Thị trường hàng hóa không có biến động lớn, tăng nhu cầu hàng hóa làm mát

Để hoàn thành kế hoạch năm 2024, ngành công thương sẽ đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thị trường trong nước.

Đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mặc dù kết quả về thị trường bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn.

Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, thời gian tới ngành công thương sẽ đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Cùng đó, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước.

Nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm quạt lạnh đến người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN.

Nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm quạt lạnh đến người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN.

Cụ thể như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030… Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá.

Mặt khác, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá; trong đó, có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ. Cùng đó, phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng. Phối hợp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại (tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong giai đoạn 2021-2025; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11856) về chợ kinh doanh thực phẩm…).

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, trong tháng 6/2024, thị trường hàng hóa không có biến động lớn, nhu cầu tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ làm mát. Nguồn cung các mặt hàng luôn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, giá tương đối ổn định, một số mặt hàng có lượng xuất, nhập khẩu lớn với thị trường nước ngoài, giá biến động theo giá thế giới. Đây cũng là thời điểm cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động thương mại diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6 ước đạt 522,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước do doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng.

Trong giai đoạn quý I/2024, thị trường chủ yếu tập trung cho việc phục vụ Tết, với việc chỉ đạo sớm của Chính phủ, các bộ, địa phương và việc triển khai tích cực việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường của các doanh nghiệp, thị trường hàng hóa luôn được bình ổn, nguồn cung hàng hóa Tết đáp ứng tốt nhu cầu tăng và đa dạng của người dân.

Từ quý II, thị trường tập trung cho việc cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn nên giá có biến động tăng. Tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến, các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá biến động theo giá thế giới. Trong quý II/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.558,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với quý trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Người tiêu dùng mua sắm tấp nập tại siêu thị WinMart. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Người tiêu dùng mua sắm tấp nập tại siêu thị WinMart. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%). Trong số đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng cao như Quảng Ninh tăng 9,5%; Hải Phòng tăng 9,0%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hà Nội tăng 6,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,3%.

Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, trong 6 tháng đầu năm 2024 cả 3 lĩnh vực chính của ngành công thương (gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước) đồng thời cho thấy kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu của những kết quả trên là do hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm; kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI giúp tăng năng lực sản xuất trong nước. Cùng đó là sự phục hồi của thị trường thế giới, dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn các năm 2022, 2023; số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng.

Hơn nữa, các kết quả nổi bật trong đối ngoại về kinh tế, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc... giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đặc biệt, năng lực của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI) và niềm tin được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-hang-hoa-khong-co-bien-dong-lon-tang-nhu-cau-hang-hoa-lam-mat/339568.html