Thị trường hàng hóa dịp trong, sau Tết Nguyên đán Canh Tý ổn định
Năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi cùng áp lực tình hình tăng giá dịp Tết Nguyên đán nhưng diễn biến thị trường dịp trước, trong và sau Tết được kiểm soát. Hoạt động kinh doanh, buôn bán trong và sau Tết đi vào nề nếp hơn, đặc biệt là giá cả thị trường ít biến động.
Kể từ mồng 6 Tết, hoạt động giao thương tại chợ dân sinh Nghĩa Phương (TP Hòa Bình) trở lại bình thường.
Nhiều dịch vụ ăn uống, giải trí, chợ dân sinh hoạt động xuyên Tết
Đây có lẽ là sự khác biệt nhất so với các dịp Tết Nguyên đán trước đây, bởi ngay từ sáng mồng 1 Tết, nhiều cửa hàng, điểm kinh doanh và một số tiểu thương các chợ đã mở hàng.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại TP Hòa Bình, hàng chục quán ăn chuyên phục vụ bữa sáng trên trục đường Cù Chính Lan, đại lộ Thịnh Lang đã mở bán ngay từ sáng sớm mồng 1 Tết, chủ yếu hàng bún, phở. Theo chủ quán phở gà Lạc Sơn tại khu vực ngã 5, tổ 1, phường Tân Thịnh thì năm nay mồng 1 Tết Canh Tý là ngày tốt để mở hàng. Mặt khác, hàng quán mở sớm để phục vụ cho những khách hàng có thói quen ăn sáng bên ngoài với những món không bị ngán ngày Tết. Từ mồng 3 Tết trở đi, hàng ăn hoạt động trở lại và khách đến đông không kém ngày thường.
Tương tự, nhiều địa chỉ quán cà phê, giải khát, điểm dịch vụ vui chơi, giải trí quanh TP Hòa Bình và trung tâm các huyện cũng mở cửa xuyên Tết Canh Tý. Một số địa chỉ đưa ra chương trình hấp dẫn dành tặng cho khách hàng như lì xì Tết trong suốt tháng giêng. Nhiều điểm bán cà phê, giải khát có lịch phục vụ khách tất cả các chiều trong ngày, từ mồng 1 - 3 Tết và mở bán theo lịch ngày thường từ mồng 4 Tết (từ 7 - 23h). Theo anh Nguyễn Hải, quản lý tại Karaoke Tân Anh, đường Lê Thánh Tông, phường Tân Thịnh, với những nghề dịch vụ mang tính chất đặc thù mong muốn phục vụ khách chu đáo vào tất cả các ngày trong năm. Vì thế, quán sắp xếp nhân viên luân phiên trực, nghỉ Tết để đảm bảo nhân viên có thời gian nghỉ và vẫn phục vụ khách tốt nhất.
Bên cạnh đó, hoạt động của nhiều chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh cũng tấp nập ngay từ những ngày đầu năm mới. Từ chiều mồng 1 Tết, các tiểu thương chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống (thịt, cá), rau xanh các loại đã mở hàng.
Giá cả thị trường ít biến động
Các điểm kinh doanh thương mại, dịch vụ hoạt động sớm và xuyên Tết đảm bảo cung ứng nhu cầu nhu yếu phẩm của người dân dịp trong và sau Tết không bị gián đoạn, góp phần ổn định nguồn cung thị trường. Bên cạnh phương châm phục vụ khách chu đáo hơn, nhiều nhà hàng, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí không tăng giá dịp Tết để thu hút đông thực khách, du khách.
Tại các chợ dân sinh dịp trong Tết, giá các loại thực phẩm bán chạy diễn biến như sau: Thịt bò giá dao động 280.000 - 300.000 đồng/kg; cá trắm sông (3 - 5,5 kg/con) giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg; gà ta 150.000 - 160.000 đồng/kg. Đối với mặt hàng rau, củ, quả các loại, rau cải, muống, mồng tơi 10.000 đồng/bó, cà chua, cà rốt, bí xanh giá 25.000 đồng/kg. Một số loại thực phẩm dùng cho món lẩu tăng giá khoảng 1,5 - 2 lần so với ngày thường nhưng mang tính thời điểm. Trên thị trường không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá bán quá mức. Ngay sau mồng 6 Tết, khi các chợ trở lại hoạt động bình thường, giá cả hầu hết các loại thực phẩm, rau, củ, quả đã ổn định hơn, rau xanh trở về mức giá 5.000 - 6.000 đồng/bó, cà chua, cà rốt, bí xanh dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, giá một số thực phẩm tươi sống như thịt bò, lợn, gà giảm nhẹ so với trước Tết...
Đồng chí Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), với việc triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn, thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết tiếp tục được điều tiết ổn định, lượng hàng hóa dồi dào, đảm bảo cung ứng, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đón Tết, vui xuân. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 ước tăng 1,02% so với tháng 12/2019.