Thị trường 'khát' dòng tiền

TTCK Việt Nam khởi đầu năm mới 2025 với những phiên giao dịch giảm mạnh về thanh khoản, thậm chí có phiên cuối tuần qua giá trị khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt hơn 6.000 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm e ngại khi hai lực đẩy quan trọng với TTCK là dòng tiền và tăng trưởng nội tại doanh nghiệp đều có biểu hiện suy yếu đáng kể.

Trong cuộc trao đổi với một số thành viên Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, các vị này đều có chung sự dè chừng khá lớn khi khối ngoại vẫn duy trì bán ròng. Mức bán ròng kỷ lục hơn 94.000 tỷ đồng năm ngoái đã khiến VN-Index không thể vượt qua mốc 1.300 điểm dù dòng tiền nội đã tham gia mạnh mẽ và hấp thụ tốt lượng cung này.

Câu hỏi đặt ra là nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong năm 2025 thì sao? Thực tế, Việt Nam là thị trường bị bán ròng mạnh 4/5 năm gần đây với tỷ lệ bán lớn bậc nhất khu vực nếu tính trên vốn hóa hay tổng giá trị nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ.

Trước thềm năm mới, nhiều dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2025. Dù vậy, ở góc quản trị rủi ro, có những yếu tố nhà đầu tư phải cân nhắc.

Nền lợi nhuận cao của 2024 cộng với áp lực tỷ giá, lãi suất tăng trong bối cảnh có khả năng bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ mang lại rủi ro và yếu tố bất định với kinh tế Việt Nam cũng như với nhiều doanh nghiệp niêm yết liên quan trong năm 2025. Lãnh đạo không ít doanh nghiệp lo ngại về nguy cơ làn sóng hàng Trung Quốc thâm nhập Việt Nam, dán nhãn để xuất khẩu sang Mỹ. Nếu cơ quan chức năng không mạnh tay để chặn rủi ro này, có thể tác động lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu.

Khối ngân hàng, tài chính và bất động sản (chiếm hơn 60% lợi nhuận toàn thị trường) sẽ đối mặt với khó khăn khi lãi suất tăng. NIM giảm, huy động chậm cản trở đà tăng tín dụng và dự phòng nợ xấu có thể tăng mạnh.

Nhóm chứng khoán sẽ có năm khó khăn khi dư thừa vốn và nhu cầu thị trường suy yếu. Áp lực tăng trưởng có thể khiến các công ty chứng khoán chấp nhận hạ chuẩn cho vay margin, thúc đẩy cho vay deal lớn, tích tụ rủi ro.

Đặc biệt, những doanh nghiệp có dư nợ vay và nợ trái phiếu lớn đáo hạn trong năm 2025 có thể đối mặt với khó khăn khi không còn khả năng đảo nợ theo Thông tư 02 (hết hiệu lực) và thời gian ân hạn trái phiếu đã hết. Đây cũng là chủ đề được Đầu tư Chứng khoán tập trung phân tích sâu trong chuyên mục Tiêu điểm với chủ đề “Ẩn số trái phiếu với thị trường vốn” trên số báo này.

TTCK không hẳn phản ánh bức tranh kinh tế vĩ mô mà quan trọng hơn lại là tính thanh khoản. Khi tiền khan hiếm, chảy nhỏ giọt và lãi suất cao, những kỳ vọng quá mức về một bước nhảy vọt có thể là mạo hiểm.

Trong bối cảnh kém thuận lợi về dòng tiền, diễn biến giá mỗi cổ phiếu sẽ phụ thuộc nhiều vào sức mạnh nội tại của doanh nghiệp và năng lực tài chính của cổ đông. Sự phân hóa có thể diễn ra rất khắc nghiệt trong môi trường dòng tiền yếu của năm 2025. Đây là điểm nhà đầu tư cần lưu ý để quản trị những biến động lớn và bất ngờ của thị trường.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-khat-dong-tien-post361606.html