Thị trường phân hóa mạnh, VN-Index giảm nhẹ 2,4 điểm
Trong phiên giao dịch ngày 24/12, áp lực điều chỉnh từ nhóm blue-chip khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ phần lớn thời gian giao dịch phiên sáng.
Biên độ điều chỉnh trong phiên nới rộng dần cho thấy áp lực bán có tín hiệu gia tăng, thêm vào đó lực cầu thiếu sự chủ động tham gia giải ngân nên chỉ số chung chưa có đủ động lực để hồi phục.
Trong bối cảnh diễn biến chung đang lình xình và giằng co, tín hiệu tích cực đáng chú ý là sự phân hóa của dòng tiền sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, cho thấy dòng tiền vẫn liên tục tìm kiếm cơ hội mới trên thị trường chứ chưa có dấu hiệu rút lui.
Quán tính điều chỉnh vẫn là diễn biến chính trong khoảng 30 phút đầu phiên chiều khi áp lực bán chiếm ưu thế. Tuy nhiên, ở thời gian còn lại, lực cầu có tín hiệu gia tăng rõ nét giúp biên độ giảm điểm dần được thu hẹp và thị trường cũng phần nào sôi động hơn.
Nổi bật trong phiên là nhóm phân đạm và vận tải -cảng biển với VOS tăng 5,6%, CSV tăng 5,56%, BFC tăng 3,4%. Khối ngoại mua ròng nhẹ với tổng giá trị ròng đạt 44,13 tỷ, tập trung mua SSI, MWG, STB. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.260,36, giảm 2,40 điểm, tương đương 0,19%.
Phân tích kĩ thuật, VCBS cho biết, VN-Index kết phiên với nến Hammer nhờ nỗ lực của lực cầu chủ động cùng sự phân hóa phía dòng tiền giúp thị trường cân bằng tại hỗ trợ 1.250 điểm.
Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung lùi về tiệm cận mốc 1250, đồng thời là đường Senkouspan B (đây cũng là điểm giao cắt với đường MA50) và có tín hiệu hồi phục cho thấy 1.250 điểm là điểm hỗ trợ uy tín trong ngắn hạn. Đường +/-DI tiếp tục di chuyển đan xen và dải Bollinger band dần bo hẹp nên xác suất cao VN-Index sẽ vận động tăng giảm đan xen ở biên độ nhỏ để cân bằng lại quanh vùng hỗ trợ này.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI và MACD có tín hiệu hướng lên từ vùng thấp và đã hình thành phân kì dương thể hiện sự hồi phục của thị trường trong phiên. Chỉ báo CMF vận động trên mốc 0, tuy nhiên đang đi ngang cho thấy dòng tiền có sự phân hóa nhưng chưa có tính lan tỏa diện rộng. Nếu lực cầu và nhóm blue-chip tìm được sự đồng thuận trong các phiên tới thì kỳ vọng thị trường sẽ sớm tìm lại động lực ở mốc 1.258 điểm, đồng thời cũng là hỗ trợ ở đường mây Senkou-span B.
Về chiến lược giao dịch, VCBS cho rằng, thị trường đã có tín hiệu cân bằng khi điều chỉnh về gần vùng hỗ trợ 1.250 điểm với tín hiệu giải ngân có thể nói là tích cực hơn. Nhà đầu tư tranh thủ cơ cấu danh mục, loại bỏ những mã suy yếu khi vượt đỉnh thất bại hoặc rơi khỏi vùng hỗ trợ; đồng thời chọn lọc các mã đang có tín hiệu bật tăng từ nền hỗ trợ cứng với sự tham gia chủ động của dòng tiền và giải ngân từng phần với mục tiêu đầu tư ngắn hạn. Một số nhóm ngành đáng lưu ý thời điểm hiện tại bao gồm phân đạm, vận tải-cảng biển, thủy sản.
Một số phân tích kỹ thuật khác cho rằng, VN-Index đóng cửa trên Gap tăng cho thấy vùng điểm số 1.260 điểm vẫn thu hút lực cầu chủ động. Qua đó dự báo chỉ số chung có thể trở lại trạng thái tích cực hơn và hướng tới vùng 1.270 điểm trong phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải.