Thị trường đồ chơi trẻ em trầm lắng

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, nhắc nhở chủ một cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Ảnh: KHÁNH QUỲNH

Ngày Quốc tế thiếu nhi đã đến gần, nhưng hiện tại các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em vẫn khá trầm lắng. Lo ngại ảnh hưởng hậu COVID-19, các tiểu thương không dám nhập hàng; người mua cũng thưa vắng.

Nỗ lực bán hàng tồn

Trong 5 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 227 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa; phát hiện 213 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đủ điều kiện lưu hành, hàng giả nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ. Qua đó, lực lượng chức năng đã xử lý 238 vụ; thu nộp ngân sách trên 1 tỉ đồng; tiêu hủy một lượng lớn hàng hóa trị giá trên 1,6 tỉ đồng, trong đó có nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em không đủ điều kiện lưu hành.

Dạo quanh các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Duy Tân, Nguyễn Trãi, chợ Tuy Hòa, không khó để thấy không khí mua bán khá trầm lắng, ế ẩm. Các chủ cửa hàng chỉ vừa khởi động trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài do dịch COVID-19 nhưng không mấy kỳ vọng.

Bà Lê Thị Kim Hoàng, chủ một cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa, bày tỏ: Mặc dù đã bỏ giãn cách xã hội khá lâu nhưng đến nay tôi cũng chưa thể trở lại kinh doanh bình thường. Dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của mỗi gia đình; cộng thêm việc học sinh bị rút ngắn thời gian nghỉ hè nên chẳng mấy người mua đồ chơi cho con. Hiện sức tiêu thụ đồ chơi trẻ em rất chậm.

Cửa hàng đồ chơi của ông Nguyễn Gia Bảo ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh cũng rất vắng khách. “Mọi năm tầm này, các khách quen lấy hàng rất nhiều nhưng năm nay không thấy khách mua sỉ. Gần như các cửa hàng đều đang cố gắng bán hết số hàng hóa tồn đọng do mấy tháng nghỉ kinh doanh. Bản thân tôi cũng không dám đặt hàng mới nhiều vì muốn giải quyết hết lượng hàng hóa còn tại kho”, ông Bảo nói.

Trước tình hình trên, một số siêu thị, cửa hàng gia tăng các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Các nhóm hàng được giảm giá mạnh là thực phẩm chức năng, sữa, quần áo thời trang, đồ dùng học tập, đồ chơi trí tuệ… dành cho thiếu nhi. Điển hình như tại siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, các loại đồ chơi trẻ em được giảm giá sâu đến 50%; mũ nón, quần áo thời trang trẻ em, đồ dùng học tập giảm 20-30%. Ngoài ra, các sản phẩm sữa tươi, sữa chua, thực phẩm chế biến cũng được giảm giá để kích thích sức mua hàng trong thời điểm này.

Ông Đỗ Đức Mạnh ở phường 6, TP Tuy Hòa, cho hay: Năm nay việc kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều nên thay vì mua đồ chơi cho con, tôi tặng bé đồ dùng học tập và quần áo mới, vừa làm quà Tết Thiếu nhi, vừa để chuẩn bị cho năm học sắp tới.

Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở

Theo ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện nay, bên cạnh một số cửa hàng, siêu thị kinh doanh các mặt hàng đồ chơi trẻ em đạt tiêu chuẩn thì vẫn còn nhiều sản phẩm không đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã bắt giữ rất nhiều vụ vận chuyển đồ chơi nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, có tính kích động, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển nhân cách của trẻ. Các loại đồ chơi này đều không có kiểm định, công bố chất lượng, đồng thời có nguy cơ gây tác động xấu đến trẻ em. Đặc biệt, ở nhiều nơi trong nước đã phát hiện một số dòng sản phẩm kém chất lượng có khả năng nhiễm độc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ; đồ chơi trẻ em kích động bạo lực hoặc lồng ghép những văn hóa phẩm đồi trụy, những thông tin xuyên tạc về chủ quyền biển đảo…

Do vậy, Cục Quản lý thị trường khuyến cáo phụ huynh, khi lựa chọn đồ chơi cho con trẻ, nên mua ở các địa chỉ có uy tín, hàng hóa phải có tem nhãn rõ ràng, có công bố hợp chuẩn, hợp quy, không nên mua các loại đồ chơi trôi nổi, không được kiểm soát trên thị trường. Đặc biệt, với một số loại đồ chơi thông minh, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu, kiểm tra nội dung trước khi cho trẻ sử dụng.

“Thời gian tới, cùng với việc tăng cường kiểm tra khâu lưu thông, lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở buôn bán, kinh doanh đồ chơi trẻ em đảm bảo các điều kiện kinh doanh, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, tem nhãn hợp quy. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ cương quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Huỳnh Trang nói.

KHÁNH QUỲNH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/240435/thi-truong-do-choi-tre-em-tram-lang.html