Thị trường tài chính 24h: Các ngân hàng đã có những điều chỉnh trong danh mục đầu tư

VN-Index giảm hơn 12 điểm; Doanh nghiệp ứng biến với biến động tỷ giá; Đằng sau danh mục đầu tư của các ngân hàng; Tháng 9 có thể là cơ hội mua tốt; ECB sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ hai liên tiếp…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 10/9 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 78,50 – 80,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 8,8 USD lên 2.506,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giằng co nhẹ quanh ngưỡng 2.500-2.505 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,58 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.194 đồng/USD, tăng 17 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.490 – 24.830 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 53.900 lên 56.400 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và có lúc lên trên 57.300 USD, trước khi lùi nhẹ vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,02 USD (-1,48%), xuống 67,69 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,84 USD (-1,17%), xuống 71,00 USD/thùng.

VN-Index giảm hơn 12 điểm

Sau phiên sáng chịu sức ép giảm từ sắc đỏ mở rộng thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục đi xuống. Mặc dù lực bán không quá lớn, nhưng dưới tác động của khá nhiều bluechip nới đà giảm đã khiến VN-Index giảm về gần 1.250 điểm, trước khi có nhịp thu hẹp đà giảm về cuối phiên.

Kết thúc phiên giao dịch 10/9: VN-Index giảm 12,50 điểm (-0,99%), xuống 1.255,23 điểm; HNX-Index giảm 1,77 điểm (-0,76%), xuống 231,69 điểm; UpCoM-Index giảm 0,64 điểm (-0,69%), xuống 92,36 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng tích cực trong phiên thứ Hai (9/9) nhờ lực cầu bắt đáy mạnh mẽ, phục hồi sau một tuần giảm mạnh khi trọng tâm của thị trường trở lại với tỷ lệ cắt giảm lãi suất của Fed vào năm 2024 và báo cáo lạm phát quan trọng vào cuối tuần.

Trong tuần này, thị trường sẽ tập trung theo dõi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ vào thứ Tư. Những dự báo cho thấy dữ liệu lạm phát này sẽ giảm xuống còn 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi trên cơ sở hàng tháng sẽ không thay đổi ở mức 0,2%.

Kết thúc phiên 9/9: Chỉ số Dow Jones tăng 484,18 điểm (+1,20%), lên 40.829,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 62,63 điểm (+1,16%), lên 5.471,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 193,77 điểm (1,16%), lên 16.884,60 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giằng co và đóng cửa giảm nhẹ, khi sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế Mỹ đã khiến giới đầu tư có phần thận trọng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,16% xuống 36.159,16 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,12% xuống 2.576,54 điểm.

"Các nhà đầu tư đã bắt đầu mua bắt đáy cổ phiếu sau những đợt mạnh trong vài ngày qua, nhưng thị trường không thể hoàn toàn lạc quan vì có nhiều bất ổn, chẳng hạn như triển vọng của nền kinh tế Mỹ", Fumio Matsumoto, chiến lược gia trưởng tại Okasan Securities, cho biết.

Cổ phiếu đáng chú ý phiên hôm nay là nhà sản xuất thuốc Daiichi Sankyo, giảm 8,6% sau khi các thử nghiệm cho thấy một loại thuốc hợp tác phát triển với AstraZeneca đã không cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót tổng thể ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối.

Cổ phiếu Joban Kosan tăng 8,8% sau khi cho biết quỹ đầu tư Fortress Investment Group đưa giá chào mua công khai trị giá khoảng 14 tỷ yên (98 triệu USD).

Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhưng dữ liệu xuất khẩu tích cực không làm giảm bớt lo ngại của thị trường về tranh chấp thương mại và áp lực giảm phát trong nước.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,28% lên 2.744,19 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,08% lên 3.195,76 điểm.

Dữ liệu hải quan mới nhất cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng tốc vào tháng 8. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu tăng 8,7% từ mức 7% trong tháng 7, vượt qua dự báo là 6,6% và đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 3/2023.

Các nhà phân tích cảnh báo các rào cản thương mại gia tăng đang nổi lên như một trở ngại lớn, bất chấp xuất khẩu mạnh trong tháng 8.

"Câu hỏi đặt ra là xuất khẩu có thể duy trì đà tăng mạnh trong bao lâu khi nền kinh tế Mỹ có phần suy yếu và căng thẳng thương mại gia tăng", Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết.

Một động thái căng thẳng thương mại là cổ phiếu của công ty công nghệ sinh học WuXi AppTec Co Ltd đã giảm 8,3% tại Hồng Kông và 4,7% ở Đại lục sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nhằm hạn chế kinh doanh với một số công ty công nghệ sinh học Trung Quốc bao gồm Wuxi Apptec vì lý do an ninh quốc gia.

Chứng khoán Hồng Kông nhờ vào đợt phục hồi từ Alibaba và dữ liệu xuất khẩu mạnh hơn dự kiến từ Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,46% lên 17.276,47 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,60% lên 6.039,02 điểm.

Cổ phiếu Alibaba tăng 4,7% phục hồi từ mức thấp nhất trong ba tuần, sau khi các sàn giao dịch ở Thượng Hải và Thâm Quyến chấp nhận tham gia chương trình Stock Connect.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm về cuối ngày, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để có thêm manh mối về quy mô cắt giảm lãi suất của Fed vào tuần tới.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 12,50, tương đương 0,249% xuống 2.523,43 điểm.

Kết thúc phiên 10/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 56,59 điểm (-0,16%), xuống 36.159,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,70 điểm (+0,28%), lên 2.744,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 37,13 điểm (+0,22%), lên 17.234,09 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 12,50 điểm (-0,49%), xuống 2.523,43 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Doanh nghiệp ứng biến với biến động tỷ giá

Biến động mạnh của USD kéo nhiều cặp tỷ giá thay đổi bất thường khiến không ít doanh nghiệp đau đầu tìm cách ứng phó..>> Chi tiết

- Đằng sau danh mục đầu tư của các ngân hàng

Để đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt, ngoài hoạt động tín dụng, các ngân hàng thương mại đã có những điều chỉnh quan trọng trong danh mục đầu tư và đằng sau những thay đổi về con số trong báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024 là câu chuyện về sự thích nghi với những thách thức mới..>> Chi tiết

- Tháng 9 có thể là cơ hội mua tốt

Theo dữ liệu lịch sử, tháng 9 có thể là cơ hội mua tốt cho kỳ vọng thị trường chứng khoán tăng trưởng trở lại trong quý cuối năm, nhất là khi các yếu tố có lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam dần hiện diện rõ hơn so với giai đoạn trước..>> Chi tiết

- ECB sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ hai liên tiếp

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ hạ lãi suất một lần nữa trong tuần này khi lạm phát có xu hướng giảm trở lại mức mục tiêu 2%, nhưng các nhà hoạch định chính sách chưa bình luận thêm về các động thái trong tương lai..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-cac-ngan-hang-da-co-nhung-dieu-chinh-trong-danh-muc-dau-tu-post353433.html