Thị trường mua bán ô tô cũ: Trăm kiểu gian lận

ANTĐ - Thị trường ô tô đã qua sử dụng hiện nay khá sôi động với phân khúc dưới 500 triệu đồng được nhiều khách hàng quan tâm. Tuy nhiên, để mua được chiếc xe nguyên bản, đáng 'đồng tiền bát gạo' không dễ. Bằng nhiều chiêu thức tinh vi, dân buôn đã 'phù phép' những chiếc xe tai nạn, xe cũ nát thành 'long lanh'.

Một xe tai nạn được làm lại như mới

Xe cũ nát, tai nạn thành xe mới

Cùng với sự ấm lên của thị trường xe mới, từ đầu năm đến nay các dòng xe cũ 5 chỗ, 7 chỗ cũng thu hút sự quan tâm vì phù hợp với túi tiền của nhiều người. Tuy nhiên, khi tìm mua xe đã qua sử dụng, nếu không đến các gara, salon ô tô uy tín, người tiêu dùng dễ mua phải xe đã qua sửa chữa lớn, xe tai nạn. Thông thường những xe đã cũ, hoặc bị tai nạn, taxi nát các gara thu mua lại chỉ 200 - 300 triệu đồng, sau khi “tút” lại có thể bán ra với giá gấp đôi. Do lợi nhuận cao nên không ít dân buôn xe cũ tìm đủ mọi cách để lừa khách hàng.

Anh Hùng (một chuyên gia làm xe cũ, xe tai nạn) cho biết, phần lớn các gara hay xưởng chuyên “mông” xe cũ nằm ở ngoại thành để ít bị chú ý. Những chiếc xe tai nạn được lùng mua nhiều vì loại xe này dễ ép giá. Những tờ rơi dán khắp nơi với lời đảm bảo trung gian được hưởng từ 1 đến 3 triệu đồng tùy loại xe, mức độ biến dạng. Với những xe từng bị tai nạn gây chết người, trước khi phục hồi, chủ gara luôn làm lễ để “xin phép” những người tử nạn đi trên chiếc xe đó, cũng như cầu cho xe không gặp tai nạn nữa. Và sau khi lột xác, chúng sẽ thuộc về một chủ mới và người đó chắc hẳn sẽ khó biết đến lý lịch đáng sợ của xe.

Việc “mông” lại một chiếc xe cũ dễ như trở bàn tay. Công đoạn đầu tiên, mỗi khi mua được xe cũ, họ thường mang chúng đi “dọn” lại nội, ngoại thất bằng hóa chất để xe bắt mắt hơn; thay phụ tùng không chính hãng để hạ giá thành, đương nhiên ảnh hưởng chất lượng và độ ổn định của xe... Ngoài ra, với công nghệ sơn hiện đại, xe sau khi được sơn lại rất khó phát hiện những vết va đập.

Ngay cả những xe bị lật, đội thợ lành nghề, gò hàn, đắp, đánh bóng phục hồi như mới, kể cả khi xe va chạm với tàu hỏa “nát bấy”. Nếu khung xe đã quá nát, thợ sẽ cắt riêng phần có số khung rồi hàn vào khung mới, sau đó sơn bả lại cẩn thận.

Những xe ngập nước xử lý phức tạp hơn, thợ sẽ phải thay nguyên bộ điện của cả xe bao gồm cả các môđun điện tử, hộp đen, hộp điều khiển và các phụ kiện đi kèm. “Đến chúng tôi nhiều lúc không để ý còn bị lừa chứ nói gì đến khách hàng”, anh Hùng nói.

Khi hỏi đến chuyện “tua” công tơ mét, anh Hùng cho biết, cách đây vài năm ở Hà Nội chỉ có 1, 2 gara làm được chứ bây giờ nhan nhản. Mỗi xe sẽ được tính toán số km đã đi cho phù hợp. “Thông thường chỉ tua từ 10 vạn km xuống 7 vạn, chứ xe đăng ký vài năm rồi mà đi có hơn vạn km thì không ai tin được”, anh Hiếu (một chủ xe chuyên chạy dự án) cho biết.

Mỗi dòng ô tô như Toyota, Ford, Kia, Hyundai… lại có cách mông má khác nhau, mỗi gara có bí quyết riêng. Để bán được xe, dân buôn xe cũ còn móc nối với nhân viên ở các hãng khi khách yêu cầu đi kiểm tra xe vẫn ra kết quả tốt. Không ít trường hợp khi mua xe được cam kết chưa từng tai nạn, ngập nước, nhưng sau một thời gian sử dụng máy móc bỗng kêu như xe công nông, sơn bong tróc từng mảng, đưa vào hãng mới biết xe từng bị tai nạn. Giới thạo xe cho biết những chiêu trò trên chỉ áp dụng được với xe “cỏ” (dưới 700 triệu đồng). Những xe hạng sang như Mercedes, Lexus, BMW, Audi đời mới thì không thể áp dụng. Chỉ cần trót chạm vào thân xe hay các chi tiết nhỏ liên quan đến hệ thống điện là toàn hệ thống sẽ báo lỗi không thể sử dụng xe, phải đưa xe vào hãng căn chỉnh lại, rất mất thời gian.

Một nguồn xe nữa đó là taxi thải loại, dân trong nghề thường gọi là taxi “hoàn lương”. Xe loại này được một số gara tút lại, lắp thêm “đồ chơi” để nâng đời xe. Điền hình như dòng Toyota Vios Limo chuyên sản xuất cho các hãng taxi trở thành dòng dân dụng Vios E, thậm chí thành bản Vios G tự động.

Chớ tin lời dân buôn

Một khi những “bài” của dân buôn được sử dụng hết thì những chiếc xe dù có nát đến đâu cũng được hồi sinh như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nếu như các “con” xe thông thường, giỏi lắm thợ chỉ “quay” được của khách khoảng 1, 2 chục triệu đồng, thì những xe tai nạn không dễ ước đoán được lời lãi, miễn là gặp “gà”. Có con sau khi “tút” lại, lời được đến cả trăm triệu đồng. Để dễ dàng bán xe, một số “show room” xe cũ còn có hẳn đội ngũ “cò”, luôn xuất hiện đúng lúc để “bơm”, tác động vào tâm lý người mua. Mỗi giao dịch thành công, “cò” được cắt phần trăm lợi nhuận. Để tránh bị dân buôn ô tô cũ “thổi giá”, người mua cần tự tìm hiểu và tham khảo từ những người có hiểu biết về xe, các diễn đàn uy tín… để có thể đánh giá được giá trị thật sự của chiếc xe mình muốn mua, không nên ham rẻ. Thay vì tin toàn bộ những lời người bán nói về nguồn gốc và tình trạng xe, hãy tự kiểm tra các thông tin về đăng ký, đăng kiểm xe, hồ sơ bảo dưỡng, bảo hành của xe và các giấy tờ mua bán chuyển nhượng nếu có. Có nhiều trường hợp, xe được đem bán là xe tranh chấp, xe ăn cắp hoặc xe tai nạn có thể khiến người mua mất trắng hoặc tốn hàng đống tiền để sửa chữa, đặc biệt là các xe cũ được rao bán “siêu” rẻ trên mạng với những lời quảng cáo dễ nghe như “xe nữ sử dụng, đi ít”, “đi nước ngoài, không còn nhu cầu sử dụng xe”…

Kinh nghiệm của giới thạo xe cho thấy, trong những vụ va chạm, cản va và chắn bùn là hai bộ phận dễ bị vỡ nhất vì chúng thường được làm bằng vật liệu nhẹ hoặc nhựa tổng hợp. Những vết nứt hoặc dấu hiệu sửa chữa cản va cũng như chắn bùn sẽ tự “tố cáo” chiếc xe từng được tân trang sau tai nạn. Ngoài ra, một xe có động cơ còn tốt, có khớp nối cao su trong hệ thống làm mát hoặc điều hòa rất mềm, không bị nứt hoặc lão hóa, xe khi lái tốc độ cao không bị rung tay, tốc độ bình thường, vô lăng cân bằng, khi tăng hay giảm số thì côn số ngọt, không có tiếng va đập của kim loại và bị giật cục. Khi kiểm tra xe, nên mở cánh cửa xem độ rơ nhiều hay ít, dùng nam châm di nhẹ lên bề mặt của xe để phát hiện mức độ tai nạn… “Người tiêu dùng bình thường không có kinh nghiệm thì khó mà phân biệt được xe đã được làm lại hay chưa. Tốt nhất nếu muốn mua xe cũ mà không có người có kinh nghiệm đi cùng để kiểm tra thì nên đến các Salon, gara uy tín vì họ sẵn sàng cam kết trả lại nguyên tiền cho khách nếu mua phải xe đã “làm lại”, anh Nguyễn Bảo Hoàng, Trưởng phòng kinh doanh, Đại lý Ford Thanh Xuân chia sẻ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thi-truong-mua-ban-o-to-cu-tram-kieu-gian-lan-post216700.antd