Thị trường lao động vẫn có những 'điểm sáng'

Dịch bệnh kéo dài khiến sức chống chịu của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có quy mô lớn và có thương hiệu trên thị trường bị giảm sút, đời sống của phần lớn người lao động bị ảnh hưởng do mất việc làm hoặc thu nhập không còn được như trước. Tuy nhiên trong bức tranh ảm đạm đó vẫn xuất hiện những 'điểm sáng' trong việc mang đến cơ hội việc làm cho nhiều lao động ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ta.

Công ty Giầy Athena hiện đang có nhu cầu tuyển thêm nhiều lao động.

Công ty Giầy Athena hiện đang có nhu cầu tuyển thêm nhiều lao động.

Đứng chân tại xã Yên Lâm, 1 địa phương khá xa trung tâm của huyện Yên Mô, Công ty Giầy Athena đang tạo việc làm cho hơn 6 nghìn lao động địa phương và các vùng lân cận như huyện Kim Sơn, một phần lao động của huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).

Những tháng gần đây Công ty liên tục tuyển thêm công nhân với số lượng lớn và hiện vẫn còn cần thêm khoảng 3 nghìn người nữa để giúp hoàn thành các đơn hàng xuất sang châu Âu. Dài hơi hơn là để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng nhà xưởng trong thời gian sắp tới.

Anh Vũ Văn Tiến, Chủ tịch CĐCS Công ty cho biết: Bất chấp dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Công ty vẫn duy trì được đơn hàng với các đối tác ở châu Âu. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người lao động trong Công ty hiện đạt từ 6-8 triệu đồng/người/tháng (bao gồm tăng ca). Ngoài ra, người lao động tại đây còn được hỗ trợ cơm trưa, cơm tăng ca, có xe đưa đón công nhân, duy trì thưởng vào các dịp lễ, tết. Đặc biệt các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được doanh nghiệp quan tâm, đóng nộp đầy đủ.

Không nằm ngoài vòng xoáy bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tuy nhiên Công ty Great Global International (Khu công nghiệp Gián Khẩu) đang cố gắng quay lại guồng sản xuất khi có được các đơn hàng may mặc từ thị trường Mỹ. Bởi vậy số lượng lao động của Công ty duy trì ổn định ở mức hơn 2 nghìn người, thậm chí hiện vẫn cần tuyển thêm khoảng 200 công nhân nữa.

Chị Loan, một lao động tại doanh nghiệp cho biết: Mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng (bao gồm cả tăng ca) tuy chưa thực sự giúp chị đủ trang trải các khoản chi tiêu của gia đình nhưng nó rất quý giá trong lúc mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Thêm nữa, điều đáng mừng là không chỉ có việc làm, những công nhân như chị Loan còn được Công ty chăm lo, bảo vệ sức khỏe bằng việc cung cấp khẩu trang, nước sát khuẩn tay, xét nghiệm nhanh COVID-19...

Dự kiến thời gian tới nhiều lao động của doanh nghiệp sẽ được tiêm phòng vắc xin COVID-19 ngoài 400 người đã được tiêm trước đó.

Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm may mặc, giày da: Nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng may mặc, giầy da tại một số thị trường lớn trên thế giới vẫn được duy trì do việc tiêm vắc xin rộng rãi tại Mỹ và EU cùng các gói kích thích kinh tế của Chính phủ các nước này đã phát huy hiệu quả. Thêm nữa tại các thị trường này nhu cầu tiêu dùng kìm nén suốt thời gian dài cũng quay trở lại. Đó chính là lý do khiến các doanh nghiệp tiếp tục ký được đơn hàng.

Đặc biệt, với quan điểm "doanh nghiệp và người lao động cùng trên một con thuyền", nhiều doanh nghiệp dù đang gặp khó khăn không nhỏ về thị trường, về lưu thông hàng hóa nhưng cũng đang rất nỗ lực duy trì việc làm cho công nhân lao động.

Ngoài may mặc, một số ngành nghề khác hiện vẫn duy trì được số lượng công nhân lao động làm việc thường xuyên như: điện tử, sản xuất kính… Trong đó phải kể đến các doanh nghiệp như: Công ty Giầy Chung Jye (Yên Khánh), Công ty MCNex Vina (Khu công nghiệp Phúc Sơn), Nhà máy sản xuất kính chất lượng cao CFG…

Tuy xuất hiện những "điểm sáng" trên thị trường lao động nhưng thực tế chừng nào dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp thì nguy cơ mất việc làm của người lao động vẫn hiện hữu và sẽ càng nặng nề hơn, trở thành vấn đề đáng lưu tâm của cả doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người lao động. Vì vậy, thiết nghĩ người lao động cần tiếp tục nâng cao tay nghề, đặc biệt là sẵn sàng thích ứng với những yêu cầu công việc mới trong mọi tình huống. Cùng với đó, việc nhanh chóng đưa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến với công nhân lao động là rất cần thiết.

Về phía tổ chức Công đoàn, là tổ chức đại diện bảo vệ người lao động, cần tăng cường nắm bắt tình hình, động viên người lao động chung tay vượt khó; giám sát việc tuân thủ các quy định về quyền lợi và chế độ đối với người lao động tại các doanh nghiệp trong trường hợp phải áp dụng biện pháp ngừng việc và cho thôi việc; tham mưu giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép năm, trợ cấp ốm đau,… để giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Bài, ảnh: Đào Duy

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thi-truong-lao-dong-van-co-nhung-diem-sang-/d20210827080126480.htm