Thị trường năng lượng gây dựng 50 năm bị 'thổi bay', 'khách sộp' có giúp Nga cứu vãn?

Trên trang Bloomberg, chuyên gia về dầu mỏ Julian Lee nhận định, Nga đã dành gần 50 năm để xây dựng thị trường năng lượng ở châu Âu nhưng quốc gia này đã phá hủy nó trong vòng chưa đầy 50 tuần.

Nhà máy xử lý khí đốt của Gazprom ở Vùng Amur của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Nhà máy xử lý khí đốt của Gazprom ở Vùng Amur của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Không có châu Âu, Nga đã tìm thấy các thị trường thay thế cho dầu thô, chủ yếu là ở Ấn Độ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm bến đỗ cho các sản phẩm tinh chế và khí đốt tự nhiên sẽ mất nhiều năm và tốn nhiều chi phí.

Thị trường lớn "biến mất"

Theo ông Julian Lee, khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022, thị trường dầu mỏ châu Âu bắt đầu lung lay. Một thị trường hấp thụ gần 2,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, 1 triệu thùng sản phẩm tinh chế khác và 155 tỷ m³ khí đốt tự nhiên mỗi năm đã gần như biến mất.

Dòng chảy dầu thô từ Nga đến các khu vực của châu Âu bắt đầu giảm. Đến ngày 5/12/2022, khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực, dầu xuất khẩu sang khối 27 thành viên đã giảm xuống mức nhỏ giọt.

Bulgaria, quốc gia được miễn trừ tạm thời, là thị trường duy nhất còn lại mua dầu Nga.

Dòng chảy của các sản phẩm tinh chế của dầu cũng đang đi theo quỹ đạo tương tự, khi các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2.

Về khí đốt tự nhiên, khách hàng lớn của Nga - châu Âu - cũng giảm mua rõ rệt. Một mạng lưới khổng lồ các mỏ khí đốt và đường ống dẫn khí - được phát triển với chi phí hàng trăm tỷ USD kể từ khi khí đốt đầu tiên vượt qua biên giới Áo vào năm 1968 - đã bị vứt bỏ.

Ước tính vào năm 2017, 100 tỷ USD đã được đầu tư vào việc phát triển trữ lượng khí đốt trên bán đảo Yamal của Nga. Hầu hết trong số đó được nối với châu Âu thông qua các đường ống, bao gồm cả những đường ống chạy dưới biển Baltic nối Nga với Đức.

Khoản đầu tư khổng lồ nói trên dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Tuy nhiên, chuyên gia Julian Lee cho rằng, phần lớn khoản đầu tư đó hiện có vẻ dư thừa.

Mặc dù Nga có thể cứu vãn một số mối quan hệ năng lượng với châu Âu sau khi chiến dịch quân sự tại Ukraine kết thúc, nhưng các nước EU có thể sẽ không cần quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga như trước đây.

Trong năm 2022, chính phủ và người tiêu dùng ở châu Âu đã nghiêm túc về việc nỗ lực thay thế khí đốt Moscow. EU hạn chế nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, mức giá kỷ lục phải trả cho khí đốt và điện đã thúc đẩy những quốc gia này đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Nhờ "cơn khát" dầu thô giá rẻ của các nhà máy lọc dầu Ấn Độ, các công ty dầu mỏ của Nga đã thành công trong việc chuyển hướng giao hàng dầu thô khi bị những người mua truyền thống ở châu Âu "xa lánh".

Tuy nhiên, việc chuyển hướng đã khiến Nga phải trả một cái giá rất lớn. Các khoản chiết khấu lớn lên tới 35 USD/thùng, tương đương với mức giảm giá 40%, đã được yêu cầu để thâm nhập thị trường Ấn Độ.

Vào cuối năm ngoái, các thùng dầu của Nga chiếm khoảng 1/4 lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ, thay thế hàng hóa từ các nhà cung cấp Trung Đông truyền thống của đất nước này như Saudi Arabia, Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait.

Không dễ dàng thay thế

Ông Julian Lee nhận thấy, việc chuyển hướng dòng dầu thô sang một thị trường đang "khát" là một chuyện; hướng các sản phẩm đã tinh chế vào thị trường lại là chuyện hoàn toàn khác.

Thời gian tới, khi lệnh trừng phạt các sản phẩm tinh chế của dầu chính thức có hiệu lực, vẫn sẽ có một số quốc gia sẵn sàng mua dầu diesel giá rẻ của Nga nhưng họ sẽ yêu cầu giảm giá đủ lớn để buôn bán có lãi. Những khoản chiết khấu này do các doanh nghiệp Nga, Điện Kremlin và chính phủ phải gánh chịu.

Xét về lợi thế, chuyên gia Julian Lee cho hay, dù là sản phẩm thô hay tinh chế, dầu đều có lợi thế lớn so với khí tự nhiên. Dầu có thể được vận chuyển dễ dàng bằng đường biển.

Trong gần 55 năm qua, Nga đã hướng về phía Tây để tìm kiếm những khách hàng mua khí đốt. Quốc gia này mạnh tay đầu tư các đường ống dẫn khí khổng lồ, dài hàng nghìn km để liên kết các mỏ khí đốt.

10 năm gần đây, Nga lại bắt đầu hướng sang phía Đông để tìm thị trường mới. Mới đây nhất, đường ống dẫn khí Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) đang tăng tốc vận chuyển nhiên liệu đến Trung Quốc.

Năm 2022, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Nga Gazprom Aleksey Miller cho biết, tập đoàn này cơ bản đã đạt đến một “cấp độ mới” trong xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Trong năm, số lô hàng khí đốt mà Gazprom giao cho Bắc Kinh thường xuyên vượt qua các nghĩa vụ theo hợp đồng.

Dù vậy, Gazprom đưa ra chi phí chính thức của Power of Siberia và các mỏ khí liên quan là 55 tỷ USD.

Ông Julian Lee dẫn một đánh giá độc lập cho thấy, chi phí chính thức lớn gần gấp đôi mức 55 tỷ USD và cho rằng, đây là một khoản đầu tư sẽ không bao giờ mang lại lợi nhuận.

Vị chuyên gia này dự đoán, sẽ có giới hạn về lượng khí đốt mà Bắc Kinh sẽ mua của Nga. Trong khi nhu cầu năng lượng của Trung Quốc là rất lớn, nhưng quốc gia này cũng không trở nên quá phụ thuộc vào Moscow. Vì vậy, Nga sẽ cần tìm "ngôi nhà" khác để thay thế các thị trường châu Âu đã mất.

Moscow muốn cung cấp khí đốt cho Ấn Độ, một quốc gia đang phát triển nhanh chóng khác, với nhu cầu năng lượng ngày càng lớn. Tuy nhiên, việc vận chuyển khí đốt tự nhiên tới Ấn Độ thậm chí còn khó khăn hơn so với việc đưa khí đốt tới Trung Quốc.

Tuyến đường vận chuyển sẽ phải băng qua một số ngọn núi cao nhất thế giới hoặc đi qua Afghanistan và Pakistan. Điều này khiến việc xây dựng và vận hành những đường ống dẫn khí trở nên tốn kém hơn so với tuyến đường nối giữa hai quốc gia có biên giới chung.

Chuyên gia về dầu mỏ Julian Lee khẳng định: "Nga đã mất thị trường năng lượng châu Âu và không dễ dàng để thay thế".

(theo Bloomberg)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thi-truong-nang-luong-gay-dung-50-nam-bi-thoi-bay-khach-sop-co-giup-nga-cuu-van-214804.html