Thị trường rượu…bỏ ngỏ đến bao giờ?
Rượu vốn là 'kẻ thù' của gan, tụy và một số bộ phận trong cơ thể, vì thế lạm dụng, uống vượt ngưỡng cho phép vốn đã không tốt cho sức khỏe, song sử dụng rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng còn nguy hiểm hơn nhiều!
Sau khi Bộ Y tế phát đi cảnh báo khẩn về tình trạng người dân ngộ độc methanol sau khi uống rượu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương đã ra văn bản yêu cầu thu hồi ngay sản phẩm Rượu nếp, Hầm Rượu Việt của cơ sở sản xuất rượu Đất Lúa; cơ sở này có trụ sở đăng ký tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Động (Hưng Yên).
Vụ việc này được phát hiện ngày 12/11, trên cơ sở báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) về việc tiếp nhận bảy bệnh nhân trong hai vụ ngộ độc methanol tại tỉnh Bắc Giang. Nghiêm trọng hơn, trong số bảy bệnh nhân đã có một người tử vong, một người suy giảm thị lực nặng và di chứng thần kinh vì ngộ độc rượu.
Từ câu chuyện Bộ Công Thương yêu cầu thu hồi ngay rượu có dán nhãn “Rượu Nếp”, “Hầm Rượu Việt” suy nghĩ về thị trường tiêu thụ bia, rượu hiện nay không khỏi giật mình. Chưa khi nào từ Nam ra Bắc hệ thống các quán nhậu, nhà hàng mọc lên nhiều như vậy. Chính điều này đã đưa Việt Nam thành nước tiêu thụ lượng bia, rượu số 1 Đông Nam Á và Top đầu thế giới. Ngoài bia chai, bia lon, (bia hơi thị trường Hà Nội) đa số các nhà hàng, quán nhậu đều bán rượu. Đi bất kỳ nhà hàng, quán nhậu nào chúng ta cũng “bắt gặp” các loại rượu.
Từ rượu đóng chai do các nhà máy, cơ sở trong và ngoài nước sản xuất, còn có rất nhiều các loại rượu ngâm (ngâm nội tạng động vật, ngâm các loại thảo quả, rễ cây…). Xin bàn thêm về rượu ngâm, theo kinh nghiệm dân gian, đối với các loại rượu công nghiệp đa số không dùng cho việc ngâm rượu thuốc được, vì lượng cồn cao.
Do đó, muốn ngâm rượu thuốc chỉ có thể là rượu nấu (rượu truyền thống theo phương pháp thủ công). Loại rượu này, dù có thời đại công nghiệp 4.0 đến mấy, cũng phải thông qua các chu trình ít nhất 5-7 ngày mới cho ra lò sản phẩm được. Và để ngâm thành rượu thuốc, ít nhất thời gian ngâm cũng từ 3 tháng đến 1 năm (ngâm càng lâu, càng tốt). Ấy vậy, rất nhiều quán bán rượu thuốc (rượu ngâm), một ngày bán cả hàng chục đến cả trăm chai thì không biết quy trình ngâm ra sao? Đấy là chưa kể “nguồn gốc”, xuất xứ các loại rượu thế nào?
Để hạn chế việc sử dụng bia, rượu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đây được coi là đạo luật tiến bộ, nhằm hạn chế những tác hại của bia, rượu đối với sức khỏe người uống và sâu xa hơn là giống nòi. Tuy nhiên, những chế tài dưới luật để kiểm soát chất lượng đầu ra (cơ sở nấu, sản xuất) và đầu vào (nơi tiêu thụ) thì vẫn chưa thấy chế tài.
Ví dụ, như người dân đang mong muốn, Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn về chỉ số an toàn áp dụng cho các công ty, cơ sở sản xuất rượu. Rượu chỉ được lưu hành (bất kể loại rượu nào thủ công hay công nghiệp) khi có giấy chứng nhận an toàn của cơ quan chuyên môn. Còn trước mắt, các cơ quan chuyên trách như quản lý thị trường, thanh tra Y tế, các địa phương phải đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra chất lượng các loại rượu được bầy bán hệ thống, quán nhậu. Loại nào đạt yêu cầu thì cho phép lưu hành, loại nào không đảm kiên quyết xử lý nghiêm… có như thế thị trường tiêu thụ rượu mới không bị loạn như hiện nay.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thi-truong-ruou-bo-ngo-den-bao-gio-115739.html