Thị trường ô tô tháng 5 tăng 13% so tháng trước
Theo nhận định từ các chuyên gia, thị trường trong tháng 5, số lượt liên hệ mua ô tô mỗi ngày tăng 13% so với tháng 4 cho thấy thị trường mua bán xe đang sôi động trở lại.
Kể từ đầu năm đến nay, nhất là khi dịch bùng phát, giá ô tô tại Việt Nam đã có những thời điểm giảm chưa từng có, diễn ra ở rộng khắp tất cả các phân khúc, từ xe cỡ nhỏ hạng A đến các mẫu xe bình dân hay hạng sang.
Bước sang nửa đầu tháng 5, nhiều hãng và nhà phân phối ô tô tại Việt Nam tiếp tục đưa ra thêm các chương trình ưu đãi mới hấp dẫn hơn. Trong đó, hầu hết các thương hiệu phổ thông với những dòng xe được yêu thích hiện nay của Toyota, Honda, Mazda, Hyundai, Ford hay Nissan, Mitsubishi,... đều tung các gói khuyến mãi từ 20 triệu đến 100 triệu đồng tại các đại lý.
Quan sát thị trường cho thấy, các showroom nhanh chóng đẩy hàng sau một thời gian “đóng băng” vì trong thời gian cách ly xã hội với số lượng tin đăng bán xe mới và cũ cũng tăng mạnh đến 36% so với tháng 4. Bên cạnh đó, số tin rao bán xe từ cá nhân cũng tăng mạnh. Nguyên nhân có lẽ do nhiều người muốn bán xe lấy tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh cá nhân.
Theo thống kê của một chuyên trang mua bán ô tô, trong tháng 5, số lượt liên hệ mua xe mỗi ngày tăng 13% so với tháng 4. Tốc độ tăng của nhu cầu tìm mua khá nhanh, nhưng vẫn chưa đuổi kịp thời gian cao điểm trước Tết Nguyên Đán 2020 của thị trường xe.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong đó, đáng chú ý là việc chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích cầu tiêu dùng sau đại dịch Covid-19.
Ngoài việc giảm phí trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng trong năm 2020, Chính phủ còn cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31/12/2020. Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 ngày 1/9/2016 và Nghị định số 125/NĐ-CP ngày 16/11/2017 cũng được Thủ tướng ban hành hồi cuối tháng 5 nhằm kích cầu tiêu dùng.
Cụ thể, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô) được áp dụng từ ngày 10/7/2020 và với quy định của Nghị định 125/2017/NĐ-CP các doanh nghiệp phải cam kết đạt sản lượng nhất định mới được quyền hưởng các thuế suất thuế nhập linh kiện 0%.
Đây là chính sách tác động rất lớn đến ngành ô tô trong nước cũng như là chi phí sản xuất, lắp ráp xe hơi Việt Nam để cạnh tranh với các xe nhập ngoại từ ASEAN.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc giảm thuế, phí kể trên, Chính phủ đã tạo cơ hội rất lớn cho ngành sản xuất xe hơi trong nước, gián tiếp giúp các doanh nghiệp xe giảm chi phí, giảm giá để cạnh tranh. Từ đó, kỳ vọng thị trường ô tô tháng 6 sẽ tăng trưởng, không còn tình trạng ế ẩm, ảm đạm.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thi-truong-o-to-thang-5-tang-13-so-thang-truoc-385820.html