Thị trường nhạc số Việt Nam: Khai thác những điểm mạnh để bước ra thế giới
Sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, đảm bảo sự tiếp cận cho tất cả mọi người. Mặt khác, việc phổ biến các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật trên môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan tới vấn đề bản quyền tác giả, chất lượng tác phẩm, an ninh mạng... Dưới đây là ý kiến của nhà sáng tạo, người thực hành văn hóa... về vấn đề này.
Nếu khai thác tốt, thị trường Việt Nam sẽ sôi động hơn nhiều
Vào năm 2019, một ca sĩ Việt Nam muốn làm một music video (MV) sẽ phải tiêu tốn khoảng 1 - 2 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn bởi ở những nước như Thái Lan hay Philippines, họ chỉ đầu tư khoảng 300 - 500 triệu đồng cho một MV. Nói về âm nhạc số, doanh số tại Việt Nam luôn ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực. Như vậy, có một mâu thuẫn là đầu tư cao nhưng doanh thu thấp. Thái Lan có dân số 70 triệu người, doanh thu của thị trường âm nhạc tại nước này đứng ở top trung bình với 102 triệu USD/năm, còn Việt Nam ước tính chỉ đạt 17 triệu USD (năm 2019).
Có một thực tế khác là tuy thị trường âm nhạc Việt Nam khá lớn nhưng nhiều ca sĩ Việt Nam lại không sống bằng âm nhạc. Họ sống bằng hợp đồng quảng cáo. Đó cũng là lý do vì sao họ phải đầu tư quá nhiều cho một MV. Mỗi năm họ chỉ ra một sản phẩm, nên phải chắc chắn rằng sản phẩm của mình phải là một bản hit lớn, xếp hạng top 1 trending, đạt 100 triệu lượt xem... Điều đó khiến ca sĩ ít đầu tư cho album hay những dự án mà họ cho rằng có độ rủi ro cao hơn, có tính thể nghiệm hơn. Họ buộc phải đầu tư cho những bài hát dễ nghe nhất, thời thượng nhất và dễ dàng lên top trending nhất.
Nhưng cho đến năm nay, mọi thứ đã thay đổi. Chúng ta đã có nhiều MV tiệm cận với khu vực. Không cần những bối cảnh quá hoành tráng mà tập trung vào không gian âm nhạc và nâng niu âm nhạc giống như cách các nước trong khu vực đang làm. MV của Việt Nam vẫn luôn được khen là đẹp và sáng tạo. Để có được điều đó, các ca sĩ Việt hiện đã có một khoản thu khá tốt từ các nền tảng streaming như Facebook Live, YouTube, Twitch... Ước tính năm nay, doanh thu âm nhạc của thị trường số khoảng 37 triệu USD, gấp đôi so với thời điểm cách đây 4 năm. Đó là điều đáng mừng bởi khi các nền tảng nghe nhạc có trả phí ở Việt Nam phát triển thì sẽ càng ngày càng có nhiều nghệ sĩ giới thiệu tác phẩm của mình.
Có những nghệ sĩ không quá nổi tiếng tại Việt Nam, ví dụ như Quang Hùng MasterD, nhưng vẫn thấy bảng quảng cáo về anh tại trung tâm sầm uất nhất Bangkok (Thái Lan). Lý do là anh ấy có đông đảo fan hâm mộ tại Thái Lan. Dù bài hát không quá thành công tại Việt Nam nhưng thông qua Tiktok lại được khán giả Thái Lan yêu thích và được hát lại trên sân khấu truyền hình Trung Quốc. Khi chúng ta có những nền tảng streaming quốc tế thì cơ hội đang chia đều cho tất cả. Muốn vậy, chúng ta phải am hiểu khán giả, văn hóa của từng nước. Âm nhạc thế giới có nhiều bài hát có thể không quá nổi tiếng trên toàn cầu nhưng lại rất phù hợp với khán giả Việt Nam. Và ngược lại, nghệ sĩ Việt cũng có những điểm mạnh để bước ra thị trường thế giới. Hiện giờ, nghệ sĩ Việt Nam có thể chọn kênh phát hành chung với các ca sĩ nổi tiếng trên thế giới.
Thị trường Việt Nam rất tiềm năng, nếu khai thác tốt thì tôi tin thị trường Việt Nam còn sôi động gấp 10 lần bây giờ.
Số lượt xem không phải là tiêu chí hoàn hảo để đánh giá chất lượng
Đối với mạng xã hội hiện nay, số lượt xem là yếu tố quan trọng để đo độ phổ biến của các sản phẩm giải trí nói chung. Nhưng nó sẽ không hoàn toàn đánh giá được sản phẩm ấy có đủ chất lượng về nội dung cũng như hình thức hay không. Để đưa sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đến khán giả thì cần nhiều yếu tố, trong đó có truyền thông, gu thưởng thức của khán giả. Có thể thông điệp của mình đưa ra là hay, ý nghĩa, nhưng nếu không phù hợp thị hiếu khán giả nói chung mà chỉ hướng đến một số đối tượng nhất định thì đương nhiên số lượt view sẽ không nhiều bằng những sản phẩm hướng tới số đông. Do vậy, chỉ căn cứ vào số lượt view thì không thể đánh giá chính xác chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, đối với tôi, việc truyền thông một sản phẩm qua mạng xã hội là điều rất quan trọng. Một sản phẩm chất lượng nếu không biết cách quảng bá thì sẽ rất phí. Điều này đòi hỏi các nghệ sĩ phải lưu tâm đến công tác quảng bá. Mỗi ngày có hàng nghìn sản phẩm ra mắt, khán giả có quá nhiều lựa chọn, nên nếu không quảng bá thì làm sao khán giả biết đến.
Trong thị trường giải trí đầy sôi động, việc chọn ra những sản phẩm có chất lượng là điều không dễ, nhưng không phải là không thể. YouTube hay Tiktok đều có những thuật toán để khi người dùng nghe nhiều, xem nhiều một thể loại âm nhạc nào đó thì nó sẽ gợi ý cho người xem những sản phẩm tương tự. Bởi thế, mức độ phổ biến của tác phẩm hay - tác phẩm "tào lao" có liên quan tới chính sự lựa chọn của chúng ta.
Dữ liệu văn hóa, dữ liệu truyền thống đang bị trống
Hiện tại chúng ta đang gặp khó khăn do cơ chế chính sách và hệ thống quản lý nhà nước vẫn chưa đồng bộ. Thứ hai, mặc dù chúng ta đầu tư rất nhiều trong giai đoạn gần đây nhưng hạ tầng kỹ thuật số còn kém so với nhiều nước trên thế giới. Năng lực cạnh tranh trong thị trường công nghiệp văn hóa cũng kém hơn, nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù chúng ta đã nói nhiều đến big data, dữ liệu số nhưng các dữ liệu văn hóa, dữ liệu truyền thống đang bị trống. Khi xu hướng tiêu dùng số ngày càng tăng, thị trường tiêu dùng các sản phẩm văn hóa trên nền tảng số phát triển sẽ là cơ hội để chúng ta có thể tận dụng khả năng tiếp cận và sáng tạo các sản phẩm văn hóa ngày càng nhiều theo tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tiếp cận với các ứng dụng công nghệ đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra sự bình đẳng trong việc cung cấp các sản phẩm văn hóa trên môi trường số.
Công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam trong môi trường số vẫn còn những thách thức. Đó là sự bất bình đẳng về tiếp cận số giữa các vùng, miền, giữa Việt Nam và các quốc gia khác, cùng với đó là những biến đổi về chuỗi giá trị văn hóa. Trước đây, chuỗi giá trị đi từ người sản xuất, sáng tạo cho đến phân phối, người tiêu dùng. Bây giờ, chuỗi tuyến tính ấy thay đổi, đan chéo nhau từ nhà sản xuất đến tiêu dùng và ngược lại. Bên cạnh đó, những sự thay thế về công nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ làm ảnh hưởng đến công việc thiết kế. Thêm vào đó là những rủi ro về an ninh mạng và quyền riêng tư cá nhân.
Để đảm bảo sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo phù hợp với kỷ nguyên số, cần lưu ý: Rằng cơ chế chính sách phải đảm bảo khuyến khích sự sáng tạo, đồng thời gỡ bỏ rào cản về kiểm duyệt. Bởi lẽ trong kỷ nguyên số, quá trình sáng tạo diễn ra trong thời gian thực rất nhanh trong khi hệ thống kiểm duyệt quá lạc hậu. Bên cạnh đó, cần tăng hiệu quả công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền lợi của người sáng tạo.