Thị trường lớn dần phục hồi, Vĩnh Hoàn (VHC) thu về gần nghìn tỷ trong tháng 5
So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) trong tháng 5/2023 tiếp tục sụt giảm 2 chữ số. Thế nhưng đã có dấu hiệu khởi sắc khi tăng 10% so với tháng 4.
Báo cáo của kết quả kinh doanh tháng 5 của Vĩnh Hoàn cho thấy, doanh thu trong tháng của doanh nghiệp đạt 954 tỷ đồng, giảm gần 37% so với mức nền cao cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 10% so với tháng 4 trước đó.
Về cơ cấu sản phẩm, doanh thu tiêu thụ các sản phẩm chính đều khởi sắc so với tháng trước như cá tra tăng 14%, sản phẩm hỗn hợp khác tăng 13%, sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng 18%; bánh phồng tôm tăng 14%.
Tuy nhiên, so với mức nền cao của năm 2022, doanh thu cá tra củaVĩnh Hoàn lại giảm tới 43%, còn 592 tỷ đồng. Sản phẩm phụ cũng ghi nhận giảm 44%, xuống 143 tỷ đồng; sản phẩm chăm sóc sức khỏe giảm 5%, còn 65 tỷ đồng; bánh phồng tôm giảm 27%, còn 21 tỷ đồng; mì và bánh tráng giảm 58%, xuống còn 7 tỷ đồng.
Ước tính 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu của "nữ hoàng cá tra" đạt 4.075 tỷ đồng.
Về thị trường xuất khẩu, đã có những dấu hiệu sáng khi so với tháng trước, doanh thu tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp hầu như đều tăng như Mỹ với 21%, nội địa tăng 10%, thị trường khác tăng 10%, ngoại trừ thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc giảm 16%.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, tiêu thụ sản phẩm của Vĩnh Hoàn vẫn chưa thực sự hồi phục khi doanh thu từ thị trường nội địa, Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều giảm hai con số. Cụ thể, doanh thu tiêu thụ tại Mỹ giảm 54%, tại châu Âu giảm 27%, Trung Quốc giảm 30% và nội địa giảm 27%.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra vào giữa tháng 5, Vĩnh Hoàn đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm với 11.500 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của chủ sở hữu công ty. Như vậy, sau 5 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện được 35% mục tiêu doanh thu năm.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 5, xuất khẩu thủy sản đạt 809,5 triệu USD, tăng gần 9% so với tháng 4 nhưng vẫn giảm mạnh so với mức 1,06 tỷ USD của tháng 5/2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt gần 3,38 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ.
Với ngành hàng cá tra, hiện giá nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 5 do nhu cầu thị trường nhập khẩu ở mức thấp. Trong đó, cá trong size 800g - 1 kg/con trong tháng trung bình ở mức 27.500 - 28.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước.
Nhận định về tình hình kinh doanh toàn ngành trong năm nay,Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, năm 2023 là một nốt trầm của ngành thủy sản Việt Nam trước những tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu và những khó khăn sản xuất chế biến trong nước, cộng thêm áp lực cạnh tranh quá lớn từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia… Nhiều biến động tăng, nhiều biến động giảm đan xen, đang gây bất lợi cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Từ góc độ thị trường: nhu cầu giảm, tồn kho tăng, đơn hàng giảm, áp lực cạnh tranh tăng, giá nhập khẩu giảm…Từ góc độ nội tại: chi phí sản xuất tăng (giá thức ăn, con giống, lao động, điện, nước tăng), trong khi nguồn cung nguyên liệu nuôi trồng và khai thác giảm; khiến giá thành sản xuất tăng, lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp sụt giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn vị thua lỗ…
Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho rằng những con số trên chưa phải cơ sở đầy đủ để nhận định xu hướng của những tháng tới, doanh nghiệp vẫn có thể hy vọng ở góc độ thị trường trong nửa cuối năm. Hiện, lượng tồn kho giảm dần, mùa du lịch, mùa lễ hội cuối năm và các chương trình kích cầu ở các thị trường có thể sẽ thúc đẩy lượng nhập khẩu tăng dần lên trong những tháng tới.