Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới lấy lại sắc xanh
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), dòng tiền đầu tư tấp nập chảy vào thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày giao dịch đầu tuần (26/8).
Lực mua mạnh diễn ra ở các nhóm hàng chủ lực. Trong đó, nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường với nhiều mặt hàng tăng giá. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng thêm 1,1% lên 2.159 điểm.
Căng thẳng địa chính trị leo thang, giá dầu tiếp tục nóng
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thế giới bật tăng do lo ngại ngày càng sâu sắc về nguồn cung sau các báo cáo về xung đột leo thang ở Trung Đông cũng như cắt giảm sản lượng ở Libya. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 3,46% lên mức 77,42 USD/thùng, dầu thô Brent tăng 3,05% đạt mức 81,43 USD/thùng.
Hai nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết, vào Chủ nhật tuần trước (25/8), tại các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza diễn ra ở Cairo, cả Hamas và Israel đều không đồng ý về một số thỏa hiệp do các nhà trung gian đưa ra. Điều này đã gây nên mối nghi ngờ về cơ hội thành công trong nỗ lực của Mỹ để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 10 tháng qua.
Trong một diễn biến khác, phong trào Hezbollah dưới sự hậu thuẫn của Iran cũng đã thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công vào Israel. Hành động của lực lượng tại Lebanon được cho là một đòn phủ đầu đối với Israel. Thêm vào đó, Mỹ cũng liên tục đưa ra cảnh báo một hành động tương tự nhắm vào Israel từ phía Iran khi nước này liên tục đưa ra những cảnh báo trả đũa. Rủi ro về một cuộc xung đột có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào đã thúc đẩy đà tăng của giá dầu.
Thêm vào đó, giá dầu cũng tăng vọt sau khi chính phủ Libya tuyên bố đóng cửa tất cả các mỏ dầu, ngừng sản xuất cũng như hoạt động xuất khẩu. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC), công ty kiểm soát tài nguyên dầu mỏ của nước này, không đưa ra xác nhận. Tuy nhiên, Công ty khai thác Sirte của Libya, một công ty con của NOC, cho biết họ sẽ bắt đầu giảm một phần sản lượng.
Theo đánh giá đến từ ngân hàng UBS, rủi ro lớn nhất đối với thị trường dầu mỏ có lẽ là sản lượng dầu của Libya giảm dưới căng thẳng chính trị ở nước này, với nguy cơ sản lượng có thể giảm từ mức hiện tại là 1 triệu thùng/ngày xuống mức 0.
Xung lực trên thị trường cũng tiếp tục được thúc đẩy với tín hiệu hạ lãi suất đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Kỳ vọng Fed xoay trục chính sách cũng khiến đồng USD tiếp tục chịu áp lực với việc chỉ số đô la Mỹ giảm về vùng 100 điểm lần đầu tiên sau hai năm. Đồng bạc xanh được định giá rẻ hơn cũng thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Giá cà phê Arabica tiếp tục tăng lên mức cao nhất 2 năm rưỡi
Theo MXV, đóng cửa phiên giao dịch 26/8, giá cà phê Arabica tăng thêm 0,95%, lên mức cao nhất hai năm rưỡi, nối tiếp đà khởi sắc từ cuối tuần trước. Lo ngại thời tiết khô hạn tại Brazil cùng thặng dư sản xuất cà phê toàn cầu bị thu hẹp là nguyên nhân hàng đầu hỗ trợ giá.
Tại Brazil, tình trạng khô hạn tại Đông Nam - khu vực trồng cà phê chính của Brazil dự kiến sẽ kéo dài đến giữa tháng 9. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến cây cà phê đang ra hoa cho vụ thu hoạch 2025-2026, từ đó có thể đẩy nguồn cung xuống mức thấp.
Ngoài ra, trong khảo sát của Reuters, nhiều nhà xuất khẩu và nhà phân tích nhận định rằng nguồn cung cà phê vụ 2024-2025 có thể sẽ bị thắt chặt. Theo đó, sản lượng chỉ cao hơn nhu cầu khoảng 150.000 bao, giảm từ mức dư thừa 750.000 bao ước tính vào vụ 2023-2024. Với việc thặng dư sản xuất bị thu hẹp, những người tham gia khảo sát dự đoán giá cà phê Arabica dự kiến sẽ tăng lên 260 cents/pound vào cuối năm nay, cao hơn 10 cents so với giá đóng cửa phiên ngày 26/8.
Giá cà phê Robusta cũng đang neo ở vùng giá cao kỷ lục trong bối cảnh lo ngại nguồn cung tại Việt Nam khan hiếm. Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (27/8), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ trong khoảng 119.200 - 120.200 đồng/kg, tăng 200 - 400 đồng/kg so với cuối tuần qua.
Dẫn dắt đà tăng của nhóm nguyên liệu công nghiệp trong phiên hôm qua là mặt hàng đường thô khi tăng 3,53%, hình thành chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Rủi ro sản xuất tại Brazil đã khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh việc mua vào trong nhưng phiên gần đây bên cạnh sự hỗ trợ từ lực tăng của giá dầu thô phiên hôm qua.
Các thương nhân cho biết vụ cháy lớn tại Brazil, quốc gia sản xuất và xuất khẩu đường lớn lớn thế giới đã thiêu rụi hàng nghìn cánh đồng mía, đã dẫn đến việc đóng cửa một nhà máy sản xuất đường lớn.
Ngoài ra, một cuộc khảo sát của S&P Global Commodities Insights cho thấy sản lượng đường trong nửa đầu tháng 8 tại Brazil dự kiến là 3,28 triệu tấn, giảm 5% so với năm trước. Trong tuần này, tập đoàn công nghiệp mía đường UNICA dữ liệu sản xuất đường cùng trong giai đoạn này.