Thị trường đột ngột tăng kỳ vọng về khả năng Fed không cắt giảm lãi suất trong tuần này
Giá năng lượng tăng mạnh hôm thứ Hai đã giúp củng cố dự cảm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không vội vàng cắt giảm lãi suất.
Trong khi các thị trường vẫn thấy cơ hội về việc ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất cho vay qua đêm thêm 25 điểm cơ bản trong tuần này, tại cuộc họp Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), nhưng tỷ lệ ý kiến vẫn còn kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất đã thấp xuống.
Các nhà đầu tư trên thị trường sản phẩm phòng ngừa rủi ro biến động lãi suất của Fed hôm thứ Hai định giá tới 34% cơ hội Fed sẽ tiếp tục giữ lãi suất; trong khi khả năng này là 0% vào khoảng một tháng trước, và chỉ 5,4% một tuần trước, theo CME.
Thay đổi trên xảy ra trong bối cảnh các diễn biến kinh tế thay đổi, cũng như áp lực lạm phát gia tăng do dầu thô lên giá tới 14%. Lạm phát gia tăng khiến Fed có nhiều khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ, hoặc ít nhất là duy trì ở mức hiện tại hơn là cắt giảm lãi suất.
“Trong khi tác động đến lạm phát từ giá dầu tăng là nhỏ, thì việc tăng giá chung, kết hợp với các dấu hiệu cho thấy lạm phát lõi đang nóng lên, có thể khiến Fed khó giảm lãi suất hơn nữa”, Beth Ann Bovino, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Ratings, nói. “Họ có lý do nền tảng là lạm phát thấp - họ có thể cắt giảm lãi suất do lạm phát thấp. Nhưng nền tảng ấy đã được gỡ bỏ chưa?”
Dữ liệu kinh tế khởi sắc gần đây, với sự gia tăng niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng như doanh số bán lẻ, đã giúp thúc đẩy các quan điểm tích cực. Trong khi đó, những dấu hiệu tạm giảm căng thẳng trong cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung Quốc cũng góp phần quan trọng vào thay đổi này.
Và xu hướng lạm phát tăng, với giá tiêu dùng tăng 2,4% so với cùng kỳ, cộng với khả năng tăng giá dầu, đã hoàn thành một bức tranh mà Chủ tịch Fed Jerome Powell ít nhất có thể nhắc lại quan điểm của ông cho lần giảm lãi suất vừa qua rằng đây là “điều chỉnh giữa chu kỳ” chứ không phải là một phần của xu hướng nới lỏng lâu dài.
“Đã xong việc” với lãi suất
“Tôi không nghĩ trong khoảng thời gian gần đây Fed đã từng thay đổi hoàn toàn quan điểm, ít nhất trong một tháng hay vài tuần trước cuộc họp chính sách định kỳ”, Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư của Tập đoàn Leutkeep, nói. “Tôi vẫn nghĩ họ có thể giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, nhưng cơ hội trường hợp này là khá thấp”.
Dữ liệu kinh tế luôn ổn định hơn dự đoán của các chuyên gia kinh tế thị trường từ đầu tháng 6 đến nay, đẩy Chỉ số biến động kinh tế Citi lên mức cao nhất kể từ tháng hai. Paulsen cho biết trường hợp thay đổi lãi suất sẽ đưa đến một thách thức đối với Powell, khi tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách ông sẽ phải chứng minh lý do tại sao Fed thay đổi trong bối cảnh nền kinh tế cải thiện và chỉ số chứng khoán đạt gần tới mức cao kỷ lục.
“Bạn nên đưa ra một lập luận rất hợp lý rằng ‘chúng tôi đã xong việc’ với lãi suất”, Paulsen nói. “Hầu như các vấn đề kịch tính đã biến mất. Nhưng tôi nghĩ có thể có khá nhiều kịch tính trong chính buổi họp báo đó”.
Powell từng duy trì các phát ngôn mà thị trường không muốn nghe.
Vào tháng 10/2018, ông đã kích hoạt một đợt bán tháo khi nói rằng, sau một loạt các lần tăng lãi suất, Fed đã định hướng một cách lâu dài quan điểm trung lập về lãi suất, hàm ý cơ quan này có thể còn nhiều lần tăng lãi suất hơn nữa. Ông tiếp tục làm rung chuyển các thị trường vào tháng 12 khi nói rằng chương trình giảm bảng cân đối kế toán của Fed, vốn giúp thắt chặt các điều kiện tài chính, là điều hướng tự động.
Và thị trường đã bán tháo một lần nữa khi Powell vào tháng 7 gọi lần cắt giảm lãi suất gần nhất như một phần của việc điều chỉnh giữa chu kỳ, và đến nay quan điểm đó không có vẻ đã quá lạc hậu.
“Quan điểm đó của ông đến nay dường như sáng rõ hơn”, Paulsen nói.
Powell tự làm khó mình
Các thị trường sẽ theo sát các lưu ý của Powell, đồng thời cũng sẽ xem xét tuyên bố của Fed và mức độ đánh giá của các ngân hàng trung ương về diễn biến giá dầu tăng đột biến trong xu hướng kinh tế.
“Powell sẽ làm khó mình trong họp báo sau cuộc họp chính sách. Liệu ông có tiếp tục hàm ý việc cắt giảm lãi suất là điều chỉnh giữa chu kỳ đã kết thúc?”, Michael Arone, chiến lược gia đầu tư của State Street Global Advisors, nói.
Quan điểm của thị trường và của Fed về triển vọng lãi suất trong dài hạn thực sự đã đến gần nhau hơn trong những ngày gần đây. Nhưng, hai bên vẫn giữ khoảng cách nhất định, khi Fed có quan điểm việc cắt giảm lãi suất đã kết thúc, trong khi thị trường vẫn dự báo sẽ có thêm khoảng ba lần cắt giảm lãi suất trước khi chu kỳ kết thúc vào giữa năm 2021.
Sự phân đôi quan điểm đó khiến thị trường biến động theo các thông tin mới cập nhật. Arone coi tranh chấp Mỹ - Trung Quốc là chìa khóa cho những gì xảy ra phía trước.
“Thị trường dự báo sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong các quý tới hơn là khả năng Fed giữ lãi suất như hiện tại”, ông nói. “Các nhà đầu tư đã kết luận rằng nếu không có xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc thì có lẽ không có khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào thời điểm này”.