Thị trường Halal: Nhiều cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu

Thị trường Halal (với các sản phẩm dành cho người Hồi giáo) có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ USD song còn rất mới mẻ với doanh nghiệp Việt Nam.

Với nhiều lợi thế về nguồn hàng, Halal được đánh giá là động lực cho xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp và đối tác trao đổi về sản phẩm Halal dùng cho xuất khẩu. Ảnh: Hà Thư

Các doanh nghiệp và đối tác trao đổi về sản phẩm Halal dùng cho xuất khẩu. Ảnh: Hà Thư

Thị trường mới mẻ

Dù nắm rõ tiềm năng của thị trường Halal, song đến nay Công ty cổ phần Đầu tư DDA Việt Nam (trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội), doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm hữu cơ, mới bắt đầu bước chân vào thị trường này.

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, đại diện DDA Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang hoàn thiện giấy phép Halal để xuất khẩu sản phẩm canxi hữu cơ từ vỏ trứng gà sang các nước Trung Đông.

DDA Việt Nam là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cơ hội tại thị trường Halal. Theo thống kê, gần 60 tỉnh, thành phố nước ta có các sản phẩm xuất khẩu đưa vào thị trường Halal toàn cầu nhưng chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận. Với những quy định ngặt nghèo của tiêu chuẩn Halal, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là nông sản, nguyên liệu đầu vào cho một số ngành. Do đó, Việt Nam có vị trí khá khiêm tốn trên bản đồ các nhà cung ứng sản phẩm này. Đồng thời, thị trường Halal vẫn rất mới mẻ với nhiều doanh nghiệp trong nước dù Việt Nam có những lợi thế về nguồn nguyên liệu và vị trí địa lý.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Nguyễn Minh Phương nhận định, thị trường Halal toàn cầu hiện có tiềm năng rất lớn với 25% dân số thế giới là người Hồi giáo cùng tổng trị giá trao đổi các sản phẩm Halal ước đạt 2.300 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng. Các sản phẩm được tiêu thụ mạnh gồm thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang... So với các sản phẩm thông thường, giá sản phẩm Halal thường cao hơn từ 5% đến 10% và những người tiêu dùng mong muốn sử dụng sản phẩm Halal sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm này.

Theo các chuyên gia, để xuất khẩu thực phẩm và nông sản sang thị trường Halal, các doanh nghiệp cần phải có chứng chỉ Halal. Tuy nhiên, hiện nay, các chứng nhận Halal rất đa dạng, với các yêu cầu riêng của từng thị trường. Bên cạnh đó là rào cản từ phía doanh nghiệp Việt Nam khi chưa hiểu nhiều về văn hóa tiêu dùng, kinh doanh của các nước Hồi giáo, dẫn tới tâm lý e ngại. Các doanh nghiệp cũng chưa đầu tư bài bản cho sản phẩm, hàng nông sản Việt Nam chưa tạo được thương hiệu mạnh...

Tập trung khai thác hiệu quả, dài hạn

Chuyên gia tư vấn xây dựng chất lượng thực phẩm Halal Lê Châu Hải Vũ cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu để có hiểu biết sâu sắc về xu hướng thị trường. Trong đó, chủ doanh nghiệp cần hiểu đúng về tôn giáo, nắm rõ văn hóa kinh doanh, tiêu dùng và thị hiếu, đáp ứng các tiêu chuẩn đặc thù về bao bì và quảng cáo sản phẩm.

Còn Tham tán Thương mại Việt Nam tại Saudi Arabia Trần Trọng Kim khuyến nghị, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường, các quy định của nước sở tại về quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp chủ động gửi mẫu sản phẩm quảng bá, trưng bày tại Thương vụ và Đại sứ quán cũng như tham gia đoàn xúc tiến thương mại sang địa bàn để kết nối trực tiếp với đối tác. Saudi Arabia và các nước Trung Đông đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Những sản phẩm thân thiện với môi trường được đánh giá cao và đang có nhu cầu lớn trong thời gian tới… Thương vụ đề nghị doanh nghiệp tăng cường tìm các đầu mối nhập khẩu hàng hóa mà không đi qua khu vực Biển Đỏ để tránh những rủi ro.

“Khi giao dịch với doanh nghiệp nhập khẩu tại khu vực này cần ký hợp đồng thanh toán theo hình thức thư tín dụng LC, có đặt cọc. Doanh nghiệp không trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến chi phí môi giới hợp đồng, phí phát hành hóa đơn vì đây là hành vi lừa đảo phổ biến”, ông Trần Trọng Kim cảnh báo.

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Halal. Bên cạnh đó, nguồn lực từ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia cũng là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại với thị trường sản phẩm Halal.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thương Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, với chiến lược phát triển ngoại thương của mình, Việt Nam nên tập trung khai thác một cách hiệu quả và dài hạn thị trường Halal. Thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần có những chỉ dẫn cụ thể hơn với doanh nghiệp như thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Halal. Mặt khác, các bộ, ngành cần tăng cường đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do với các thị trường Halal để mở đường về pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thuận tiện hơn. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm đối tác, trong đó các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy vai trò thông tin tình hình thị trường, có chỉ dẫn doanh nghiệp đi sâu vào các thị trường, xây dựng các trang web nhằm giới thiệu tiềm năng hàng hóa Việt Nam và mời gọi bằng các ngôn ngữ của chính các nước trong thị trường Halal…

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thi-truong-halal-nhieu-co-hoi-cho-hang-viet-xuat-khau-673362.html