Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 21-28/10: Vàng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce, cacao chạm mức cao kỷ lục 3.370 pound/tấn
Kết thúc tuần giao dịch từ 21-28/10, thị trường hàng hóa thế giới ghi nhận giá vàng tăng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce, cacao chạm mức cao kỷ lục, trong khi dầu, khí LNG, đồng, kẽm, cà phê, cao su, ngô, lúa mì… đồng loạt giảm giá.
Năng lượng: Giá dầu và khí LNG cùng giảm
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong một tuần vào thứ Sáu (27/10) do lo ngại gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu, nhưng vẫn giảm trong cả tuần.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10, giá dầu Brent tăng 2,55 USD (+ 2,9%) lên 90,48 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) tăng 2,33 USD (+2,8%) lên 85,54 USD/thùng. Tuy nhiên, trong tuần, dầu Brent vẫn giảm khoảng 2% và dầu WTI giảm khoảng 4%.
Chênh lệch giữa giá dầu Brent và WTI trên đà hướng tới mức cao nhất kể từ tháng 7/2023 khiến việc vận chuyển dầu từ Mỹ để xuất khẩu trở nên hấp dẫn hơn với các công ty năng lượng.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs giữ nguyên dự báo giá dầu Brent trong quý I/2024 ở mức 95 USD/thùng, nhưng nói thêm rằng xuất khẩu của Iran giảm có thể khiến giá dầu tăng 5%. Trong khi đó, triển vọng nhu cầu không chắc chắn.
Các nhà kinh tế nhận định việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.
Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ giảm khoảng vào thứ Sáu (27/10) do dự báo thời tiết ít lạnh hơn trong 2 tuần tới sẽ làm giảm nhu cầu.
Cụ thể, giá LNG giao tháng 11/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 5 cent (-1,6%) về 3,164 USD/mmBTU. Vào thứ Năm, hợp đồng này đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 12/10.
Mỹ đang trên đà trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới trong năm 2023. Giá toàn cầu cao hơn nhiều đã thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu của Mỹ một phần do sự gián đoạn nguồn cung.
Kim loại: Giá vàng vượt 2.000 USD/ounce; đồng, nhôm, niken giảm; quặng sắt, thép biến động trái chiều
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng đã vượt 2.000 USD/ounce sau 3 tuần tăng liên tiếp, do cuộc xung đột Israel-Hamas leo thang thúc đẩy hoạt động mua vàng làm nơi trú ẩn an toàn, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới.
Cụ thể, vàng giao ngay kết phiên tăng 1,2% lên 2.009,19 USD/ounce - mức cao nhất kể từ giữa tháng 5/2023 và tăng 1,4% trong tuần. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2023 tăng 0,1% lên 1.998,50 USD/ounce .
Ở nhóm kim loại màu, giá nikel giao 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,7% về 17.960 USD/tấn, trong khi hợp đồng nikel giao tháng 11/2023 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải giảm 1,7% về 145.130 CNY (tương đương 19.840,05 USD)/tấn.
Giá nikel được coi là có hiệu suất hàng tuần tồi tệ nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 29/9/2023 với mức giảm 3,2%.
Các nhà phân tích tại BMI dự báo thặng dư trên thị trường nikel toàn cầu năm 2023 là 307.000 tấn, tăng từ mức dư thừa 126.000 tấn năm 2022.
Các nhà phân tích của Citi nhận định, giá nikel có thể tăng lên khoảng 20.000 USD/tấn do tình trạng bán khống kéo dài, rủi ro nguồn cung ở nhà sản xuất hàng đầu Indonesia và khả năng nới lỏng của Trung Quốc.
Các kim loại màu khác trên sàn LME cũng giảm do USD mạnh hơn khiến hàng hóa được định giá bằng “đồng bạc xanh” trở nên đắt hơn bằng các loại tiền tệ khác. Cụ thể, giá nhôm giảm 0,2% xuống 2.193,50 USD/tấn; kẽm giảm 0,1% xuống 2.433,50 USD/tấn; thiếc giảm 1,2% xuống 24.495 USD/tấn; đồng giảm 0,1% xuống 7.981 USD/tấn và chì không đổi ở mức 2.094 USD/tấn.
Trên Sàn giao dịch Thượng Hải, giá đồng giảm 0,3% xuống 66.420 CNY/tấn; nhôm giảm 1% xuống 18.805 CNY/tấn; kẽm giảm 1% xuống 20.905 CNY/tấn; chì giảm 0,1% xuống 16.195 CNY/tấn và thiếc giảm 2% về 210.560 CNY/tấn.
BMI kỳ vọng giá kim loại sẽ phục hồi vào năm 2024 khi sức mạnh của USD giảm xuống, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2024, cho dù điều này có thể bị hạn chế phần lớn do mức tiêu thụ toàn cầu chậm lại.
Ở nhóm kim loại đen, trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc), hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trong tháng 1/2024 giảm 0,1% về 870 CNY (tương đương 118,93 USD)/tấn trong phiên 27/10, nhưng cả tuần vẫn tăng hơn 1%.
Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt chuẩn giao tháng 11/2023 giảm 0,4% về 116,60 USD/tấn, dù trên đà ghi nhận tuần tăng đầu tiên sau 6 tuần.
Các nhà phân tích cho biết, cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc khiến các nhà đầu tư thận trọng.
Theo các chiến lược gia hàng hóa của ANZ, mặc dù việc bổ sung quặng sắt có thể mang lại sự hỗ trợ trong thời gian ngắn, nhưng có nguy cơ giá sẽ giảm xuống dưới mức 100 USD/tấn vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích cho biết, trọng tâm hiện nay là thực hiện cắt giảm sản lượng thép và phục hồi nguồn cung thép phế liệu ở Trung Quốc. Trung tâm sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc - TP. Đường Sơn - sẽ triển khai ứng phó khẩn cấp cấp trong bối cảnh dự báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác trên sàn Đại Liên cũng giảm, trong đó giá than cốc và than luyện cốc đều giảm 0,5%.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép ít thay đổi, với giá thép cây gần như đi ngang, thép cuộn cán nóng tăng 0,2%; thép thanh giảm 0,2% và thép không gỉ giảm 0,7%.
Nông sản: Lúa mì giảm giá, đi ngược với đậu tương và ngô
Giá đậu tương và khô đậu tương kỳ hạn tương lai trên sàn thương mại Chicago tăng do nhu cầu mạnh mẽ đối với nguồn cung của Mỹ.
Xuất khẩu khô đậu tương của Mỹ đang trên đà đạt mức cao mới trong mùa này, sau vụ thu hoạch đậu tương kém ở nước xuất khẩu khô đậu tương hàng đầu thế giới – Argentina - vào đầu năm nay.
Cụ thể, hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 1/2024 tăng 19-1/4 cent lên 13,19-1/2 USD/bushel, khô đậu tương kỳ hạn tháng 12/2023 tăng 12,9 USD lên 442,40 USD/tấn.
Có tin đồn - chưa được xác nhận - lan truyền trên thị trường về việc Trung Quốc hủy mua đậu tương Brazil. Tuy nhiên, các thương nhân cho biết, đậu tương Mỹ vẫn đắt hơn nguồn cung của Brazil.
Giá ngô tăng 1 1/2 US cent lên 4,80-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm 4 US cent xuống 5,75-1/2 USD/bushel.
Lúa mì giảm do thông tin vận chuyển qua hành lang xuất khẩu Biển Đen mới của Ukraine đã được nối lại sau 3 ngày tạm dừng.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá cacao chạm mức cao kỷ lục, cà phê và cao su cùng giảm mạnh
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá ca cao kỳ hạn giao dịch trên sàn London đã tăng trở lại lên mức cao sau báo cáo về tình trạng mất điện ở nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới Ghana, làm tăng thêm lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung.
Cụ thể, đóng cửa phiên thứ Sáu (27/10), giá ca cao kỳ hạn tháng 3/2024 trên sàn London tăng 13 GBP (+0,4%) lên 3.358 pound/tấn, sau khi chạm mức 3.370 pound/tấn - cao nhất từ trước đến nay. Hợp đồng này tăng 4% trong tuần qua, sau khi tăng 6% vào tuần trước nữa.
Ca cao kỳ hạn tháng 12/2023 trên sàn New York cũng tăng 42 USD (+1,1%) lên 3.852 USD/tấn.
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản giảm trong ngày 27/10 do tỷ giá JPY giảm nhẹ về trên ngưỡng 150 JPY đổi 1 USD, dù giá dầu thô tăng đã hạn chế đà giảm.
Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 4/2024 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) giảm 2,9 JPY (-1,1%) về 258,8 JPY (1,72 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá hợp đồng này giảm 0,4% sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó.
Hợp đồng cao su giao tháng 1/2024 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 150 CNY (-1%) xuống 14.480 CNY (1.979,03 USD)/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2023 giảm 0,25 cent (-0,2%) về 1,6095 USD/lb, sau khi thiết lập mức cao nhất trong 5 tuần vào thứ Tư. Hợp đồng này đã giảm 2,6% trong tuần sau khi tăng 12% trong 2 tuần trước đó.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2024 giảm 37 USD (-1,5%) về 2.383 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua