Thị trường đào quất Tết trầm lắng dù nhu cầu vẫn cao
Cơn bão Yagi hồi tháng 9 đã để lại những hậu quả nặng nề cho người dân vùng trồng đào quất quanh Tây Hồ (Hà Nội). Tết năm nay, dù đào quất vẫn thắm sắc, nhưng nhiều hộ không đủ đào, quất để phục vụ nhu cầu Tết.
Phường Nhật Tân, quận Tây Hồ từ lâu nổi tiếng là vùng trồng đào truyền thống với hơn 800 hộ gia đình gắn bó cùng nghề này. Tuy nhiên, trận lũ lịch sử vào tháng 9 năm 2024 đã nhấn chìm khoảng 80ha trong tổng số 90ha đất trồng đào của phường, khiến hàng nghìn gốc đào bị thiệt hại nghiêm trọng.
Dù vậy, một số hộ dân có vườn đào nằm ở khu vực cao ráo, ít bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, vẫn kịp chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ 2025.
Hiện tại, các vườn đào đang tất bật với công đoạn cuối cùng để sẵn sàng cho dịp Tết Nguyên đán. Những cây đào đã được tuốt sạch lá và đang trong quá trình chuyển lên chậu.
Tại khu vườn nằm trong ngõ 264 Âu Cơ (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội), chủ vườn đã thuê thêm 6 nhân công để hỗ trợ việc đào bứng và đánh chuyển cây. Công đoạn này đòi hỏi sự cẩn thận nhằm giữ nguyên bầu đất và hạn chế tối đa tổn thương rễ, giúp cây tiếp tục phát triển và ra hoa đúng dịp Tết.
Vườn đào sở hữu nhiều gốc đào cổ thụ, có tuổi đời hàng chục năm, với giá trị cao nên đa phần khách hàng lựa chọn thuê để trưng bày trong dịp Tết. Mức giá thuê dao động từ 5 đến 10 triệu đồng mỗi cây, tùy thuộc vào kích thước và chủng loại.
Đối với những cây đào thất thốn quý hiếm, có giá lên đến hàng chục triệu đồng, các chủ vườn còn đầu tư lắp đặt nhà bạt kín, trang bị điều hòa để duy trì nhiệt độ và độ ẩm ổn định. Môi trường được kiểm soát chặt chẽ này giúp cây ra nụ và nở hoa đúng thời điểm Tết Nguyên đán.
Khách hàng từ nhiều tỉnh thành như Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh… đã đổ về các vườn đào để chọn cây ưng ý. Tại vườn đào Hiệp Vụ, những gốc đào lớn, dáng thế đẹp phần lớn đã được khách đến tận nơi khảo sát, đánh dấu tên và địa chỉ gắn lên cây.
Sau khi được bứng lên chậu, những cây này sẽ trải qua 2-3 tuần chăm sóc để thích nghi, trước khi được vận chuyển đến nhà khách hàng phục vụ trưng bày ngày Tết.
Bà Dung - chủ vườn đào Hòa Dung chia sẻ: “Nhiều nhà vườn vẫn có đào để phục vụ Tết, nhưng vào sâu trong các vườn sẽ thấy thiệt hại nhiều lắm. Gia đình tôi chỉ còn khoảng một nửa số gốc đào để bán so với mọi năm. Tuy thế giá không tăng nhiều, chỉ nhỉnh hơn khoảng 10-15% so với mọi năm”.
Các chủ vườn đào cũng trồng xen các loại cúc để phục vụ nhu cầu Tết. Nhiều nhà vườn bị hư hại hết các gốc đào từ đợt bão chấp nhận Tết năm nay không có đào để bán. Các chủ vườn đã bắt tay vào chăm sóc lại đào từ đầu.
Cùng với đào Nhật Tân, vườn quất Tứ Liên cũng đang tất bật vào vụ Tết. Giá các loại quất cảnh cỡ vừa dao động từ 300.000 đồng - 1.000.000 đồng/cây; với các loại quất to, dáng đẹp, giá từ 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng/cây. Các loại quất cỡ đại giá trên 10.000.000 đồng thường được các cơ quan, doanh nghiệp thuê về để trang trí công sở.
Vườn quất nhà chị Phương (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) năm nay may mắn không chịu ảnh hưởng quá nhiều của đợt bão Yagi. Theo chị, chỉ có vài cây quất bonsai bị ngập là không thể cứu được, còn các cây quất to vẫn ổn và được giá. Thời điểm này, hầu hết cây quất trong vườn nhà chị đều đã có khách đặt cọc.
Tuy thế, nhiều vườn quất ở khu vực dưới đê, gần sông Hồng không được may mắn như vậy. Năm nay, nhiều nhà gần như mất trắng, phải nhập quất từ Hưng Yên về để phục vụ khách lẻ. Ít vườn còn đủ quất để bán cho khách sỉ. Giá quất cũng tăng nhẹ so với dịp Tết năm ngoái.
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt lũ và bão trong năm, các làng hoa, làng đào Nhật Tân và vườn quất Tứ Liên vẫn nỗ lực khôi phục sản xuất để kịp phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ 2025. Những cây đào và quất không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của Hà Nội mỗi dịp xuân về.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thi-truong-dao-quat-tet-tram-lang-du-nhu-cau-van-cao-182950.html