Thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất năm 2025: Mỹ có thể 'soán ngôi' Trung Quốc?

Mỹ và Trung Quốc hiện đang là hai thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Năm 2025, với những thay đổi trong chính sách thương mại và nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, ngành cá tra Việt Nam có cơ hội lớn để tái định vị trên thị trường quốc tế. Việc Mỹ có thể 'soán ngôi' Trung Quốc hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là khả năng tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến động lớn về thị trường tiêu thụ. Năm 2017 đánh dấu một bước ngoặt khi Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, vào năm 2018, Mỹ đã nhanh chóng lấy lại vị trí dẫn đầu với giá trị xuất khẩu cá tra đạt 550 triệu USD, trong khi con số này sang Trung Quốc là 529 triệu USD.

Từ năm 2019 đến nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ gặp nhiều khó khăn do vướng phải rào cản về thuế chống bán phá giá, khiến tốc độ tăng trưởng không được như kỳ vọng. Trong khi đó, Trung Quốc đã duy trì vị trí thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam trong suốt 6 năm liên tiếp, trở thành đối tác thương mại quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam.

 Ảnh: Vasep.

Ảnh: Vasep.

Thị trường Mỹ 'hồi sinh', xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể vượt Trung Quốc trong 2025

Năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đóng góp 29% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang các thị trường. Tháng 10/2024 được ghi nhận là tháng có kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc cao nhất kể từ đầu năm, đạt hơn 61 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm cá tra Việt Nam.

Các sản phẩm phi lê cá tra đông lạnh từ Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nhờ chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh. Trong quý IV/2024, giá trị xuất khẩu sản phẩm này sang Trung Quốc đạt hơn 100 triệu USD, tăng 62% so với quý IV năm 2023. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu phi lê cá tra đông lạnh sang Trung Quốc năm 2024 đạt 349 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 60% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Cũng trong quý IV/2024, Trung Quốc cũng tăng cường nhập khẩu các sản phẩm cá khô và các sản phẩm đông lạnh khác như cá nguyên con, cá cắt khúc, bong bóng cá,... với mức tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng trong thời gian này ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 92% so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh sự đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị thương hiệu của cá tra Việt Nam.

Mặc dù Trung Quốc đang chiếm ưu thế, nhưng Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng và quan trọng đối với ngành cá tra Việt Nam. Vasep dự báo, năm 2025, vị trí dẫn đầu của Trung Quốc có thể bị thay đổi khi Việt Nam và Hoa Kỳ vừa ký kết Thỏa thuận song phương về việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm phi lê cá tra xuất khẩu từ Việt Nam. Đây được xem là một bước tiến lớn, mở ra cơ hội để xuất khẩu cá tra Việt Nam ổn định hơn sang thị trường Mỹ.

Việc Hoa Kỳ thực thi phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không chỉ giúp giảm bớt rào cản thương mại mà còn thể hiện thiện chí tăng cường mối quan hệ đa chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đặc biệt, trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, việc thúc đẩy hợp tác thương mại trong lĩnh vực thủy sản sẽ góp phần củng cố mối quan hệ song phương.

Hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD

Năm 2025 được dự báo là năm có nhiều biến động đối với thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Với việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá, Mỹ có thể trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, thay thế vị trí của Trung Quốc. Tuy nhiên, mặt hàng này cũng đứng trước những thách thức lớn. Theo đó, biến đổi khí hậu cùng với sự thay đổi về lũ trên thượng nguồn ảnh hưởng tới lượng nước ngọt trên sông Mê Kông và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ tác động đến hoạt động nuôi trồng thủy sản nói chung và hoạt động nuôi cá tra nói riêng trong tương lai.

Bên cạnh đó, ngành hàng cá tra còn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt khi một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đang đẩy mạnh việc nuôi và chế biến thủy sản tương tự...

Theo kế hoạch, Việt Nam đề ra mục tiêu nâng cao giá trị cá tra trong năm 2025, phấn đấu đạt sản lượng 1,65 triệu tấn, nhưng hướng tới kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD. Trong bối cảnh đời sống sản xuất, kinh tế, môi trường đang có nhiều biến động, đây là mục tiêu đòi hỏi nhiều nỗ lực lớn của toàn ngành và nhiều cơ quan chức năng.

Để thực hiện mục tiêu này, trong các cuộc họp tổng kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tập trung phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng, đồng thời kiểm soát chất lượng các cơ sở sản xuất giống. Đặc biệt là kêu gọi phát triển chuỗi khép kín trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra, ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu hóa việc sử dụng phụ phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường sang các khu vực khác như EU, Nhật Bản, ASEAN, Halal,... cũng là một hướng đi chiến lược nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thi-truong-nhap-khau-ca-tra-viet-nam-lon-nhat-nam-2025-my-co-the-soan-ngoi-trung-quoc.html