Thị trường gọi xe Việt hết thế chân kiềng?
Sự tham gia của Bolt, ứng dụng gọi xe phổ biến tại châu Âu và châu Phi liệu có thể thay đổi cục diện thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam hiện tại?
Nhân tố làm mới thị trường gọi xe
Sau sự ra đi của Gojek, Baemin, lĩnh vực gọi xe Việt Nam là cuộc chơi của ba thương hiệu lớn gồm Grab, Xanh SM và Be.
Đây được ví như thế "chân kiềng", khi thị phần ba ứng dụng gọi xe này đang chiếm tổng cộng hơn 85% dung lượng thị trường.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (Ấn Độ), thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm ngoái ước đạt 880 triệu USD và dự kiến sẽ đạt quy mô 2,16 tỷ USD vào 2029, với tốc độ tăng trưởng 19,5% mỗi năm.
Với "miếng bánh" ngày càng nở ra, khi gọi xe dần trở thành một nhu cầu thiết yếu, Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các tay chơi ngoại. Gần đây, Bolt, một ứng dụng gọi xe tại thị trường châu Phi và châu Âu đang rục rịch tuyển nhân sự làm việc tại TP.HCM.
Cụ thể, trên trang Linkedin, Bolt tuyển dụng hai vị trí là chuyên gia vận hành và chăm sóc khách hàng, nhằm sớm ra mắt ứng dụng gọi xe tại Việt Nam nhưng không tiết lộ thời điểm chính xác.
Trước Việt Nam, Bolt đã hiện diện tại thị trường Thái Lan từ năm 2020 và được hậu thuẫn bởi Daimler và Didi Chuxing của Trung Quốc. Tại đây, hãng thực hiện chiến lược không thu hoa hồng từ tài xế, đồng thời cam kết giá cước thấp hơn 20% so với đối thủ. Chiến lược gây trở ngại không nhỏ cho những ông lớn như Grab hay Gojek.
Tháng 8 năm ngoái, Bolt tiến vào thị trường Malaysia tại hai thành phố Klang Valley và Kuala Lumpur. Ban đầu, hãng chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe, nhưng dự kiến có thể mở rộng dần thêm các dịch vụ khác như giao hàng, giao đồ ăn…
Đường tới đế chế tỷ đô
Bolt, trước đây được biết đến với tên gọi Taxify, là một câu chuyện đầy cảm hứng về sự sáng tạo và chiến lược khôn ngoan trong lĩnh vực gọi xe công nghệ.
Bolt được thành lập vào năm 2013 tại Estonia, bởi nhà sáng lập Markus Villig khi anh này mới chỉ 19 tuổi. Bolt nhanh chóng định hình mình không chỉ là đối thủ của Uber, mà còn là một người thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực gọi xe.
Ngay từ những ngày đầu, Bolt đã chọn hướng đi khác biệt, thay vì lao vào cạnh tranh tại các thị trường lớn như Mỹ, Anh, Bolt tập trung vào các thị trường nhỏ hơn ở châu Âu và châu Phi. Đây là những khu vực mà các công ty lớn thường bỏ qua, nhưng lại có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ dân số trẻ, nền kinh tế đang phát triển.
Ví dụ, tại châu Phi, nơi phần lớn người dân chưa có phương tiện di chuyển tiện lợi, Bolt đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu nhờ dịch vụ thân thiện và chi phí thấp. Trong khi đó, ở các quốc gia Đông Âu như Hungary, Croatia hay Romania, Bolt tận dụng sự hiểu biết địa phương và mức hoa hồng thấp để thu hút tài xế và khách hàng.
Đến nay, Bolt đã mở rộng ra hơn 50 quốc gia, phục vụ hơn 100 triệu người dùng. Công ty cung cấp đa dạng các dịch vụ từ gọi xe, giao đồ ăn, cho thuê xe, đến các giải pháp giao hàng. Riêng trong lĩnh vực gọi xe, Bolt hiện có hơn 3 triệu tài xế hoạt động.
Hiện tại, công ty này được định giá hơn 8 tỷ USD khi huy động được 628 triệu euro từ các nhà đầu tư vào tháng 1/2022. Với nguồn vốn này, Bolt tiếp tục mở rộng và cải thiện dịch vụ, đầu tư vào các công nghệ thân thiện với môi trường như xe điện.
Một trong những yếu tố giúp Bolt giữ vững vị trí trong cuộc đua là mức hoa hồng thấp. Trong khi Uber thu 20-25% hoa hồng từ tài xế, Bolt chỉ lấy 10-15%, tạo sự hấp dẫn lớn cho những người tham gia hệ thống.
Bí quyết thành công của Bolt
Đường đến tỷ USD của Bolt gắn liền với tên tuổi nhà sáng lập Markus Villig. Bắt đầu từ một ý tưởng giản dị, xây dựng ứng dụng gọi xe cho người dân Estonia, Villig đã biến Bolt thành một trong những công ty công nghệ tư nhân lớn nhất châu Âu.
Markus Villig khi đó sử dụng hơn 5.500USD vay từ cha mẹ, rồi tự mình đảm nhiệm mọi thứ, từ lập kế hoạch kinh doanh, phát triển ứng dụng đến việc tuyển dụng tài xế. Anh và anh trai thậm chí đã đến từng bến xe buýt để thuyết phục tài xế tham gia ứng dụng.
Villig tiết lộ rằng, bí quyết thành công ban đầu của Bolt nằm ở việc tập trung vào sự tiết kiệm và tối ưu hóa chi phí. Công ty không đặt trụ sở tại các thành phố đắt đỏ như London hay San Francisco, mà chọn Tallinn, nơi có chi phí thấp hơn nhiều nhưng lại không thiếu nhân tài. Đội ngũ kỹ sư của Bolt làm việc tại Estonia và Romania, giúp công ty giảm đáng kể chi phí vận hành.
Bên cạnh đó, Markus Villig cũng luôn duy trì tư duy linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh chiến lược để phù hợp với từng thị trường. Khi bước vào châu Phi, Bolt không chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe thông thường mà còn điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu địa phương, chẳng hạn như triển khai xe máy và xe ba bánh tại Nigeria hay Kenya.
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi nhu cầu gọi xe giảm mạnh, Bolt nhanh chóng mở rộng sang lĩnh vực giao đồ ăn và dịch vụ giao hàng. Tốc độ xoay chuyển nhanh chóng này không chỉ giúp công ty duy trì hoạt động mà còn mở rộng tệp khách hàng.
Villig tin rằng sự hài lòng của tài xế chính là yếu tố then chốt. Bằng cách giữ mức hoa hồng thấp và cung cấp các chính sách hỗ trợ linh hoạt, Bolt đã thu hút được số lượng tài xế đáng kể, ngay cả ở những thị trường mà Uber từng thống trị.
Về phía khách hàng, Bolt sử dụng chiến lược giá rẻ và sự tiện lợi để giữ chân người dùng. Ở nhiều thành phố, Bolt rẻ hơn Uber từ 10-20%, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn.
Nhà sáng lập Markus Villig từng không giấu tham vọng biến Bolt thành công ty dẫn đầu về công nghệ. Công ty đã triển khai các chương trình xe điện tại châu Âu, đồng thời cam kết giảm thiểu lượng khí thải carbon từ hoạt động của mình. Với tầm nhìn này, Bolt không chỉ là một ứng dụng gọi xe mà còn hướng tới là một biểu tượng của sự phát triển bền vững trong ngành.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/thi-truong-goi-xe-viet-het-the-chan-kieng-d38606.html