Thị trường lao động 2025: Cơ hội và thách thức đan xen

Các chuyên gia nhận định, sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi đáng kể, với cơ hội và thách thức đan xen cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Đây là thời điểm quan trọng để các bên nắm bắt xu hướng, từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp nhằm tận dụng tối đa tiềm năng phát triển.

Theo các chuyên gia, sau Tết Nguyên đán, người lao động thường có tâm lý muốn thay đổi môi trường làm việc, tìm kiếm các cơ hội việc làm phù hợp hơn. Cùng với đó, các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường tuyển dụng để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân sự do nghỉ việc hoặc nhảy việc những tháng cuối năm. Đây là thời điểm thị trường lao động mở ra nhiều lựa chọn cho các ứng viên tìm kiếm việc làm, đặc biệt là những người có kỹ năng chuyên môn hoặc kinh nghiệm làm việc.

Khảo sát từ nhiều tổ chức nhân sự cho thấy, các vị trí như lao động phổ thông, nhân viên bán hàng và kỹ thuật viên công nghệ sẽ là những ngành nghề được săn đón nhiều nhất. Điều này xuất phát từ nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp và sự chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi.

Năm 2025, các ngành liên quan đến công nghệ, năng lượng tái tạo và logistics dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đây là cơ hội lớn để người lao động nắm bắt các công việc có tính chất bền vững, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và số hóa.

Sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi đáng kể, với cơ hội và thách thức đan xen cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động

Sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi đáng kể, với cơ hội và thách thức đan xen cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhu cầu tuyển dụng tại thị trường Hà Nội khá sôi động. Trong đó, những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: dịch vụ chuyển phát nhanh, kinh doanh nhà hàng - khách sạn, thương mại - sản xuất... có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều lao động để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và những tháng đầu năm mới.

Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cũng nhận định một cách lạc quan, thị trường lao động đang phục hồi nhanh và có bước phát triển, tuy nhiên vẫn có sự thiếu hụt lao động tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp lớn có thêm các đơn hàng phục vụ cho các ngày lễ cuối năm, trong khi doanh nghiệp không có phương án chuẩn bị sẵn nguồn lao động. Số lao động thiếu hụt tại các doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, ngành dệt may, lắp ráp điện tử.

Nhiều thách thức với doanh nghiệp và người lao động

Bên cạnh sự thuận lợi và tiềm năng, trong năm 2025, thị trường lao động sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp là việc giữ chân nhân sự sau Tết. Đây là bài toán nan giải khi nhiều người lao động lựa chọn nghỉ việc hoặc nhảy việc. Với người lao động, thách thức lớn nhất là cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm khi thông tin thị trường lao động hạn chế; kỹ năng và trình độ của người lao động không đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm. Một yếu tố khác là sự chênh lệch về mức lương và chế độ đãi ngộ giữa các ngành nghề và địa phương, khiến người lao động khó đưa ra quyết định phù hợp.

Một vấn đề khiến nhiều người lo ngại đó là, trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh, thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ khi lao động không có trình độ mất việc có thể gia tăng, thu nhập giảm sút; Lực lượng lao động cũng có nguy cơ giảm khi người lao động rời bỏ thị trường vì cơ hội việc làm mất đi khi sản xuất kinh doanh chuyển đổi mô hình sử dụng máy móc tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)…

Sự cạnh tranh về lao động có tay nghề cao càng gay gắt hơn khi các công ty không ngừng cải thiện đãi ngộ và chế độ phúc lợi để thu hút nhân viên. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp phải có chiến lược giữ chân nhân tài hiệu quả hơn bao giờ hết.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính khẳng định, thị trường lao động đầu năm nay có những diễn biến tương đối tích cực, nhiều doanh nghiệp thu hút thêm một lượng lớn lực lượng lao động; việc mở rộng hoạt động sản xuất cũng gia tăng, đặc biệt là những ngành thu hút nhiều lực lượng lao động từ trước đến nay.

“Dễn biến thị trường lao động có nhiều phức tạp và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trước tiên, với việc tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, sẽ có một lực lượng lớn cán bộ công nhân viên trong khu vực nhà nước phải đi tìm việc làm. Đây là công việc không hề dễ dàng gì, nhất là với lực lượng lao động cao tuổi. Yếu tố này cũng khiến cầu của thị trường giảm sút do cung tăng lên. Cùng với đó, việc xuất khẩu hàng hóa đang có nhiều khó khăn nhất định, một số doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm nhân công lao động, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động. Hy vọng rằng, trong tháng 2-3 tới đây, các doanh nghiệp có cải thiện về đơn hàng, khi ấy cung - cầu trên thị trường lao động sẽ hài hòa, ổn định. Cung - cầu lao động là bài toán tương đối phức tạp trong năm 2025”, ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Cũng theo ông Thịnh, nguồn cung của thị trường lao động đang tăng lên một cách đáng kể, đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho thị trường lao động linh hoạt hơn, cạnh tranh hơn. Nếu sản xuất kinh doanh tiếp tục mở rộng một cách mạnh mẽ thì nguồn cung lao động sẽ rất dồi dào để cung ứng ra thị trường và thúc đẩy sản xuất phát triển. Nếu như chỉ làm cầm chừng thì lực lượng lao động này sẽ là sự cản trở lớn đối với cung - cầu của thị trường và làm phức tạp thêm sức cạnh tranh cũng như việc tìm kiếm công việc của người lao động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) nhìn nhận, thị trường lao động vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, tuy nhiên chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cả nước vẫn còn 71,4% lao động chưa qua đào tạo, có bằng chứng chỉ.

Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và xu hướng chuyển đổi số ngày càng lan rộng, thị trường lao động sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi lớn về hình thức làm việc, nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu kỹ năng. Vì vậy, người lao động cần nâng cao kỹ năng, kiến thức, chuẩn bị cho sự thay đổi để phù hợp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng vào việc xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn để giữ chân nhân tài và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thi-truong-lao-dong-2025-co-hoi-va-thach-thuc-dan-xen-post1152608.vov