Thị trường IPO Hồng Kông trông đợi những tháng cuối năm

Hoạt động huy động vốn tại thị trường Hồng Kông đang phục hồi và trông đợi các thương vụ IPO lớn và các đợt huy động vốn bổ sung của các công ty đã niêm yết.

Khoảng 100 công ty đang chờ niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông (HKEX). Ảnh: Isaac Lawrence/AFP

Khoảng 100 công ty đang chờ niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông (HKEX). Ảnh: Isaac Lawrence/AFP

100 công ty đang chờ niêm yết

Theo báo cáo sơ bộ năm 2024 của Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX), 18 công ty trên sàn này đã huy động được tổng cộng 8,6 tỷ đô la Hồng Kông (1,1 tỷ USD) trong quý II/2024, tăng 50% theo quý xét về số lượng niêm yết mới và tăng 79% về số vốn huy động được.

Bà Bonnie Chan, Giám đốc điều hành HKEX cho biết đã có 43 thương vụ IPO được thực hiện kể từ đầu năm và nhiều đợt khác đang trong quá trình triển khai.

"Chúng tôi có khoảng 100 công ty đang chờ niêm yết và đây là một kênh huy động rất đa dạng", bà Chan cho biết. Kết quả sơ bộ này, cùng với triển vọng thu hút đầu tư từ thị trường Trung Quốc đại lục, đã củng cố quan điểm "lạc quan thận trọng" của HKEX.

Tuy nhiên, giám đốc điều hành HKEX cho rằng, đó suy xét đó "quá một chiều" khi chỉ đánh giá hiệu suất của thị trường Hồng Kông như một trung tâm huy động vốn thông qua các đợt IPO.

"Năm nay, chúng tôi cũng đã hỗ trợ rất nhiều đợt huy động vốn bổ sung của các công ty đã niêm yết trên sàn giao dịch của chúng tôi", bà Chan cho biết, đồng thời lưu ý rằng các đợt huy động này diễn ra dưới hình thức tài trợ tiếp theo và phát hành trái phiếu chuyển đổi.

"Nhìn chung, các đợt chào bán bổ sung cho phép các công ty niêm yết huy động được hơn 20 tỷ USD và con số đó rất đáng kể", giám đốc điều hành HKEX nhận xét. Đại diện HKEX cũng lưu ý rằng các công ty niêm yết trên sàn giao dịch này đã thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu tài sản đầu tư thay thế Preqin, các nhà đầu tư Mỹ nhìn chung không tham gia vào các thương vụ giao dịch lớn nhất tại thị trường Hong Kong trong những năm gần đây, trong khi các nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục vẫn duy trì vị thế.

Trong nhiều năm qua, hoạt động niêm yết tại Hồng Kông đã gặp khó khăn khi Trung Quốc đại lục phải vật lộn với lãi suất cao của Mỹ, tăng trưởng kinh tế chậm lại, sự giám sát ngày càng chặt chẽ của cơ quan quản lý, cộng với căng thẳng gia tăng với Mỹ.

HKEX ghi nhận kết quả huy động vốn tích cực trong quý II sau khi Trung Quốc tuyên bố tập trung vào "thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao đối với dòng vốn đầu tư mạo hiểm". Trước đó vào tháng 4, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp thị trường vốn hỗ trợ các công ty hàng đầu đại lục tiến hành niêm yết tại thị trường Hồng Kông.

Tuần này, HKEX công bố doanh thu, thu nhập khác và lợi nhuận đều đạt mức cao kỷ lục trong quý II/2024 nhờ khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng kể từ tháng 3. Lợi nhuận quý II của HKEX đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3,16 tỷ đô la Hong Kong.

Kết quả này đánh dấu một khởi đầu mạnh mẽ cho bà Chan, người mới tiếp quản vị trí giám đốc điều hành HKEX vào tháng 3, còn ông Carlson Tong Ka-Shing được bổ nhiệm giữ chức chủ tịch sàn giao dịch này vào cuối tháng 4.

Vốn huy động ước đạt 70 - 80 tỷ đô la Hong Kong

Với sự kết thúc của chu kỳ tăng lãi suất, vốn toàn cầu từ châu Âu, Mỹ và Trung Đông dự kiến sẽ quay trở lại châu Á khi các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất. Dòng vốn chảy vào này sẽ làm tăng thanh khoản và định giá thị trường.

Hãng kiểm toán PwC cũng giũ lạc quan thận trọng đối với thị trường IPO Hồng Kông sau dấu hiệu phục hồi dần dần trong quý II/2024. PwC kỳ vọng, nếu tâm lý thị trường tiếp tục cải thiện trong nửa cuối năm 2024, thị trường Hồng Kông sẽ chứng kiến một số thương vụ IPO lớn (trên 5 tỷ đô la Hồng Kông).

Hãng kiểm toán dự báo rằng, khoảng 80 công ty sẽ niêm yết tại Hồng Kông trong năm 2024 với số vốn huy động lên tới 70 - 80 tỷ đô la Hồng Kông. Trọng tâm thị trường trong nửa cuối năm sẽ là các ngành như công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT), trí tuệ nhân tạo (AI), bán lẻ, hàng tiêu dùng & dịch vụ.

Ông Eddie Wong, Trưởng bộ phận thị trường vốn Hồng Kông tại PwC, dự đoán: "Với lãi suất dự kiến sẽ giảm vào nửa cuối năm, thị trường vốn của Hồng Kông đang sẵn sàng cho sự hồi sinh. Việc niêm yết cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp có tài sản hoặc lợi nhuận đáng kể từ Trung Quốc đại lục (Chinese concept stocks) và công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là dưới hình thức các công ty công nghệ chuyên biệt, được kỳ vọng sẽ góp phần vào sự ổn định và niềm tin vào thị trường vốn Hồng Kông".

Đặc biệt, việc triển khai chế độ niêm yết theo quy định 18C (Chapter 18C) mới sẽ đóng vai trò then chốt, giúp kết nối các công ty công nghệ tăng trưởng cao này với các nhà đầu tư và mang lại cơ hội mới cho cả các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán Hồng Kông. Công ty đầu tiên theo chế độ niêm yết 18C đã niêm yết thành công tại Hong Kong gần đây. Hy vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của toàn bộ hệ sinh thái ngành công nghệ.

Theo ông Wong, với việc các công ty Trung Quốc đại lục thành lập hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Hồng Kông, cũng như nhu cầu vốn quốc tế ngày càng tăng đối với tài sản bằng đồng nhân dân tệ, HKEX có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động niêm yết của các công ty Trung Quốc đại lục tại Hồng Kông, bằng cách tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý của Trung Quốc đại lục.

Hồng Kông có vị thế chiến lược và nên tiếp tục tận dụng vai trò là "siêu kết nối" giữa Trung Quốc đại lục và thị trường tài chính toàn cầu. Với sự kết nối chặt chẽ hơn với Trung Quốc đại lục, các loại chứng khoán có thể được giao dịch thông qua chương trình "Kết nối chứng khoán Hồng Kông và Đại lục" nên được mở rộng hơn nữa. Điều này sẽ giúp đưa Hong Kong trở thành trung tâm hàng đầu về quản lý tài sản bằng đồng nhân dân tệ và củng cố vị thế là trung tâm giao dịch nhân dân tệ hải ngoại toàn cầu.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thi-truong-ipo-hong-kong-trong-doi-nhung-thang-cuoi-nam-d223260.html