Thị trường nô lệ tình dục IS (K1): Vũ khí chiến tranh
(ĐTTCO) - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã dùng rất nhiều chiêu trò để tuyển dụng chiến binh, trong đó một chiêu trò vô nhân đạo nhất có lẽ là dùng nô lệ tình dục làm mồi nhử.
Dù thường dùng các biện pháp tránh thai, những phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục vẫn mang thai với kẻ hiếp dâm họ. Và điều này tạo ra những bi kịch chưa có lời giải.
Từ xa xưa người ta đã dùng nô lệ tình dục và hãm hiếp như một vũ khí chiến tranh, nhưng thực hiện với cách thức tàn ác và trên quy mô lớn như IS là chưa từng có.
Ác mộng
Mỗi khi rơi vào giấc ngủ, Khaula lại mơ thấy ác mộng. Sau 8 tháng bị IS giam cầm, cô đã sinh hạ một bé gái. Cha của đứa trẻ chính là người đã hành hạ cô trong suốt thời gian đó. Hắn là một chiến binh IS đến từ Mosul, Iraq. Hắn đã có rất nhiều con gái với người khác và muốn Khaula sinh cho hắn một con trai.
Liên hiệp quốc ước tính khoảng 3.500 phụ nữ người Yazidi vẫn phải sống đời nô lệ tại các khu vực IS kiểm soát. Những nguồn khác ước tính con số lên đến 7.000 người. IS ép các nô lệ dùng các biện pháp tránh thai để có thể bán được họ nhiều lần (thường 5-7 lần).
Đó là cách đây 12 tháng. Khaula hiện đang sống ở Đức, không có con gái bên cạnh. Cô đang ngồi trong một quán cà phê ở Baden-Württemberg, nơi cô đến để chia sẻ câu chuyện của cô. Cô là một người phụ nữ trầm lặng 23 tuổi, với những lọn tóc đen và thích mặc quần áo của người Kurd. Hiện Khaula đang ở trong một khu nhà tập thể với những phụ nữ khác, những người cũng được giải thoát giống như cô. Nơi cô ở được giữ bí mật, và Khaula cũng chỉ là một bí danh. Vì tại Đức có nhiều người ủng hộ IS, nên những người phụ nữ như cô vẫn bị đe dọa khi sống tại đó. Chính quyền bang Baden-Württemberg hiện đang cưu mang khoảng 1.000 phụ nữ và trẻ em được cứu từ Iraq để giúp họ ổn định cuộc sống.
Vào tháng 8-2014, IS xâm chiếm khu vực Sinjar phía bắc Iraq, giết và bắt cóc hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái, sau đó dùng họ nô lệ tình dục cho các chiến binh của mình. Hàng trăm phụ nữ đã cố thoát ra ngoài và sau đó phát hiện đã mang thai. Vì vậy, con cái những chiến binh IS hiện có thể được tìm thấy ở Syria, Iraq, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và các nước khác, nơi những người tị nạn tìm đến trú ẩn. Con số này được cho là lên đến hàng trăm em bé. Chẳng hạn, tại khu vực người Kurd kiểm soát ở Iraq, các bác sĩ ước tính có từ 40-100 trẻ em như vậy. Nhưng so với số lượng phụ nữ đã bị bắt cóc trong khu vực, con số này có vẻ thấp.
1.500EUR/người
Ngày 3-8-2014, IS tấn công làng của Khaula và trong vòng 1 tháng, 5.000 người trong vùng đã biến mất. Khaula bị tống lên một chiếc xe buýt và đưa đến một nhà tù có hàng trăm phụ nữ và các cô gái khác. Sau đó, họ bị các tay sai IS đem bán như một món hàng. Khaula rơi vào tay của một tên IS cao lớn, 45 tuổi, người tự gọi mình là Abu Omar. Hắn mua cô với giá 1,5 triệu dinar Iraq (1.500EUR - 37,4 triệu VNĐ). Sau đó hắn nhốt cô trong một ngôi nhà ở Mosul, thành trì của IS tại Iraq. Tại nơi đó cô đã bị hắn vùi hoa dập liễu bằng những thủ đoạn bạo lực, chửi rủa cô và bắt cô phải nghe những tiếng thét của người phụ nữ khác, những người bị tra tấn trong cùng một ngôi nhà. Sau 4 tháng, hắn mang Khaula đến nhà của vợ mình, một người đã mang thai. Cô được lệnh phải làm người ở cho vợ hắn, làm việc nhà, giặt giũ và nấu ăn. Trong một lần nổi cơn ghen tuông, vợ hắn đã dùng ghế đánh cô.
Abu Omar có 5 con gái với người vợ đầu tiên. Vì vậy, hắn nói với Khaula: "Hãy sinh cho tao một đứa con trai". Khaula nói về con mình: “Nó rất xinh đẹp”. Nhưng cô cũng cho biết không muốn có nó. IS không muốn các nô lệ tình dục như Khaula có thai. IS phát hành một cuốn sách nhỏ về cách đối xử với nô lệ nữ, có nhan đề "Hỏi đáp về nô lệ và những kẻ bị bắt”. Cuốn sách này được tiết lộ trên internet sau các cuộc tấn công vào Sinjar vào năm 2014. Nó nói rằng quan hệ tình dục với nô lệ là được phép. Cuốn sách chỉ đề cập đến việc mang thai vì nó liên quan đến giá cả của nô lệ. Theo đó, một nô lệ nếu có thai sẽ không còn giá trị vì không thể bán lại được. Nói cách khác, giá trị của nô lệ nữ rơi xuống zero một khi họ mang thai. Nhưng vị trí của họ sẽ khá hơn: Là một người mẹ, họ có vị trí ở giữa một nô lệ và người tự do. Họ không còn phù hợp với các khái niệm về buôn bán nô lệ hay chợ trinh IS dùng để tuyển mộ chiến binh mới.
IS dùng nô lệ tình dục như một cách tuyển mộ chiến binh mới.
Những câu hỏi đau lòng
Việc sử dụng hãm hiếp như một vũ khí là một khái niệm cũng lâu đời như chiến tranh, nhưng cách thức và quy mô IS thực hiện là cực kỳ lớn và tàn ác. IS buộc nhiều phụ nữ Yazidi bị bắt cóc phải sử dụng các biện pháp tránh thai để đảm bảo có thể dễ dàng bán họ. Những người này thường được bán 5-7 lần cho những chiến binh khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp mang thai. Hầu hết các trẻ em như vậy hiện nay không quá 1 tuổi rưỡi. Chúng là bằng chứng của những tội lỗi và sự tủi nhục đã diễn ra. Và chúng cũng là đại diện cho sự phá hoại những nền tảng đạo đức trong xã hội người Kurd.
Nhưng việc tìm thấy trẻ em IS không dễ dàng, nhất là vì sự sống còn của chúng là một điều cấm kỵ. Chúng cũng nêu ra một số câu hỏi về vấn đề nô lệ tình dục trong khu vực. Chẳng hạn, chính quyền sẽ ứng xử với các trẻ em này như thế nào? Những vấn đề các bà mẹ của những đứa trẻ này phải đối mặt khi họ trốn thoát hoặc được giải thoát? Và IS sẽ làm gì khi chúng phát hiện 1 nô lệ tình dục mang thai? Việc tìm kiếm các câu trả lời cho những câu hỏi này không chỉ dẫn đến Baden-Württemberg, mà còn đến một một thẩm phán chuyên về luật nuôi con nuôi ở Dohuk, nơi bé Nura (con một chiến binh IS và nô lệ) được nhìn thấy đang nằm trong nôi. Kết quả câu chuyện không phải là điều tốt hay xấu, đen hay trắng. Đó là câu chuyện của một xã hội bị đánh bại, dù bị chấn động nghiêm trọng, nó cũng đang cố gắng duy trì những giá trị của mình.
Bên trong quán cà phê, Khaula mang giày cao gót và một chiếc váy màu đen. Cô là một phụ nữ tinh tế và nhỏ nhắn. Phải mất vài giờ Khaula mới chia sẻ hết câu chuyện của cô. Cô không khóc khi nói về nó, cô kể giống như kể về chuyện số phận của một người khác. "Tôi kể về nó để gia đình bị bắt của tôi ở Iraq không bị bị lãng quên" - cô nói.
-------------
Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160604/ky-1-vu-khi-chien-tranh.aspx