra lưu ý, nhà đầu tư nên giữ tâm lý tỉnh táo và hạn chế Fomo ở thời điểm này. Hành động phù hợp với nhà đầu tư là hạn chế mua đuổi cổ phiếu đã tăng nóng như chứng khoán, bất động sản, tuy nhiên không vội vàng bán ra nếu thị trường và cổ phiếu chưa mất xu hướng.

“Khi phiên phân phối xảy ra với đặc điểm thanh khoản cao và giảm hơn 10 điểm lúc đóng cửa, nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời để có thể bảo toàn lợi nhuận. Việc chốt lời bảo toàn lợi nhuận để tìm các điểm mua hợp lý sẽ là hành động tối ưu”, ông Duy khuyến nghị.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/thi-truong-dang-roi-vao-the-kho-1094284.html