Thị trường đồ bảo hộ lao động: Đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người lao động
Đồ bảo hộ lao động được bán tại một cửa hàng ở phường 5, TP Tuy Hòa. Ảnh: KHANG ANH
Hiện thị trường đồ bảo hộ lao động bán rất chạy. Nhiều mẫu đồ, phụ kiện có chất lượng đáp ứng yêu cầu từng công việc khác nhau được các doanh nghiệp chọn mua để trang bị cho lao động tại cơ sở.
Nhiều loại hàng, giá không tăng
Phổ biến trên thị trường hiện nay là các bộ đồ bảo hộ lao động được may bằng chất liệu vải kaki, tuyết xi, kate dày với gam màu xanh đậm, nâu vàng, xám ghi, tím than, cam. Không chỉ thiết kế một màu đơn thuần mà các bộ đồ bảo hộ còn được thiết kế đan xen 2 đến 3 màu nhằm tạo điểm nhấn cho trang phục; hay thiết kế theo yêu cầu của từng cá nhân, đơn vị đặt mua, như có thể in tên công nhân, giới thiệu, quảng bá tên, thương hiệu của doanh nghiệp. Song, tùy vào chất liệu, kích cỡ mà giá quần áo bảo hộ lao động từ 160.000-320.000 đồng/bộ, còn đồ dành cho bảo vệ thì 200.000 đồng/bộ ngắn tay và 220.000 đồng/bộ dài tay.
Ông Đoàn Văn Thịnh, chủ một cửa hàng đồ bảo hộ lao động ở phường 3, TP Tuy Hòa cho biết: Thông thường, cửa hàng đưa ra các mẫu thiết kế sẵn để người mua có sự lựa chọn; hoặc người mua yêu cầu may theo mẫu riêng, có logo, tên công ty... Giá từng bộ quần áo thiết kế tùy thuộc vào mẫu, chất liệu mà khách lựa chọn; riêng với các mẫu quần áo may một màu theo kiểu dáng truyền thống thì có giá thấp hơn 50.000-150.000 đồng/bộ so với các mẫu thiết kế.
Tại các điểm bán, đa số sản phẩm bảo hộ được sản xuất tỉ mỉ, công phu, chắc chắn, có thể đáp ứng yêu cầu từng loại công việc khác nhau của người lao động. Ông Thịnh cho biết thêm: Nếu làm việc ở môi trường bình thường thì doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ sử dụng các loại đồ có vải dày vừa phải, mát; nhưng nếu công nhân làm việc ở các môi trường khắc nghiệt, độc hại thì vẫn có những bộ đồ bảo hộ chuyên dụng, có khả năng tăng tiện ích cho người mặc. Dạng đồ này có giá từ 540.000-800.000 đồng/bộ.
Ngoài những bộ quần áo bảo hộ dành cho lao động chuyên dụng, thông thường thì các loại phụ kiện bảo hộ đi kèm như: khẩu trang chống độc; giày thông thường, giày chống đinh; găng tay len, vải, cách điện, chống hóa chất; mũ; đai an toàn; kính mắt… cũng được bày bán đủ loại ở các cửa hàng. Chị Phạm Thị Luyến, nhân viên cửa hàng bảo hộ lao động Ngọc Minh (phường 5, TP Tuy Hòa) chia sẻ: Tùy theo từng công việc khác nhau, chúng tôi sẽ giới thiệu cho người mua các mẫu đồ, phụ kiện phù hợp. Giá bán mũ nhựa dành cho công nhân tầm 30.000-150.000 đồng/chiếc, giày vải/nhựa 160.000-370.000 đồng/đôi, giày ủng nhựa 90.000 đồng/đôi, găng tay 6.000-60.000 đồng/đôi tùy chất liệu. So với những năm trước, thị trường đồ bảo hộ lao động năm nay có nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng, nhiều bộ quần áo dành cho công nhân của các nhà sản xuất khác nhau, có cả hàng sản xuất trong nước lẫn nhập từ nước ngoài.
Không chỉ trang bị đồ bảo hộ cho công nhân trực tiếp làm việc mà các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn có nhu cầu mua các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy như quần áo chữa cháy, bình xịt… đề phòng khi cần. Theo các điểm bán, các loại bình xịt chữa cháy bằng khí hoặc bột đều bắt buộc có tem hợp quy (QR) được đơn vị chuyên ngành cấp thì mới được bán ra thị trường. Hiện loại bình xịt dạng bột 285.000-470.000 đồng/bình (loại 4-8kg), bình xịt dạng khí 365.000-830.000 đồng/bình (loại 3-5kg); riêng quần áo chữa cháy 450.000-950.000 đồng/bộ hoàn chỉnh...
An toàn cho người lao động
Theo Sở LĐ-TB&XH, công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp, xí nghiệp sản xuất… ngày càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về công tác này. Người sử dụng lao động cũng chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cải thiện vệ sinh môi trường, điều kiện làm việc và trang bị đồ bảo hộ lao động cho người lao động tại cơ sở.
Ông Ngô Đa Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Masan Brewery Phú Yên cho biết: Song song với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất, bảo vệ môi trường thì việc trang bị dụng cụ, đồ, phụ kiện bảo hộ lao động cho công nhân là không thể thiếu, đặc biệt trong môi trường làm việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như doanh nghiệp. Công việc này được công ty duy trì thực hiện định kỳ hàng năm, đảm bảo công nhân được bảo vệ trong quá trình làm việc, đáp ứng tiêu chí an toàn vệ sinh lao động trong toàn doanh nghiệp. Công ty cũng tuân thủ các quy định bắt buộc về đồ bảo hộ, thiết bị phòng chống cháy nổ… trong mọi thời điểm.
Anh Nguyễn Ngọc Tuyến, công nhân làm việc tại một công trình xây dựng nhà ở trên đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa) nói: Đặc thù công việc của tôi là làm ngoài nắng, tiếp xúc với đá, sắt nhiều nên đồ bảo hộ rất nhanh hư. Lúc mới vào làm, tôi được trang bị 2 bộ đồ bảo hộ, mũ, găng tay, dép rọ. Mới đây, mỗi công nhân chúng tôi được nhận thêm bộ nữa, nhờ vậy tôi cảm thấy an tâm, an toàn hơn khi làm việc ở công trình.
Theo Sở LĐ-TB&XH, các doanh nghiệp, xí nghiệp sản xuất… ngày càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về công tác này. Người sử dụng lao động cũng chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cải thiện vệ sinh môi trường, điều kiện làm việc và trang bị đồ bảo hộ lao động cho người lao động tại cơ sở.