Thị trường dầu, vàng châu Á hướng đến tuần tăng thứ hai liên tiếp

Giá dầu tại thị trường châu Á hướng tới tuần tăng thứ hai liên tiếp giữa những dấu hiệu cho thấy nhu cầu cải thiện và dự trữ dầu cũng như nhiên liệu tại Mỹ sụt giảm.

Cơ sở dự trữ dầu thô ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ sở dự trữ dầu thô ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

*Giá dầu hướng đến tuần tăng thứ hai liên tiếp

Trong phiên giao dịch chiều 21/6,

giá dầu

tại thị trường châu Á giảm nhẹ. Song, dự kiến, giá mặt hàng này vẫn sẽ ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp giữa những dấu hiệu cho thấy nhu cầu cải thiện và dự trữ dầu cũng như nhiên liệu tại Mỹ sụt giảm. Hiện Mỹ là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Vào lúc 13 giờ 56 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng Tám giảm 18 xu xuống 85,53 USD/thùng, sau khi tăng 0,8% trong phiên trước; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn giảm 14 xu xuống 81,15 USD/thùng. Giá dầu đã tăng khoảng 5% kể từ đầu tháng lên mức cao nhất trong hơn bảy tuần.

Các nhà phân tích của ngân hàng Citi nhận định đà tăng nhu cầu theo mùa, xung đột tại Trung Đông và mùa mưa bão có thể là những nhân tố củng cố giá dầu trong mùa Hè. Số liệu của Chính phủ Mỹ công bố ngày 20/6 cho thấy nhu cầu dầu của nước này tăng 1,9 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 14/6 lên 21,1 triệu thùng/ngày.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy trong cùng tuần dự trữ xăng giảm 2,3 triệu thùng xuống 231,2 triệu thùng.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích tại ANZ Research cho biết các dấu hiệu nhu cầu mạnh mẽ hơn tại châu Á cũng thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.

*Giá vàng châu Á đi lên

Trong phiên giao dịch chiều 21/6, giá vàng tại thị trường châu Á hướng đến tuần tăng thứ hai liên tiếp, nhờ nhu cầu đối với các tài sản an toàn trước tình hình căng thẳng tại Trung Đông và đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Vào lúc 14 giờ 56 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.363,78 USD/ounce, sau khi tăng hơn 1% trong phiên trước. Tính từ đầu tuần đến nay, giá vàng đã tăng hơn 1%, sau khi tăng 1,7% trong tuần trước.

Nhà phân tích Kelvin Wong phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương tại công ty tài chính OANDA, nhận định trong ngắn hạn, động lực khiến vàng tăng giá chủ yếu là do căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là tình hình tại Trung Đông.

Bên cạnh đó, nhà phân tích Wong cho rằng thị trường đang tìm kiếm khả năng Mỹ hạ lãi suất sau tháng Chín. Kịch bản này có thể hỗ trợ giữ giá vàng trên mốc 2.300 USD/ounce.

Số liệu thống kê cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã giảm trong tuần trước, trong khi số nhà xây mới trong tháng Năm rơi xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm. Các thống kê trên kết hợp với doanh số bán lẻ ảm đạm trong tháng trước khiến Fed vẫn đang cân nhắc việc cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.

Các thị trường tài chính dự đoán sẽ có một hoặc nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay bất chấp quan điểm cứng rắn của các nhà hoạch định chính sách. Theo một số nhà quan sát, động lực tăng trưởng đang suy yếu dưới sức nặng của chi phí đi vay cao hơn.

Tại Việt Nam, chiều 21/6, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

*Chứng khoán châu Á đỏ sàn

Trong phiên chiều 21/6, các sàn chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ, sau khi nhóm cổ phiếu công nghệ dừng đà tăng trên Phố Wall.

Chốt phiên này, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 36,55 điểm (0,09%) xuống 38.596,47 điểm. Trong phiên 20/6, đà tăng của cổ phiếu Nvidia và các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) khác đã tạm dừng, khiến chỉ số công nghệ Nasdaq giảm sau bảy phiên tăng cao kỷ lục liên tiếp.

Công ty chứng khoán IwaiCosmo Securities cho biết bắt đầu phiên giao dịch chỉ số Nikkei đã tăng cao hơn, nhưng về cuối phiên, chỉ số này đã mất đà, đặc biệt là sau khi giá cổ phiếu của SoftBank Group lao dốc.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,30 điểm (0,24%) xuống 2.998,14 điểm, còn chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 306,80 điểm (1,67%) xuống 18.028,52 điểm.

Một loạt dữ liệu kém hơn dự báo của kinh tế Mỹ cung cấp thêm tín hiệu cho thấy nền kinh tế số một thế giới đang giảm tốc. Nhà kinh tế Bill Adams tại công ty dịch vụ tài chính Comerica (Mỹ) nhận định các chỉ số kinh tế trong quý II phần lớn cho thấy hoạt động kinh tế chậm lại. Số liệu về thị trường lao động và hoạt động kinh tế yếu đi củng cố kỳ vọng về khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong vài tháng nữa, với lần cắt giảm đầu tiên vào tháng Chín và lần cắt giảm thứ hai vào tháng Mười Hai.

Ngày 16/6, ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, cho rằng dự đoán Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay vào tháng 12/2024 là một "dự đoán hợp lý".

Trả lời phỏng vấn chương trình "Face the Nation" của đài CBS, ông Kashkari nhấn mạnh Fed cần có thêm bằng chứng để củng cố lập luận lạm phát đang trên đà giảm xuống mức 2%.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 0,28 điểm (0,02%) xuống 1.282,02 điểm. Còn chỉ số HNX-Index tăng 0,39 điểm (0,16%) lên 244,36 điểm.

Trà My (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-dau-vang-chau-a-huong-den-tuan-tang-thu-hai-lien-tiep/338161.html