Thị trường Halal 7.000 tỷ USD: Tiềm năng và cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Ước tính, thị trường Halal toàn cầu có giá trị 7.000 tỷ USD mỗi năm và ngày một tăng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường này.

Thị trường Halal - cơ hội cho doanh nghiệp

Sáng 31/5/2024, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của Doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh và Cục Xúc tiến thương mại Malaysia tổ chức.

Sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo.

Đại biểu tham dự Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của Doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo”- (Ảnh: Thanh Minh)

Đại biểu tham dự Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của Doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo”- (Ảnh: Thanh Minh)

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) khẳng định, Việt Nam - Malaysia còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Nếu như năm 2011, Việt Nam chỉ là đối tác thương mại thứ 14 của Malaysia với tổng kim ngạch đạt 7,2 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của Malaysia, với giá trị xuất khẩu đạt 3,82 tỷ USD.

Đến năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Malaysia đạt 12,67 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 4,86 tỷ USD. Hai nước đang nỗ lực đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD vào năm 2030.

Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh).

Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh).

Malaysia hiện là thị trường nhập khẩu tiềm năng của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,9 tỷ USD. Riêng TP. Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Malaysia đạt 178,782 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Đào Minh Chánh, hợp tác giao thương với Malaysia trong chế biến và xuất khẩu thực phẩm Halal sẽ giúp Việt Nam không chỉ khai thác được thị trường Malaysia mà còn mở rộng xuất khẩu sang các nước Trung Đông đầy tiềm năng cũng như thâm nhập thị trường Halal toàn cầu.

Đặc biệt, ngành công nghiệp Halal hiện đang phát triển mạnh mẽ với khoảng 2 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới, đây là cơ hội để sản phẩm gia cầm Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal từ sản xuất đến phân phối đang trở thành xu hướng quan trọng, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong năm 2024, ngành công nghiệp Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi. Các xu hướng Halal năm 2024 sẽ góp phần định hình lại môi trường kinh doanh Halal toàn cầu tạo ra cơ hội mới song cũng đòi hỏi các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới.

Với xu hướng xây dựng chuỗi giá trị Halal, thị trường Halal đang chuyển dịch từ tư duy chỉ quan tâm tới sản phẩm Halal sang xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng Halal. Theo đó, các tiêu chuẩn Halal cần được mở rộng kiểm soát từ nguồn đến nơi người tiêu dùng mua hàng như các nhà bán lẻ, nhà hàng, mua sắm trực tuyến.

Ông Firdauz Othman, Tổng lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh)

Ông Firdauz Othman, Tổng lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh - (Ảnh: Thanh Minh)

Chia sẻ tại hội thảo, ông Firdauz Othman, Tổng lãnh sự - Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh bày tỏ, chương trình hôm nay, sẽ đánh dấu một bước ngoặc mới cho thị trường Halal tại Việt Nam. Ngày nay, tiêu chuẩn Halal đã được toàn cầu chấp nhận trên phạm vi toàn cầu.

Theo ông Firdauz Othman, thị trường Halal đã không ngừng phát triển để đáp ứng được nhu cầu ngày một lớn của dân số Hồi giáo trên thế giới. Dựa vào chỉ số kinh tế Hồi giáo toàn cầu (GIE), dân số Hồi giáo được dự đoán sẽ tăng từ 1,8 tỷ người vào năm 2017 lên con số 3 tỷ người vào năm 2060. Và thị trường khổng lồ này bao gồm rất nhiều lĩnh vực như: Thực phẩm và đồ uống, tài chính, thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch và giải trí.

Riêng về mảng thực phẩm Halal là thị trường đang phát triển với tốc độ rất nhanh, nó được dự báo sẽ đạt giá trị hàng nghìn tỷ USD vào năm 2030. Thị trường này được tăng trưởng bởi sự phát triển dân số Hồi giáo toàn cầu cũng như nhu cầu về các sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Điều này đã mang đến những cơ hội to lớn cho nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam có thể tiếp cận một cách chủ động đến thị trường Halal.

Rào cản hạn chế doanh nghiệp tiếp cận thị trường Halal

Để các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về thị trường Halal, cũng như tiềm năng… tại hội thảo, ông Mohd Firdaus Mohammad - Phó Lãnh sự thương mại, Thương vụ Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh và các chuyên gia từ cộng đồng Hồi giáo đã cập nhật tổng quan thị trường, chia sẻ những quy định, tiêu chuẩn, cách thức xin cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm này, đồng thời giải đáp những vấn đề thắc mắc liên quan mà doanh nghiệp quan tâm.

TS. Phú Văn Hẳn - Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ - (Ảnh: Thanh Minh)

TS. Phú Văn Hẳn - Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ - (Ảnh: Thanh Minh)

Chia sẻ kinh nghiệm để doanh nghiệp Việt Nam đạt được các chứng nhận Halal, TS. Phú Văn Hẳn - Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ - cho biết, trên phạm vi toàn cầu, thị trường này có trị giá 7.000 tỷ USD, ước tính đạt 10.000 tỷ USD vào năm 2028. Đây là thị trường có quy mô to lớn và ngành công nghiệp Halal không chỉ giới hạn ở các sản phẩm thực phẩm mà hiện đã bao gồm dược phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm y tế, đồ vệ sinh cá nhân, thiết bị y tế...

Mặc dù thị trường này đầy tiềm năng và cơ hội nhưng để tiếp cận và thâm nhập vào thì doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức cần phải vượt qua. Vì thị trường Halal được đánh giá là khó tính khi các sản phẩm của thị trường này luôn gắn liền với những quy định đặc thù và nghiêm ngặt của Islam.

Do đó, rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam trước hết đến từ sự hiểu biết chưa đầy đủ về văn hóa Islam, nhất là những vấn đề, nội dung liên quan đến các khía cạnh về văn hóa tiêu dùng, kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp thường gặp vấn đề về nuôi trồng đến chế biến, bảo quản và mẫu mã, thương hiệu sản phẩm chưa phù hợp với văn hóa Islam và không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Halal.

 Thị trường Halal toàn cầu sẽ mang lại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm và ngày một tăng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam - (Ảnh: Thanh Minh)

Thị trường Halal toàn cầu sẽ mang lại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm và ngày một tăng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam - (Ảnh: Thanh Minh)

TS. Phú Văn Hẳn lưu ý, điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này đó là doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải có chứng nhận Halal được xác thực bởi các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hoạt động chứng thực này trên thế thế giới và cả tại Việt Nam đang gặp một số khó khăn, vướng mắc đáng kể.

Hiện nay, chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng với tất cả các nước trên toàn cầu. Ngoài ra, tuy có nhiều tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, nhưng quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức không thống nhất. Việc nhiều tổ chức cấp chứng nhận với các yêu cầu khác nhau giữa các quốc gia, cùng nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho từng sản phẩm đã làm tăng sự phức tạp và thách thức trong sản xuất, kinh doanh, gây trở ngại lớn đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm Halal của các doanh nghiệp Việt Nam.

Riêng tại Việt Nam, các doanh nghiệp thấy khó khăn đối với việc đạt được chứng nhận Halal khi các tiêu chuẩn và quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận luôn nghiêm ngặt, thêm vào đó các chứng nhận lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả các mặt hàng.

TS. Phú Văn Hẳn cũng cho thêm, điều tiên quyết là doanh nghiệp cần hiểu rõ và nắm vững các tiêu chuẩn Halal do tổ chức chứng nhận mà doanh nghiệp lựa chọn. Tiêu chuẩn bao gồm các yêu cầu khắt khe về nguyên liệu, quy trình sản xuất, hệ thống quản lý và các khía cạnh khác liên quan đến sản phẩm và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, nguyên liệu sản xuất phải được phép sử dụng theo luật Hồi giáo và quy trình sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tuân thủ các nguyên tắc của thị trường này.

Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn Halal, bao gồm các quy trình kiểm soát nguyên liệu đầu vào, sản xuất, lưu kho, vận chuyển và phân phối sản phẩm, đòi hỏi doanh nghiệp cân nhắc và lựa chọn tổ chức phù hợp với nhu cầu, thị trường mục tiêu và năng lực (tài chính và điều kiện của mình) đáp ứng chứng nhận.

Ngoài ra, để duy trì chứng nhận Halal, doanh nghiệp cần thực hiện việc kiểm tra định kỳ hệ thống quản lý, cập nhật các thay đổi trong quy trình sản xuất hoặc hệ thống quản lý, tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng về kiến thức Halal, hợp tác chặt chẽ với tổ chức chứng nhận để giải quyết vấn đề phát sinh.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm và hoạt động kinh doanh đều tuân thủ đúng các yêu cầu. Vi phạm các quy định về Halal có thể dẫn đến việc bị thu hồi chứng nhận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên cập nhật các thay đổi về tiêu chuẩn để đảm bảo tuân thủ và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu Halal.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-halal-7000-ty-usd-tiem-nang-va-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-323444.html