Thị trường fintech Việt Nam sẽ đạt mức 18 tỷ USD vào năm 2024
Số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam luôn tăng trưởng theo từng năm. Qua đó cho thấy, mặc dù còn non trẻ song thị trường fintech Việt Nam đang có nhiều triển vọng phát triển.
Tốc độ phát triển fintech của Việt Nam cao thứ hai tại Đông Nam Á. Theo thống kê từ 2016 đến nay, giá trị thị trường fintech tại Việt Nam tăng mạnh từ 0,7 tỷ USD lên tới 4,5 tỷ USD. Trong tương lai gần, với sự ủng hộ của các cơ quan chính phủ, cho tới năm 2024, thị trường fintech Việt Nam sẽ chạm mốc 18 tỷ USD, bất chấp cạnh tranh lớn và rào cản gia nhập thị trường cao.
Khối lượng giao dịch trên các nền tảng fintech thể hiện mức tăng 152,8% so với năm 2016, cùng với đó là 29,5 triệu người dùng fintech mới. Trên thực tế, sự gia tăng số lượng lớn người dùng fintech tại Việt Nam đồng nghĩa trong mỗi giây, có một người Việt Nam sử dụng ít nhất một dịch vụ fintech.
Các chuyên gia phân tích cho rằng 93% khoản đầu tư fintech ở Việt Nam đều hướng tới mảng ví điện tử và thanh toán điện tử. Kể từ năm 2016, tổng số lượng công ty fintech đã tăng lên 97, thể hiện mức tăng 84,5%. Dù vậy trước đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 11 startup mới thành lập ở mảng fintech. Đến nay, con số này giảm xuống còn 2 công ty.
Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam có 39 nhà cung cấp dịch vụ thanh toán được cấp phép, với 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, ZaloPay và ViettelPay. Mặc dù tỷ trọng các công ty fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán đã giảm so với toàn thị trường nhưng với việc chiếm tới 31% trên tổng số lượng doanh nghiệp hiện có, đây vẫn được coi là lĩnh vực chủ đạo.
Tiếp nối ngay sau đó là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng chiếm 17% và blockchain/ cryptocurrency chiếm 13%. Đây là 2 phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất với số lượng công ty hoạt động tăng từ ít hơn 5 doanh nghiệp vào năm 2017 lên hơn 15 doanh nghiệp trong năm 2020.
Xét về đối tượng phục vụ, các công ty fintech tại Việt Nam có thể được chia thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là các giải pháp phục vụ người dùng; nhà đầu tư cá nhân, cung cấp công cụ kỹ thuật số để cải tiến; nâng cao trải nghiệm cho các nhu cầu giao dịch thanh toán, vay tiêu dùng hay đầu tư…
Phần lớn các công ty trong lĩnh vực fintech ở Việt Nam đang hoạt động trong nhóm thứ nhất. Nhóm còn lại ít sôi nổi hơn là các công ty thuộc dạng "back-office", hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính; tổ chức phát hành; đại lý phân phối.
Về sản phẩm và dịch vụ, thị trường được chia nhỏ ra thành nhiều phân khúc, tiêu biểu như: thanh toán (payment), ngân hàng số (digital banking), cho vay ngang hàng (P2P lending), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), công nghệ bảo hiểm (Insurtech), đầu tư và quản lý tài sản (retail investment & wealth management), blockchain/ cryptocurrency…
Ngành công nghiệp fintech (công nghệ tài chính) ở Đông Nam Á tiếp tục phát triển vượt bậc so với các khu vực khác trên thế giới. Hiện tại, Singapore được xem là quốc gia phát triển nhất về fintech tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, các quốc gia khác cũng đang tăng tốc, đặc biệt là khi các cơ quan quản lý cũng ủng hộ sự đón nhận fintech. Các giải pháp fintech phổ biến nhất tại Đông Nam Á có thể kể đến thanh toán số và ví điện tử.
Không chỉ các công ty fintech, các ngân hàng trong khu vực cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ để duy trì được vị thế trên thị trường. Thực tế, sự phát triển của ngân hàng số cũng là yếu tố thúc đẩy ngành fintech phát triển.