Thị trường hàng hóa hôm nay 10/1: Giá dầu tăng khi Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu sắt thép phục hồi
Thị trường hàng hóa hôm nay 10/1, giá dầu tăng nhẹ khi Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu sắt thép phục hồi.
Giá dầu thô tăng nhẹ
Thống kê của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá dầu thô WTI tăng 1,17% lên 74,63 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,37% lên 79,65 USD/thùng.
Thị trường dầu phản ứng rất tích cực với tin tức nhà tiêu thụ số một thế giới ban hành một đợt hạn ngạch mới lên tới 111,82 triệu tấn cho các nhà nhập khẩu dầu. Tính đến tuần này, Trung Quốc đã ban hành tổng cộng 132 triệu tấn dầu thô nhập khẩu trong hai hạn ngạch riêng biệt cho năm 2023, cao hơn so với mức 109 triệu tấn của năm ngoái.
Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu được dự báo sẽ cải thiện ít nhiều trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán sắp tới. Việc tháo gỡ chính sách “Zero Covid” đã châm ngòi cho sự phục hồi của thị trường du lịch hàng không nội địa lớn nhất thế giới, với lượng đặt chỗ Tết Nguyên đán có thể sẽ cao nhất trong ba năm. Các quan chức cũng ước tính số lượng chuyến đi trong kỳ nghỉ lễ sẽ đạt 2,1 tỷ chuyến, cao gấp đôi so với năm ngoái, nhưng vẫn chỉ bằng 70% của năm 2019.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ thực sự hồi phục mạnh mẽ từ quý II, khi số ca nhiễm đã đạt đỉnh và các hoạt động sản xuất, xây dựng được khôi phục trở lại.
Bên cạnh các thông tin tích cực từ Trung Quốc, sức mua cũng gia tăng mạnh mẽ trên thị trường dầu trước sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index lại lao dốc về 103 điểm, mức thấp nhất trong vòng 6 tháng mới. Sau khi các số liệu kinh tế của tuần trước cho thấy áp lực lạm phát giảm bớt, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất về 25 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối tháng này. Các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ cũng đang dự đoán mức đỉnh lãi suất giảm về dưới 5% thay vì 5,06% như trước đó.
Về phía Nga, loại dầu thô Urals hàng đầu của nước này đang phải bán với giá chiết khấu lên tới 50% so với dầu Brent do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của khối G7, và áp lực giảm giá để cạnh tranh với các lô hàng từ Trung Đông khi bán cho các đối tác Châu Á.
Trong khi đó, Kuwait, đang lên kế hoạch tăng cường xuất khẩu dầu diesel và nhiên liệu hàng không sang châu Âu trong năm nay, để bù đắp cho khoảng trống mà Nga để lại. Cụ thể, quốc gia Trung Đông này dự kiến sẽ tăng các lô hàng dầu diesel đến châu Âu lên 2,5 triệu tấn, cao gấp 5 lần so với năm 2022, và tương đương khoảng 50,000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, giá dầu không thể đóng cửa ở mức cao nhất phiên vì vẫn có lo ngại sẽ có một đợt bùng phát dịch Covid-19 trong dịp lễ sắp tới. Những lo ngại đó được phản ánh trong cấu trúc giá bù hoãn mua của thị trường dầu mỏ, bởi cả hợp đồng dầu thô Brent và dầu thô WTI đều đang được giao dịch cao hơn giá trên thị trường hàng vật chất.
Giá đồng lần đầu vượt mốc 4 USD/pound sau gần 6 tháng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/01, phần lớn các mặt hàng kim loại cơ bản đón nhận lực mua tích cực, trong khi nhóm kim loại quý biến động nhẹ. Đối với nhóm kim loại quý, giá vàng kết phiên với mức tăng 0,32% lên 1871,59 USD/ounce. Trong khi giá bạc và bạch kim giảm lần lượt ở các mức 0,46% xuống 23,87 USD/ounce và 0,58% xuống 1086,3 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đang cho thấy sự thận trọng khi cân nhắc phân bổ dòng tiền giữa thị trường rủi ro và thị trường an toàn. Dữ liệu lao động cuối tuần trước cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương chậm lại đang làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất với các mức nhỏ hơn. Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group, đang có khoảng 79% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đầu tháng 2. Điều này khiến các tài sản trú ẩn an toàn như đồng USD, hay kim loại quý trở nên kém hấp dẫn hơn các tài sản rủi ro. Mặc dù vàng, bạc hay bạch kim mở phiên với mức tăng nhẹ do sự hỗ trợ bởi đà suy yếu của đồng Dollar Mỹ, song lực bán đã chiếm ưu thế rõ rệt vào cuối phiên, đặc biệt là trong thời gian thị trường chứng khoán Mỹ vào phiên.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đã có một phiên tăng ấn tượng với mức tăng 2,95% lên 4,02 USD/pound, lần đầu tiên vượt mốc 4 USD/pound sau gần 6 tháng. Yếu tố tác động mạnh nhất tới đà tăng này là do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ cải thiện tích cực sau khi nhà nhập khẩu đồng hàng đầu, Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại.
Bên cạnh đó, hàng loạt các chính sách kích thích kinh tế đang được xem xét, sẽ hứa hẹn mang lại động lực phục hồi tăng trưởng và thúc đẩy nhu cầu kim loại sản xuất. Theo Bloomberg, bên cạnh sự cân nhắc nới lỏng “chính sách 3 lằn ranh đỏ” nhằm hỗ trợ điều kiện vay phát triển bất động sản, thì mới đây, các nhà chức trách đang thảo luận về hạn ngạch trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt có thể lên tới mức 3,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (560 tỷ USD), cao hơn kỷ lục trước đó là 3,75 nghìn tỷ nhân dân tệ. Trái phiếu đặc biệt là nguồn tài trợ chính cho cơ sở hạ tầng, do đó, nguyên vật liệu xây dựng, bao gồm đồng sẽ được hỗ trợ đáng kể trước thông tin này. Ngoài ra, đà suy yếu của đồng Dollar Mỹ cũng hỗ trợ cho giá đồng trong phiên.
Đối với quặng sắt, giá bất ngờ giảm 0,55% bất chấp các tin tức tích cực trên thị trường tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc. Nguyên nhân là do sau đợt tăng nóng vừa qua, Ủy ban cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng cường nỗ lực điều chỉnh giá quặng sắt và trấn áp sự đầu cơ không lành mạnh đối với kim loại này.
Xuất khẩu sắt thép của Việt Nam ghi nhận tín hiệu phục hồi
Theo MXV, với xu hướng phục hồi mạnh mẽ của giá sắt thép trên thế giới trong khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, giá sắt thép trong nước cũng bắt đầu có những dấu hiệu tăng trở lại. Vào cuối tuần trước, nhiều doanh nghiệp thép cũng đã điều chỉnh tăng đối với một số loại thép. Điển hình, thép cuộn CB240 đồng loạt tăng, trong đó, tập đoàn Hòa Phát cũng đã tăng giá bán đối với loại thép này thêm 200 VNĐ/kg lên mức 14.940 VNĐ/kg.
Về tình hình xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2022 cũng đã có sự khởi sắc hơn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 823.128 tấn sắt thép trong tháng 12/2022, tăng 40,2% so với tháng trước đó. Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng hơn 24%, đạt hơn 584 triệu đồng.
Trong tháng 12, Việt Nam tiếp tục nhập siêu hơn 123.000 tấn sắt thép, tuy nhiên, lượng nhập siêu cũng đã giảm đáng kể so với con số khoảng 376.000 tấn vào tháng 11. Như vậy, xét cả năm 2022, nước ta đã quay trở lại nhập siêu hơn 3,3 triệu tấn sắt thép, sau khi lần đầu ghi nhận xuất siêu sau nhiều năm vào năm 2021. Mặc dù vẫn còn đối diện với nhiều thách thức, song tín hiệu tích cực hơn đối với ngành sắt thép vào cuối năm, cùng kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu tại một số quốc gia châu Á trong thời gian tới, sẽ hỗ trợ cho ngành thép trong nước.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nông sản
BẢNG GIÁ NÔNG SẢN
KẾT THÚC NGÀY GIAO DỊCH 09/01/2023
Lúa mỳ Kansas Tháng 03/23 -0.42% 828.5 USD/Bushels Ngô Tháng 03/23 -0.19% 652.75 USD/Bushels Dầu Đậu Tương Tháng 01/23 0.28% 63.91 USD/lbs Khô Đậu Tương Tháng 01/23 -1.27% 496.7 USD/Tons Gạo thô Tháng 01/23 0.83% 17.64 USD/lbs Đậu Tương Tháng 01/23 0.13% 1503.5 USD/Bushels Lúa Mỳ Chicago Tháng 03/23 -0.27% 741.5 USD/Bushels
Bảng giá kim loại
BẢNG GIÁ KIM LOẠI
KẾT THÚC NGÀY GIAO DỊCH 09/01/2023
Đồng Tháng 01/23 2.81% 4.0185 USD/lbs Quặng sắt Tháng 01/23 -0.55% 118.03 USD/Tonnes Bạch kim Tháng 01/23 -0.58% 1086.3 USD/Troy ounces Bạc Tháng 01/23 -0.46% 23.712 USD/Troy ounces Nhôm LME Tháng 6.23% 2438.5 USD/Tonnes Đồng LME Tháng 3.14% 8859.5 USD/Tonnes Chì LME Tháng 2.32% 2251.5 USD/Tonnes Nickel LME Tháng -2.3% 27434 USD/Tonnes Thiếc LME Tháng 2.34% 25861 USD/Tonnes Kẽm LME Tháng 6.02% 3205.5 USD/Tonnes
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp
BẢNG GIÁ NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
KẾT THÚC NGÀY GIAO DỊCH 09/01/2023
Ca cao Tháng 03/23 3.26% 2690 USD/Tonnes Bông sợi Tháng 03/23 0.63% 86.22 USD/lbs Cà phê Arabica Tháng 03/23 -0.16% 158.05 USD/pounds Cà phê Robusta Tháng 01/23 2.95% 1920 USD/Tonnes Dầu cọ thô Tháng 01/23 0.98% 4020 MYR/metrics Tons Đường trắng Tháng 03/23 1.57% 535.5 USD/Tonnes Đường 11 Tháng 03/23 1.11% 19.17 USD/Pounds Cao su RSS3 Tháng 01/23 0% 210 JPY/kg Cao su TSR20 Tháng 02/23 1.21% 134.1 USD/Tonnes