Thị trường điện châu Á thu hút các quỹ đầu cơ
Theo một bài viết được đăng tải trên Tạp chí Bloomberg ngày 9/4, các quỹ đầu cơ đang thâm nhập vào thị trường điện ngày càng sôi động và biến động của khu vực châu Á, với mục đích bù đắp cho lợi nhuận đang giảm từ các mặt hàng chủ lực.

Thị trường điện châu Á hứa hẹn nhiều cơ hội cho các nhà giao dịch. Ảnh minh họa: Petrotimes.vn
Trong những năm gần đây, đại dịch COVID-19, sau đó là cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ra sự gián đoạn lớn trong nguồn cung năng lượng, cũng như lợi nhuận đối với các công ty giao dịch và quỹ đầu cơ.
Khi bản chất của sự biến động toàn cầu thay đổi, các nhà giao dịch đang tìm kiếm cơ hội ở nơi khác. Tại khu vực châu Á, thị trường điện ngày càng mang lại ý nghĩa.
“Các quỹ đầu cơ được điều hướng bởi nơi có sự biến động và nơi thị trường hoạt động tích cực hơn, bao gồm thị trường điện ở Nhật Bản và Australia”, bà Ailing Huang, Giám đốc Điều hành tại Công ty tuyển dụng Kerry Consulting có trụ sở tại Singapore, người đứng đầu hoạt động năng lượng và hàng hóa của công ty này cho biết.
Theo đó, Australia có một thị trường điện lớn và trưởng thành với tương đối ít đơn vị tham gia, và còn nhiều không gian dành cho những đơn vị mới.
Trong khi đó, hợp đồng năng lượng tương lai của Nhật Bản là hợp đồng điện tăng trưởng nhanh nhất theo Sàn giao dịch Năng lượng châu Âu - sàn giao dịch điện lớn nhất thế giới. Theo sàn giao dịch này, mặc dù khối lượng giao dịch vẫn nhỏ hơn nhiều so với các thị trường trưởng thành, chẳng hạn như Đức, nhưng các hợp đồng phái sinh (hợp đồng dựa trên giá trị của các tài sản cơ sở khác nhau) của Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần vào năm ngoái.
Ngoài ra, các giao dịch vật lý cũng quan trọng. Thị trường điện bán lẻ của Nhật Bản đã tự do hóa vào năm 2016, và kể từ đó đã thu hút nhiều đơn vị muốn tìm kiếm lợi nhuận.
Cũng theo bà Ailing Huang, các quỹ đầu cơ rất tích cực trong việc tuyển dụng nhân tài về giao dịch hàng hóa. Mặc dù vậy, “nguồn cung nhân tài đang thiếu hụt. Có rất nhiều chuyên gia trong các mặt hàng năng lượng thông thường, nhưng lại thiếu hụt trong giao dịch điện”, Giám đốc Điều hành của Kerry Consulting lưu ý.
Vào cuối năm 2024, Công ty quản lý đầu tư Jain Global của Mỹ đã tuyển dụng Giám đốc danh mục đầu tư Liam David tại Singapore để giao dịch thị trường điện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trader Vitol Group, gã khổng lồ Phố Wall Goldman Sachs và Công ty giao dịch Đan Mạch InCommodities nằm trong số các công ty khác gần đây đã có được giấy phép giao dịch hợp đồng điện vật lý tại Nhật Bản.
Cũng tại Nhật Bản, một liên doanh giữa Jera Global Markets – đơn vị mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới - và bộ phận giao dịch của Công ty năng lượng toàn cầu Electricite de France tuyên bố sẽ sáp nhập và tích hợp hoạt động trên thị trường điện tại Nhật Bản của 2 đơn vị này, với một nhóm công tác gồm 50 người sẽ hoạt động tại thủ đô Tokyo.
“Hoạt động giao dịch điện của Nhật Bản mang đến cơ hội tối ưu hóa và linh hoạt hơn trên toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng”, ông Justin Rowland, Giám đốc Điều hành của Jera Global Markets cho biết.